Trị bệnh mất ngủ: Khi nào cần dùng thuốc?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Điều trị bệnh mất ngủ là một nhu cầu ngày một lớn do tình trạng mất ngủ đang trở nên phổ biến và trẻ hóa. Nhiều người khi bị mất ngủ thường tìm đến các loại thuốc ngủ để dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Nhưng chữa bệnh mất ngủ bằng thuốc có phải lúc nào cũng cần thiết? Khi nào thì cần dùng thuốc để điều trị mất ngủ? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây cùng những thông tin bổ ích về bệnh mất ngủ.

1. Tổng quan về bệnh mất ngủ 

Mất ngủ là tình trạng người bệnh gặp bất ổn về giấc ngủ, liên quan đến số lượng giờ ngủ, chất lượng giấc ngủ mỗi đêm. Thông thường người trưởng thành ngủ từ 7- 8 tiếng/đêm. Nếu vì lý do nào đó mà thời gian ngủ bị rút ngắn hoặc giấc ngủ không được trọn vẹn thì có nghĩa là bạn đã bị mất ngủ. 

Các biểu hiện thường thấy nhất của những người bị mất ngủ bao gồm:

– Khó đi vào giấc ngủ

– Không thể ngủ sâu giấc, hay tỉnh dậy giữa đêm và khó ngủ lại 

– Thường xuyên thức dậy sớm

– Cảm thấy không được nghỉ ngơi sau khi thức dậy

Tình trạng không ngủ được có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (cấp tính) và tự hết , nhưng cũng có thể xảy ra thường xuyên, trên 3 lần/tuần và kéo dài liên tục hơn 1 tháng (mạn tính). Nếu kéo dài, bệnh mất ngủ có thể gây mệt mỏi, mất tập trung, dẫn đến giảm hiệu quả công việc, học tập. Nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể thay đổi tính cách, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ của người bệnh.

Mất ngủ thường xuyên gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Mất ngủ thường xuyên gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

2. Khi nào nên dùng thuốc để trị bệnh mất ngủ?

Tùy vào thể trạng và mức độ mất ngủ của người bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị khác nhau. 

2.1 Những trường hợp không cần dùng thuốc

Trong những trường hợp mới bị mất ngủ, tần suất không nhiều thì người bệnh có thể chưa cần dùng đến thuốc mà nên áp dụng một số biện pháp cải thiện giấc ngủ như:

– Nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh, massage, ngâm chân… trước khi ngủ.

– Tập luyện yoga, vận động nhẹ nhàng khoảng 30 phút/ngày.

– Sử dụng các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà sen, trà mộc lan,…

– Tạo không gian ngủ thoải mái, mát mẻ, để nhiệt độ phòng phù hợp, giữ cho không gian yên tĩnh,… Có thể sử dụng các loại tinh dầu trong phòng ngủ để giúp ngủ ngon, cải thiện chứng mất ngủ.

– Ít nhất 30 phút trước khi ngủ không sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad…

Các thói quen lành mạnh này sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và duy trì được giấc ngủ sâu và ngon hơn. 

2.2 Những trường hợp cần dùng thuốc

Trong khi áp dụng các biện pháp trên, bạn vẫn có thể dùng một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Còn nếu đã áp dụng các cách cải thiện mà tình trạng mất ngủ vẫn không thuyên giảm hoặc các triệu chứng vẫn kéo dài dai dẳng, bệnh nhân có thể phải dùng đến các loại thuốc điều trị với tác dụng mạnh hơn. Tuy nhiên khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất nên thăm khám với các chuyên gia Nội thần kinh để được tư vấn và kê đơn phù hợp. 

Khi nào cần trị bệnh mất ngủ bằng thuốc

Các loại thuốc điều trị mất ngủ có thể giúp bệnh nhân đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, tuy nhiên cần dùng thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Một số loại thuốc chữa mất ngủ 

3.1 Thuốc ngủ được sử dụng như thế nào trong điều trị bệnh mất ngủ?

Nhóm thuốc này bao gồm các loại thuốc có tác dụng gây ngủ. Tùy vào mức độ của bệnh mà có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc ngủ khác nhau. 

Các trường hợp mất ngủ ngắn và mức độ bệnh chưa trầm trọng, có thể dùng thuốc bình thần, thuốc an thần. Các loại thuốc này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn vì dùng nhiều có thể gây quen thuốc hoặc một số tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu hay rối loạn tiêu hóa… Thuốc kháng histamin, thuốc ngủ Diazepam, thuốc an thần kinh mới cũng là những loại thuốc có tác dụng an thần, giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng có tác dụng với những trường hợp mất ngủ kéo dài do chúng có cơ chế tác động vào hệ Serotonin trong não. Đặc biệt thuốc này sử dụng trong thời gian dài không gây ra tình trạng “nhờn” thuốc. Tuy nhiên, thuốc thường có tác dụng chậm, sau 3 – 4 tuần điều trị mới thấy hiệu quả.

Để tăng tác dụng của thuốc và hạn chế tác dụng phụ, các bác sĩ thường kết hợp 2 hoặc 3 loại thuốc khác nhóm. Như vậy sẽ giúp người bệnh ngủ được ngay mà ít bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ. 

3.2 Các loại thuốc điều trị bệnh lý – Giải pháp điều trị bệnh mất ngủ từ nguyên nhân

Bên cạnh các trường hợp mất ngủ vô căn, tình trạng mất ngủ có thể do các bệnh lý như viêm khớp, tiểu đường, tim mạch, viêm loét dạ dày,…gây ra. Các căn bệnh này có thể gây đau đớn hoặc gây suy giảm các chức năng, từ đó tác động tiêu cực đến giấc ngủ. 

Nếu chứng mất ngủ xuất phát từ bệnh lý thì tốt nhất bạn nên điều trị hiệu quả và dứt điểm bệnh, như vậy giấc ngủ ngon sẽ tự “trở lại”. Tùy vào từng bệnh lý mà bạn mắc phải, bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc phù hợp, ví dụ bệnh nhân viêm khớp thường dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, bệnh nhân tim mạch có thể dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu,…

3.3 Các loại sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ

Ngoài các loại thuốc điều trị, người bệnh có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ như tâm sen, lạc tiên, đinh lăng, hoa cúc… 

Bên cạnh đó, có thể bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như D,E, canxi, magie, melatonin, sắt… để giúp ngủ ngon hơn. 

Các loại thuốc trị mất ngủ

Tuy vào nguyên nhân sinh ra mất ngủ và mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân loại thuốc phù hợp.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc

– Các loại thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân gây mất ngủ và được tư vấn cách điều trị phù hợp.

– Trong khi sử dụng thuốc, tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc, liều dùng

– Theo dõi, nếu thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần liên lạc với bác sĩ ngay để được tư vấn đổi liều dùng hoặc loại thuốc. 

Trong trường hợp thuốc điều trị không đáp ứng, các bác sĩ có thể cân nhắc đến các biện pháp can thiệp khác.

Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bạn biết được khi nào thì nên dùng thuốc trị bệnh mất ngủ và cách sử dụng sao cho hiệu quả. Các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, để được điều trị phù hợp, hãy chủ động thăm khám và nhận tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital