Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng đầy bụng dù không ăn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh về dạ dày và gan. Ngoài ra bệnh sỏi mật và sỏi túi mật cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy đầy bụng ấm ách sau khi ăn vài miếng. Nếu gặp phải tình trạng khó chịu này, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám để biết chính xác nguyên nhân và tư vấn điều trị ngay.
Menu xem nhanh:
1. Đầy bụng dù không ăn nhiều là do đâu?
1.1 Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh lý về đường tiêu hóa. Các triệu chứng của bệnh bao gồm đầy bụng, đau, ợ hơi và khó chịu. Cơn đau có thể lan đến lưng hoặc phía sau xương ức. Loét dạ dày tá tràng cũng có thể gây chảy máu ẩn, dẫn tới thiếu máu và gây khó thở, mệt mỏi cho người bệnh. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn là phân đen hoặc phân có máu, đau bụng dữ dội và nôn mửa dữ dội, nôn ra máu.
1.2. Liệt dạ dày
Liệt dạ dày là tình trạng tê liệt một phần dạ dày, kết quả là thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn thời gian bình thường. Ở người khỏe mạnh, dạ dày co thắt để tống thức ăn xuống ruột non để tiêu hóa và dây thần kinh phế vị điều khiển hoạt động co thắt này. Nguyên nhân gây ra liệt dạ dày bao gồm phẫu thuật trên các dây thần kinh phế vị, nhiễm trùng, rối loạn cơ trơn và các rối loạn chuyển hóa như suy giáp. Hậu quả là thức ăn di chuyển chậm hoặc dừng lại. Người bệnh vì thế mà hay cảm thấy đầy bụng, no lâu dù ăn rất ít vì dạ dày phải mất nhiều thời gian để tiêu hóa phần thức ăn đã tiêu thụ trước đó.
1.3. Đầy bụng dù không ăn nhiều do chứng khó tiêu
Theo ational Digestive Diseases Information Clearinghouse, chứng khó tiêu có thể gây ra tình trạng đầy bụng dù không ăn nhiều. Các triệu chứng khác liên quan đến chứng khó tiêu bao gồm rát hoặc đau ở vùng bụng trên. Chứng khó tiêu thường là một triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày, ung thư hoặc bất thường của tuyến tụy hoặc ống dẫn mật.
1.4. Bệnh về gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng như lưu trữ vitamin, sản xuất mật hỗ trợ tiêu hóa, lọc bỏ chất thải, thuốc men và các chất độc hại trong máu. Lạm dụng ma túy và nghiện rượu là nguyên nhân phổ biến của bệnh gan. Các triệu chứng cảnh báo gan có vấn đề bao gồm vàng da, ứ mật, gan sưng và tăng huyết áp tĩnh mạch cửa. Tình trạng ứ mật, giảm hoặc tắc nghẽn dòng chảy của mật, có thể gây ra các triệu chứng như ăn ít nhưng vẫn đầy bụng, túi mật to, dễ chảy máu, nhạt phân, nước tiểu sẫm màu…
2. Một số mẹo chữa đầy bụng khó tiêu
Khi bị đầy bụng khó tiêu, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây để hạn chế tình trạng này:
– Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để giải phóng khi dư thừa ra ngoài đồng thời ngăn chặn táo bón.
– Tắm trong bồn nước ấm để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
– Bổ sung nhiều chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày để phòng chống táo bón, chướng bụng.
– Hạn chế uống nước ngọt, đồ có ga bởi chúng dễ gây tích tụ nhiều khí trong dạ dày.
– Ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn quá no.
– Cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn để hạn chế tình trạng tích tụ nước trong người, cải thiện chướng bụng.
– Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đúng giấc và không nên thức khuya.
Với những cách trên đây, bạn có thể hạn chế được tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tục thì bạn cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.