Viêm gan B là gì?, Các trường hợp phát triển của bệnh viêm gan B?, Người bệnh viêm gan B cần lưu ý gì?,.. đều là những vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B là gì? Giai đoạn phát triển của bệnh
1.1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm rất phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc lên tới 20% tổng dân số. Bệnh gây ra bởi loại siêu virus mang tên HBV (Hepatitis B Virus). Virus HBV có khả năng lây truyền từ người mang mầm bệnh qua 3 con đường chính bao gồm: đường máu, đường lây từ mẹ bầu sang em bé; lây khi thực hiện quan hệ tình dục không an toàn.
Viêm gan B là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng về gan như suy gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Chính vì thế, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan với loại bệnh lý nguy hiểm này.
1.2. Các giai đoạn phát triển của virus viêm gan B
Viêm gan B phát triển thông qua 2 giai đoạn là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.
– Viêm gan B cấp tính: Đây là bước đầu khởi phát bệnh. Virus khi đã lây nhiễm vào cơ thể người sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3 – 6 tháng (điều này còn tùy vào thể trạng của từng người). Sau đó, virus HBV sẽ bắt đầu hoạt động và gây ra viêm gan B cấp tính.
– Viêm gan B mạn tính: Nếu sau khoảng thời gian 6 tháng bị viêm gan B cấp tính, cơ thể của người bệnh không thể hình thành miễn dịch với virus thì bệnh sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính. Lúc này, người bệnh xác định là sẽ mang virus cả đời.
2. Phân biệt giữa viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính
2.1. Viêm gan B cấp tính
Đây là giai đoạn khi virus viêm gan B mới chỉ tồn tại trong cơ thể người trong một thời gian ngắn – dưới 6 tháng và đây cũng là cơ hội “duy nhất” có thể điều trị dứt điểm bệnh. Khi người bệnh mắc viêm gan B cấp tính có thể dẫn tới 1 trong 3 khả năng sau đây:
– Viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp: Các tế bào gan bị tổn thương nặng nề dẫn đến suy gan cấp, thậm chí có thể gây tử vong. Trường hợp này rất hiếm xảy ra (tỷ lệ khoảng 1%).
– Hồi phục và tự tạo đáp ứng miễn dịch: Virus viêm gan B bị loại bỏ hoàn toàn sau vài tháng và cơ thể sẽ tạo được đáp ứng miễn dịch cả đời.
– Viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan B mạn tính: Virus viêm gan B không bị loại bỏ dẫn tới viêm gan B mạn tính, cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải chung sống suốt đời với virus.
2.2. Viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính được xác định khi virus HBV tồn tại trong cơ thể hơn 6 tháng. Những triệu chứng của bệnh rất mờ nhạt, nhưng nếu để ý kỹ vẫn có thể nhận diện qua một số dấu hiệu lâm sàng điển hình như rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng, mắt, chán ăn, người mệt mỏi, men gan tăng,…
Người bệnh viêm gan B mạn tính có cần thực hiện điều trị hay không sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như sau:
– Trường hợp 1: Virus không hoạt động và không có các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Trường hợp này còn được gọi là người lành mang mầm bệnh và chưa cần thực hiện điều trị.
– Trường hợp 2: Virus không hoạt động nhưng có các dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn tính, virus từng hoạt động nhưng sau đó đã ngừng lại (viêm gan B không hoạt tính). Trường hợp này cũng chưa cần điều trị nhưng phải thực hiện theo dõi thường xuyên.
– Trường hợp 3: Virus đang hoạt động, nhưng không có các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Đây là trường hợp người bệnh đã “dung nạp được miễn dịch”, chưa cần điều trị ngay nhưng virus có thể tái kích hoạt bất cứ lúc nào. Người bệnh cần tuân thủ theo dõi định kỳ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
– Trường hợp 4: Virus đang hoạt động và có các dấu hiệu lâm sàng. Trường hợp này, cần được can thiệp điều trị ngay để ức chế quá trình virus sinh sôi và ngăn chặn kịp thời những hậu quả nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
3. Người bệnh viêm gan B cần lưu ý những gì?
Đối với người bệnh viêm gan B cấp tính cần nhanh chóng tiến hành thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh để được kịp thời xử lý đúng cách. Trường hợp người bệnh viêm gan B mạn tính hãy thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, xác định “sống chung” hòa bình cùng virus. Cụ thể như sau:
– Thực hiện phòng tránh nguy cơ lây nhiễm chéo: Sinh hoạt tình dục an toàn, lưu ý trong mỗi lần bị chảy máu, tuyệt đối không để người khác tiếp xúc với máu hay các vết thương hở của mình. Không dùng chung dụng cụ cá nhân như bàn chải đánh răng, bơm kim tiêm, bấm móng tay, dao cạo râu,… với người khác.
– Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích. Nói không với thuốc lá để bảo vệ gan tốt nhất. Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, nhưng hãy tránh vận động quá sức, mệt mỏi kéo dài.
– Thực hiện thăm khám sức khỏe đều đặn 6-12 tháng/lần. Chúng ta không thể biết virus sẽ kích hoạt ở thời điểm nào, việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường và kịp thời lên phương án xử lý khi cần.
Như vậy, bạn đọc đã phần nào hiểu về viêm gan B là gì, các trường hợp phát triển của bệnh cũng như những điều người bệnh viêm gan B cần lưu ý. Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm nhưng vẫn có thể khắc phục, người bệnh không cần quá lo lắng mà hãy thoải mái tâm lý, thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực mỗi ngày.