Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Y tế công Harvard TH Chan ở TP Boston mới được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics nêu khả năng biện pháp sinh mổ khiến trẻ dễ có nguy cơ bị béo phì sau này.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 22.068 trẻ em, trong đó có 4.921 trường hợp sinh mổ. Họ nhận thấy biện pháp sinh mổ làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em lên thêm 15% so với trẻ được mẹ sinh ra bình thường. Hơn nữa, trẻ sinh mổ có nguy cơ bị béo phì cao hơn 64% so với anh chị em ruột được mẹ sinh bình thường.
Các nhà khoa học giả định rằng nguy cơ béo phì có thể là do hậu quả khác nhau của việc hình thành vi khuẩn đường ruột khi sinh nở. Trẻ được sinh qua đường âm đạo thụ hưởng vi khuẩn đường ruột từ người mẹ tốt hơn so với trẻ được sinh mổ. Những nghiên cứu khác đã cho thấy biện pháp mổ bắt con cũng làm thay đổi đáng kể khuôn mẫu vi khuẩn đường ruột của trẻ.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận thêm thai phụ sinh mổ thường có chỉ số thể hình (BMI) cao hơn, dễ bị đái tháo đường, cao huyết áp khi mang thai và dễ bị tiền sản giật hơn thai phụ sinh thường.
Theo Người Lao Động