Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản xuất các hoocmon quan trọng điều hòa quá trình trao đổi chất, miễn dịch, huyết áp, phản ứng với căng thẳng và các hoạt động thiết yếu khác. Các bệnh lý xảy ra tại tuyến này, bao gồm u tuyến thượng thận lành tính đều có thể gây ra tình trạng rối loạn bài tiết hormone, làm tổn hại đến các cơ quan và gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết u tuyến thượng thận lành tính
U tuyến thượng thận lành tính là một khối u hiếm phát triển từ tuyến thượng thận. Hầu hết người bệnh không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh mà chỉ được chẩn đoán thông qua thăm khám định kỳ hoặc thực hiện các xét nghiệm liên quan.
Dù phần lớn không liên quan đến yếu tố ung thư, u tuyến thượng khi không được phát hiện và kiểm soát có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh như mệt mỏi, tăng huyết áp, rối loạn nước và điện giải, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng… Hiểu cách nhận biết các dấu hiệu u tuyến thượng thận giúp bạn thăm khám kịp thời, bảo vệ sức khỏe bản thân và đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Tuyến thượng thận có cấu tạo gồm vỏ thượng thận và tủy thượng thận. Tùy thuộc vào nơi khối u phát triển và loại hormone khối u tạo ra mà người bệnh có thẻ có các triệu chứng khác nhau.
1.1 Khối u lành tính ở vỏ thượng thận
Khối u tiết quá nhiều aldosterone có thể gây ra hội chứng Conn. Người bệnh có các biểu hiện tư tăng huyết áp, hạ nồng độ kali trong máu, chuột rút cơ bắp…
Khối u sản xuất quá nhiều cortisol dẫn đến hội chứng Cushing đặc trưng bởi triệu chứng to vùng bụng, mặt tròn, xuất hiện các vết rạn màu tím, hồng dưới da, tâm trạng thay đổi thấy thường, tỷ lệ mắc đái tháo đường cao…
Khối u tăng tiết quá mức các hormone liên quan đến giới tính sẽ gặp các vấn đề như tăng nồng độ testosterone ở phụ nữ gây mất kinh nguyệt, hói đầu. Trong khi đó, nam giới có quá nhiều estrogen bị giảm ham muốn và rối loạn cương dương.
1.2 Khối u ở tủy thượng thận
Thường liên quan đến tăng tiết bất thường các hormone adrenaline và noradrenaline dẫn đến tăng hoạt động của hệ tim mạch. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: tăng huyết áp, tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, đau đầu… Một số trường hợp có thể cảm thấy buồn nôn, khó thở, đau bụng, táo bón, sụt cân…
U tuyến thượng thận lành tính đặc trưng bởi triệu chứng tăng huyết áp kịch phát với biểu hiện huyết áp tăng cao từ 250 – 280 mmHg/120-140 mmHg
Những dấu hiệu u tuyến thượng thận này đôi khi có thể diễn tiến trầm trọng hơn vì một số yếu tố như:
– Người bệnh trong trạng thái gắng sức; lo âu, căng thẳng; khi chuyển dạ, sinh con hay gây mê, phẫu thuật.
– Người bệnh tiêu thụ các thực thực phẩm có hàm lượng tyramine cao như phô mai, bia, rượu vang, socola, thịt hun khói, dưa cải chua, cà pháo, thịt chua… (ảnh hưởng đến huyết áp).
– Người bệnh sử dụng một số loại thuốc có thành phần chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) hoặc chất kích thích (amphetamine hoặc cocaine).
2. Chẩn đoán u tuyến thượng thận
Sau khi thăm khám lâm sàng, căn cứ vào triệu chứng bệnh, tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình…, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để củng cố chẩn đoán.
2.1 Xét nghiệm máu và nước tiểu chẩn đoán khối u tuyến thượng thận lành tính
Sau khi lấy mẫu máu và nước tiểu từ người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành đo và phân tích nồng độ một số hormone như adrenaline, noradrenaline, cortisol, aldosterone, estrogen, testosterone… Người bệnh có khối u tuyến thượng thận có xu hướng tăng tiết các hormone tuyến này. Kết quả từ các xét nghiệm này cũng cho biết tình trạng hoạt động của khối u.
2.2 Chẩn đoán hình ảnh
Bao gồm các kỹ thuật như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), x-quang ngực…. giúp xác định sự hiện diện, vị trí, kích thước khối u tuyến thượng thận. Từ đây, bác sĩ có thể tiên lượng tính chất khối u là lành tính hay không.
2.3 Các xét nghiệm khác
Trong một số trường hợp, sau khi thực các xét nghiệm máu, nước tiểu và thăm dò hình ảnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: nội soi ổ bụng, sinh thiết khối u hay xét nghiệm di truyền…
3. Phương pháp điều trị u tuyến thượng thận lành tính
Điều trị u tuyến thượng thận như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất, vị trí, kích thước khối u, khối u có tiết hormone hay không và loại hormone được sản xuất.
3.1 Theo dõi định kỳ
Đối với các khối u tuyến thượng thận kích thước nhỏ, không giải phóng hormone và không gây triệu chứng, người bệnh chưa cần phải can thiệp mà sẽ được khuyến cáo làm xét nghiệm định kỳ để theo dõi. Trường hợp khối u tiếp tục phát triển và bắt đầu sản xuất hormone, bác sĩ sẽ chỉ định một phương pháp điều trị khác phù hợp.
3.2 Phẫu thuật điều trị khối u tuyến thượng thận lành tính
Trường hợp khối u lớn, gây ra các triệu chứng cho cơ thể, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến thượng thận.
Người bệnh có thể cân nhắc giữa 2 phương pháp phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi.
Mổ nội soi phù hợp trong trường hợp khối u lành tính, có kích thước <5cm. Phương pháp này giúp người bệnh loại bỏ khối u mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ. Thông thường, khối u và toàn bộ tuyến thượng thận có khối u sẽ được cắt bỏ. Sau phẫu thuật, tuyến thượng thận khỏe mạnh còn lại sẽ chịu trách nhiệm sản xuất các hormone thực hiện chức năng nội tiết. Lúc này, các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm và dần trở lại bình thường. Trường hợp người bệnh chỉ còn một tuyến thượng thận, phẫu thuật hướng tới mục tiêu loại bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn các mô lành, đảm bảo khả năng hoạt động của tuyến nội tiết.
Trong khi đó, mổ mở thường áp dụng cho khối u có kích thước lớn >5cm, xâm lấn tới các mô tạng xung quanh.
U tuyến thượng lành tính là khối u hiếm và không gây huy hiểm. Tuy nhiên, khi không điều trị và kiểm soát khối u, nó có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Người bệnh cần lắng nghe cơ thể để kịp thời có những phát hiện bệnh và chủ động thăm khám, điều trị kịp thời.