Một ngày bạn phát hiện con mình bỏ ăn, phát sốt, quấy khóc kèm theo ho nhẹ, chảy nước mũi… đó là những biểu hiện của viêm đường hô hấp trên ở trẻ. Lúc này, bên cạnh việc đưa bé đi khám và làm theo hướng dẫn bác sĩ, cha mẹ cũng cần thực hiện chăm sóc đúng cách giúp bé mau khỏi bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Viêm đường hô hấp trên là gì?
Đường hô hấp trên là những cơ quan trực tiếp tiếp xúc với không khí và môi trường bên ngoài. Do vậy, đó cũng là những cơ quan đầu tiên tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của môi trường và mầm bệnh.
Các cơ quan thuộc đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng và thanh quản. Khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, nếu người có sức đề kháng kém rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm AV, viêm xoang, viêm tai giữa… chúng đều gọi chung là viêm đường hô hấp trên.
Những đối tượng dễ mắc bệnh là người có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bị bệnh bạch hầu… Trong đó, trẻ em chiếm đa số trường hợp mắc bệnh. Thông thường, trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên từ 4 – 6 lần/ năm.
Viêm đường hô hấp có thể xảy ra quanh năm do nhiều tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, tại những thời điểm giao mùa, không khí thay đổi trẻ dễ mắc bệnh, tập trung từ tháng 9 đến tháng 12.
Việc mắc bệnh quanh năm khiến sức khỏe và sức đề kháng của bé suy giảm, trẻ dễ mắc bệnh hơn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của bé. Do vậy, các bậc phụ huynh cần nắm rõ biểu hiện, nguyên nhân bệnh viêm đường hô hấp trên để phòng tránh và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ chủ yếu do virus, vi khuẩn và nấm. Cụ thể như sau:
– Một số virus gây bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ em gồm virus corona, virus cảm cúm, virus adeno, virus RBV, virus bạch hầu…
– Một số vi khuẩn gây bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ em gồm liên cầu khuẩn tan máu A, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn…
– Một số loại nấm gây bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ em như Cunninghamella, Rhizopus, Rhizomucor, Candida…
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác làm tăng khả năng mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ như sau:
– Tình trạng sức khỏe của bé: Bé sinh non, sinh mổ, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém, trẻ dưới 1 tuổi, thiếu vitamin A, bé đang điều trị corticoid kéo dài…
– Điều kiện môi trường sống kém: Bé sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc, khói bếp…; không gian sống chật hẹp, ẩm thấp, nấm mốc…
– Điều kiện thời tiết: Khi thời tiết trở lạnh và thời tiết giao mùa, cơ thể bé không đủ ấm khiến niêm mạc mũi họng tiếp xúc với không khí lạnh.
3. Dấu hiệu trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm đường hô hấp trên trẻ em gồm có sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho, khò khè, chán ăn (bỏ bú với trẻ sơ sinh), chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, khàn tiếng, quấy khóc, mệt mỏi…
Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh các triệu chứng có thể không rõ ràng, trẻ có thể không sốt nên nhiều cha mẹ chủ quan, không điều trị kịp thời để bệnh chuyển nặng dẫn tới viêm phổi. Do đó, ở trẻ sơ sinh, khi thấy bé quấy khóc, bú yếu, biếng ăn, thở không đề, da hơi xanh xao, cánh mũi phập phồng… hãy đưa bé đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
4. Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có nguy hiểm không?
Nếu cha mẹ chủ quan, không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, vi khuẩn tại các cơ quan đường hô hấp trong sẽ di chuyển, lây lan đến các cơ quan thuộc đường hô hấp dưới. Khi đó, trẻ sẽ bị viêm đường đường hô hấp dưới. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, trẻ có thể bị biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Thời gian mắc bệnh kéo dài, bệnh có thể biến chứng thành các bội nhiễm nghiêm trọng như viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp, nhiễm trùng máu…. thậm chí nguy cơ tử vong cao. Số trẻ nhiễm viêm đường hô hấp trên bị tử vong cao hơn số trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác. Mỗi năm, thế giới mất đi khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi do viêm đường hô hấp trên gây ra.
5. Điều trị viêm đường hô hấp trên trẻ em
Việc điều trị viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
– Bệnh mức độ nhẹ: Trường hợp bé chỉ viêm nhẹ đường hô hấp trên, triệu chứng sốt nhẹ, có hoặc không bị sổ mũi, ho nhẹ, cha mẹ có thể điều trị tại nhà. Cho bé nhấp mật ong hoặc nước quất hấp đường kính 6 – 7 lần trong ngày, mỗi lần nửa thìa cà phê.
– Bệnh mức độ vừa: Bé bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nhẹ, các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho, thở nhanh (trên 50 nhịp/ phút). Lúc này, cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Bệnh mức độ nặng: Bệnh đã chuyển thành viêm phổi, các triệu chứng như ho nặng từng cơn, các cơn ho nặng dần và tăng số lượng trong ngày, ho co rút lồng ngực, sốt nhẹ hoặc sốt cao, thở nhanh. Cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để theo dõi và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
– Bệnh mức độ rất nặng: Bé có biểu hiện ho nặng từng cơn, thở nhanh, co rút lồng ngực, mặt tím tái, lúc này bé có thể bị viêm phổi nặng hoặc các biến chứng nguy hiểm khác. Bé cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện, tránh tình huống xấu nhất xảy ra.
Cha mẹ tuyệt đối không được cho bé sử dụng thuốc mà không có chỉ dẫn, chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc được sử dụng khi điều trị viêm đường hô hấp trên trẻ em như sau:
– Thuốc hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen… uống theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý điều chỉnh liều lượng.
– Thuốc giảm ho: Dextromethorphan, Guaifenesin, Codein…
– Thuốc kháng sinh: Penicillin V, Amoxicillin, Cephalexin, Erythromycin, Clarithromycin… Những thuốc này được sử dụng khi nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên là do vi khuẩn.
– Một số loại thuốc kháng viêm và chống phù nề khác.
6. Cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Những triệu chứng do bệnh gây ra như sốt, ho, sổ mũi… khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi. Do đó, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp làm thuyên giảm các triệu chứng này, giúp bé dễ chịu hơn và mau khỏi bệnh.
6.1. Cách chăm sóc khi trẻ bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
Tình trạng nghẹt mũi hay chảy nước mũi khiến trẻ bị khó thở. Cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch mũi cho bé. Lưu ý không nhỏ nước ép tỏi cho bé, tỏi cay sẽ khiến niêm mạc mũi bị tổn thương.
Khi lau mũi cho bé hãy dùng khăn mềm để không gây kích thích hay làm đau bé. Nếu nước mũi quá nhiều có thể dùng dụng cụ hút mũi, tránh dùng miệng hút mũi cho bé vì miệng chứa nhiều vi khuẩn.
6.2. Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C, hãy đặt bé ở nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo, chỉ mặc quần áo mỏng và rộng rãi. Cha mẹ có thể chườm hoặc lau người bằng nước ấm (khoảng 37 độ C) cho bé để hạ sốt, chú ý các vị trí trán, cổ, nách và bẹn. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt hay sử dụng thuốc đặt hậu môn theo chỉ định của bác sĩ.
Kiểm tra nhiệt độ 30 phút/ lần, nếu vẫn trên 38 độ C, tiếp tục lau người và chườm nước cho bé cho đến khi nhiệt độ hạ xuống còn 37 độ C. Nếu bé sốt cao mãi không hạ, lập tức đưa bé đến bệnh viện.
6.3. Cách chăm sóc khi trẻ ho quá nhiều
Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi muốn loại bỏ đờm và vi khuẩn trong đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Do vậy, cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc giảm ho, cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Cha mẹ có thể cho bé uống mật ong hay nước quất đường (hấp cách thủy nước quất với đường trong 20 phút) để giảm ho. Mỗi lần cho bé uống nửa thìa cà phê, cách 6 tiếng uống một lần.
6.4. Cách chăm sóc khi trẻ bị nôn
Nếu thấy bé nôn nhiều, có thể tình trạng bệnh chuyển nặng hơn. Đặc biệt nếu nôn kèm theo mắt trũng, da nhăn nheo, li bì… cha mẹ hãy báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp. Cha mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc chống nôn mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Khi bé nôn, hãy nghiêng đầu bé sang một bên, làm sạch chất bẩn ở miệng, họng cho bé sau khi nôn. Hãy cho bé bú nhiều hơn hoặc uống sữa, nước trái cây… để bổ sung dưỡng chất, tránh mất nước do nôn nhiều.
6.5. Chế độ dinh dưỡng cho bé
Khi bị ốm trẻ sẽ biếng ăn, chán ăn, bỏ bú, cha mẹ nên tiếp tục cho bé ăn bình thường để bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, không nên ép bé ăn, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Bên cạnh đó, hãy cho bé uống nhiều nước vì khi sốt và nôn ói trẻ sẽ bị mất nước. Hơn thế, nước cũng góp phần làm hạ nhiệt cơ thể, giúp bé nhanh hạ sốt hơn. Có thể thay nước bằng sữa, canh, nước trái cây…
7. Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
Một số biện pháp giúp phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trẻ em, tránh bệnh tái phát như sau:
– Vệ sinh nhà cửa, phòng ở của bé sạch sẽ, gọn gàng. Việc này cung cấp môi trường sống trong lành, không bụi bẩn, tránh vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển.
– Chú ý giữ ấm cho bé vào mùa đông hay khi trời trở lạnh. Mùa hè tránh bật điều hòa quá thấp, nhiệt độ duy trì khoảng 25 – 26 độ C, tắt điều hòa 30 phút trước khi ra khỏi phòng để tránh chênh lệch nhiệt độ đột ngột cho bé.
– Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé hàng ngày, đặc biệt là các chất giúp tăng cường sức đề kháng và sự phát triển như các vitamin, DHA…
– Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% vệ sinh mũi cho bé hàng ngày, không sử dụng các loại nước truyền miệng (nước ép tỏi) sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi.
– Cha mẹ hãy đưa bé đi tiêm chủng đầy đủ, nhất là các loại vắc xin phòng các bệnh viêm đường hô hấp. Vắc xin phế cầu Synflorix giúp phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu… do phế cầu khuẩn Synflorix gây ra; vắc xin phế cầu Prevnar phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu… do phế cầu khuẩn Prevnar gây ra; vắc xin phòng bệnh cúm…
Như vậy, cha mẹ cần nắm rõ thông tin về dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời cũng nên nắm rõ các biện pháp chăm sóc khi trẻ bị bệnh, giúp trẻ dễ chịu hơn và mau khỏi bệnh.