Triệu chứng trẻ viêm phổi: Biết để xử trí đúng đắn

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm phổi là một trong những bệnh lý mà trong 5 năm đầu đời, trẻ dễ gặp phải nhất. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Để hạn chế tối đa nguy cơ này, nhận biết và điều trị sớm, nghiêm túc viêm phổi là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ triệu chứng trẻ viêm phổi và cách xử trí, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!

1. Viêm phổi: Khái niệm, phân loại, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và biến chứng

1.1. Khái niệm

Viêm phổi được xác định là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, bao gồm: Nhiễm trùng phế nang, nhiễm trùng túi phế nang, nhiễm trùng ống phế nang, nhiễm trùng tổ chức liên kết khe kẽ và nhiễm trùng tiểu phế quản tận cùng.

1.2. Phân loại

Viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh là tiêu chí được sử dụng phổ biến nhất để phân loại viêm phổi. Phân loại theo nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi có: Viêm phổi do vi khuẩn, viêm phổi do virus, viêm phổi do nấm và viêm phổi do hóa chất.

1.3. Nguyên nhân

Như thông tin đã chia sẻ trong mục 1.2, viêm phổi có thể phát sinh do một hoặc một vài nguyên nhân trong những nguyên nhân sau: Vi khuẩn, virus, nấm và hóa chất:

– Vi khuẩn: Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân viêm phổi do vi khuẩn còn phổ biến. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất là: Phế cầu, Hemophilus. influenzae. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn gây viêm phổi khác, ít gặp hơn, có thể kể đến là: Tụ cầu, liên cầu, E coli, Klebsiella pneumoniae,…

Vi khuẩn E coli có thể gây viêm phổi

Viêm phổi có thể phát sinh do vi khuẩn E coli

– Virus: Virus hợp bào hô hấp, Cúm, Adenovirus,… là những virus gây viêm phổi thường gặp nhất

– Nấm: Thường gặp nhất là nấm Candida. albicans gây tưa miệng. Nấm này có thể phát triển xuống phổi, gây viêm phổi.

– Hóa chất: Một số hóa chất đặc biệt, dạng lỏng hoặc hơi.

Viêm phổi do vi khuẩn và viêm phổi do virus dễ xuất hiện ở những trẻ suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nền mãn tính. Viêm phổi do nấm dễ xuất hiện ở những trẻ sinh trưởng trong môi trường bụi bẩn, ẩm ướt. Còn viêm phổi do hóa chất dễ xuất hiện ở những trẻ có điều kiện tiếp xúc với các hóa chất đặc biệt có khả năng gây viêm phổi.

1.4. Biến chứng

Viêm phổi là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh có thể biến chứng đến phù phổi cấp, tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết,… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nghiêm túc.

– Phù phổi cấp: Trẻ phù phổi cấp do viêm phổi thường vã mồ hôi, khó thở, tím tái,…

– Tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi: Khi viêm phổi biến chứng đến tràn mủ/khí màng phổi, trẻ sốt cao, ho, khó thở, đau ngực dữ dội,…

– Viêm màng não: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm trẻ suy giảm nhận thức và vận động, thậm chí còn khiến trẻ tử vong.

– Nhiễm khuẩn huyết: Điều trị nhiễm khuẩn huyết rất khó khăn. Chính vì vậy, biến chứng này tác động rất nặng nề đến sức khỏe của trẻ và kinh tế của bố mẹ.

– Kháng kháng sinh: Viêm phổi biến chứng, đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh liều cao để điều trị. Lúc này, tình trạng kháng kháng sinh có thể xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia phải cho trẻ sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh. Việc dùng kháng sinh phối hợp lâu dài, lại có thể dẫn đến hiện tượng suy giảm miễn dịch ở trẻ.

2. Tổng hợp triệu chứng trẻ viêm phổi

2.1. Triệu chứng trẻ viêm phổi giai đoạn khởi phát

– Trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ có thể tăng lên từ từ hoặc sốt cao ngay từ đầu. Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, ăn kém.

– Viêm long đường hô hấp trên như ngạt mũi, chảy nước mũi, ho.

– Rối loạn tiêu hoá: nôn, trớ, tiêu chảy.

Tổng hợp triệu chứng trẻ viêm phổi

Trẻ bị viêm phổi thường quấy khóc

2.2. Triệu chứng trẻ viêm phổi giai đoạn toàn phát

– Trẻ sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, môi khô lưỡi bẩn.

– Ho khan hoặc ho xuất tiết nhiều đờm rãi.

– Nhịp thở nhanh: Trên 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng, 50 lần/phút với trẻ từ 2 – 12 tháng, 40 lần/phút với trẻ trên 1 – 5 tuổi.

– Khó thở, cánh mũi phập phổng, đầu gật gù theo nhịp thở, rút lõm lổng ngực. Nếu nặng hơn có thể có dấu hiệu tím tái ở lưỡi, quanh môi, đầu chi, rối loạn nhịp thở, có cơn ngừng thở.

– Nghe phổi có ran ẩm to nhỏ hạt rải rác ở 1 hoặc cả 2 bên phổi, bên cạnh đó có thể có ran ngáy, ran rít.

– Có thể có rối loạn tiêu hoá: nôn trớ, tiêu chảy, bụng chướng,…

– Trường hợp suy hô hấp nặng có thể có biểu hiện suy tim, trụy mạch.

3. Viêm phổi: Chẩn đoán và điều trị

Khi các dấu hiệu nhận biết viêm phổi đã được liệt kê phía trên xuất hiện, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay để trẻ được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh

3.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm phổi, trẻ cần thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng. Trong đó:

– Thăm khám lâm sàng bao gồm: Khai thác tiền sử và dấu hiệu bệnh lý đồng thời đếm nhịp thở xác định trẻ thở nhanh hay chậm, nghe phổi xác định tiếng ran bất thường hay bình thường,…

– Thăm khám cận lâm sàng bao gồm: Xét nghiệm máu (xác định tình trạng viêm thông qua chỉ số bạch cầu và chỉ số CRP), nuôi cấp đờm (xác định nguyên nhân gây viêm phổi), chụp X-quang ngực thẳng, chụp CT, nội soi phế quản,…

Cho trẻ chụp X-quang ngực thẳng để chẩn đoán viêm phổi

Để chẩn đoán viêm phổi, trẻ cần chụp X-quang ngực thẳng

3.2. Điều trị

Sau thăm khám và chẩn đoán xác định, tùy thuộc nguyên nhân viêm phổi, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định một trong bốn phương pháp điều trị sau:

– Phương pháp điều trị viêm phổi do vi khuẩn: Chuyên gia sẽ chỉ định trẻ sử dụng kháng sinh.

– Phương pháp điều trị viêm phổi do virus: Chuyên gia sẽ chỉ định trẻ sử dụng thuốc điều trị triệu chứng như: Thuốc hạ sốt, thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản,…

– Phương pháp điều trị viêm phổi do nấm: Chuyên gia sẽ chỉ định trẻ sử dụng một số loại kháng sinh cổ điển, như dòng thứ nhất, thứ hai, thứ ba Triazoles và Echinocandins,…

– Phương pháp điều trị viêm phổi do hóa chấy: Chuyên gia sẽ chỉ định trẻ truyền dịch tĩnh mạch, thuốc giãn phế quản (hoặc mở đường thở nếu thuốc không đáp ứng yêu cầu điều trị), thuốc steroid uống/truyền tĩnh mạch, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau uống/truyền tĩnh mạch, thở máy, thuốc kháng sinh dự phòng bội nhiễm,…

Như vậy, trong bài viết, Thu Cúc TCI đã chia sẻ với bố mẹ triệu chứng trẻ viêm phổi. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp chi tiết, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital