Trĩ ngoại cấp độ 1 là gì. Điều trị ra sao?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trĩ ngoại cấp độ 1 là giai đoạn đầu tiên của trĩ ngoại, gần như chưa có triệu chứng rõ ràng. Đa phần người bệnh đều chủ quan không điều trị và để vậy. Điều này có thể gây ra hậu quả bệnh tiến triển nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là hoại tử vùng hậu môn.

1. Trĩ ngoại cấp độ 1 là gì?

Trĩ ngoại độ 1 là trĩ ở cấp độ nhẹ nhất. Giai đoạn này, búi trĩ vừa mới hình thành ở dưới đường lược. Búi trĩ còn rất nhỏ, chưa gây đau rát hay khó chịu gì với bệnh nhân.

Khác với trĩ nội, ngay từ khi hình thành, búi trĩ ngoại đã ở dưới đường lược và có thể sờ thấy ở mép hậu môn. Do đó, người bệnh tuy không đau nhưng có thể cảm nhận được búi trĩ khi sờ vào. Nếu thăm khám, bác sĩ cũng dễ dàng nhìn thấy búi trĩ bằng mắt thường.

Búi trĩ ngoại độ 1 chưa gây nguy hiểm gì, ngoài việc thỉnh thoảng gây rát hoặc ngứa ở vùng hậu môn. Tuy nhiên vì xuất hiện ở vùng nhạy cảm, búi trĩ rất dễ bị cọ xát trong quá trình đi vệ sinh. Nếu người bệnh bị táo bón lâu ngày, có thể xảy ra hiện tượng chảy máu ở vùng hậu môn. Ngoài ra, búi trĩ có thể lớn rất nhanh về kích thước, khiến bệnh nhân đau đớn khó chịu và xuất hiện biến chứng. Nếu búi trĩ bị cọ xát và vỡ ra, vùng hậu môn sẽ xuất hiện dịch nhầy, có thể dẫn đến viêm nhiễm.

Do đó, cần hình thành ý thức điều trị trĩ ngoại ngay từ khi phát hiện ra. Ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc vệ sinh phù hợp là có thể ngăn chặn các triệu chứng khó chịu. Người bệnh cần dùng thêm thuốc để hạn chế sự phát triển của búi trĩ. Bởi nếu búi trĩ càng lớn, càng dễ sa mạnh ra ngoài, gây sa nghẹt, thậm chí là hoại tử búi trĩ.

Trĩ ngoại độ 1 là giai đoạn nhẹ nhất của trĩ ngoại

Trĩ ngoại cấp độ 1 là giai đoạn nhẹ nhất của người mắc trĩ ngoại

2. Điều trị trĩ ngoại độ 1

2.1. Người trĩ ngoại cấp độ 1 cần thay đổi ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Đối với người bệnh trĩ ngoại độ 1 thì ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh là 3 yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn bệnh. Một số điều cần lưu ý được tổng hợp như sau:

– Uống nhiều nước sạch hằng ngày vì nước giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, giúp tiêu hóa tốt và chuyển hóa chất xơ tốt.

– Thực đơn cần nhiều rau ranh, củ quả tươi. Có thể ăn những thực phẩm lợi cho tiêu hóa khi táo bón như rau lang, khoai lang…

– Nên tránh xa những loại thực phẩm cay nóng, dầu mỡ nhiều, đồ đạm nhiều và đồ ăn nhanh

– Ăn đúng bữa, không nên bỏ bữa

– Hạn chế ngồi lâu 1 chỗ, luôn đi lại vận động nhẹ nhàng, nhất là đối với nhân viên văn phòng

– Hằng ngày tranh thủ để có những bài tập nhẹ nhàng và điều độ. Có thể là đi bộ, chạy bộ 30 phút mỗi ngày. Các bài tập thể dục như Yoga cũng giúp ích cho việc ngăn chặn bệnh trĩ.

– Vùng hậu môn cần được lau chùi nhẹ nhàng và sạch sẽ

– Có thể ngâm mông bằng nước ấm nếu thấy rát

– Cần sử dụng giấy vệ sinh ướt, mềm, không hương liệu, không kích ứng

– Có thể dùng biện pháp chườm ấm hoặc chườm đá nếu bị sưng vùng hậu môn

– Hình thành thói quen đi vệ sinh vào khung giờ nhất định để hệ tiêu hóa quen thuộc và hoạt động tốt hơn.

Cần thực hiện đầy đủ các phương pháp này trong thời gian dài. Dần dần trĩ sẽ không còn gây kích ứng và khó chịu cho người bệnh. Trĩ ngoại độ 1 chưa cần can thiệp phẫu thuật nên người bệnh cần chú ý tuân thủ điều trị tránh bệnh nặng hơn. Khi đó, phải can thiệp các thủ thuật ngoại khoa khá tốn kém và đau đớn.

Trĩ ngoại độ 1 cần chú ý chăm sóc, vệ sinh tại nhà

Trĩ ngoại cấp độ 1 cần chú ý chăm sóc, vệ sinh tại nhà

2.2. Dùng thuốc nếu cần khi mắc trĩ ngoại cấp độ 1

Khi chưa có biện chứng và triệu chứng nặng, ưu tiên hàng đầu là duy trì ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Nếu vẫn xuất hiện các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, hoặc táo bón kéo dài thì cần kết hợp cả dùng thuốc để cải thiện triệu chứng bệnh.

Thuốc cho người bị trĩ ngoại giai đoạn 1 là thuốc uống dạng viên và các loại thuốc bôi.

– Thuốc bôi: Nếu người bệnh ngứa ngáy khó chịu thì có thể dùng các loại thuốc bôi trực tiếp vào vùng ngứa.

– Thuốc uống: Những loại thuốc này thường có tác dụng chống viêm, làm chắc lớp tĩnh mạch ngăn hình thành búi trĩ mới. Các búi trĩ cũ cũng sẽ bị hạn chế khả năng phát triển kích thước.

Trĩ ngoại cấp độ 1 có thể dùng thuốc để ngăn chặn bệnh phát triển

Trĩ ngoại cấp độ 1 có thể dùng thuốc để ngăn chặn bệnh phát triển

Lưu ý rằng các loại thuốc uống và bôi đều cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không mua thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, có thể khiến bệnh tình nặng thêm. Mọi hướng dẫn dùng thuốc ở bài viết chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo.

Đừng quên rằng, dù dùng thuốc, đồng thời cần kết hợp song song với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều trị nội khoa cần duy trì lâu dài để khỏi bệnh.

Trĩ ngoại cấp độ 1 hầu như không gây bất cứ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, đây là giai đoạn quan trọng vì nếu bỏ lỡ thời gian điều trị, trĩ sẽ phát triển và gây biến chứng. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà nên thăm khám và tuân thủ điều trị. Điều trị trĩ là quá trình lâu dài nên người bệnh cần kiên trì.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital