Trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tay chân miệng là căn bệnh nhiễm trùng do virus gây ra ở những trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng hiểu rõ các kiến thức về bệnh tay chân miệng khi nuôi con nhỏ. Đặc biệt, điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất là bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

1. Độ tuổi nào có nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng?

Nhóm virus đường ruột Enterovirus là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, thường gặp nhất chính là Enterovirus typ 71 và Coxsackie A16. Theo một số thống kê, những trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc bệnh tay chân miệng so với lứa tuổi còn lại.

Với những đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam, bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm chứ không riêng một mùa nào cả. Nếu như trẻ thường xuyên tiếp xúc với những sân chơi kém vệ sinh thì nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng sẽ cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thêm vào đó, việc vệ sinh thân thể trẻ không sạch sẽ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loại virus này xâm nhập vào cơ thể.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi

2. Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Tùy vào các giai đoạn cụ thể của bệnh tay chân miệng mà trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau. Cụ thể là:

– Thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng có thể kéo dài khoảng 3 – 6 ngày.

– Giai đoạn khởi phát của bệnh bắt đầu với những biểu hiện dễ nhận biết như trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau họng, chảy nhiều nước bọt, đau rát ở răng miệng, chán ăn,…

– Giai đoạn toàn phát xuất hiện sau khi bệnh tay chân miệng khởi phát từ 1 – 2 ngày. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu điển hình như:

+ Phát ban ở dạng mụn nước tại lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông với bóng nước có đường kính từ 2 – 10mm. Những mụn nước này có thể mọc ẩn hoặc lồi dưới da, khi sờ vào không có cảm giác đau và ngứa.

+ Loét miệng khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Loét miệng thường xảy ra ở lợi, niêm mạc má, lưỡi của trẻ, bên trong miệng xuất hiện những nốt bọng nước dễ vỡ có đường kính từ 2 – 3mm. Khi những bọng nước này vỡ sẽ tạo thành các vết loét khiến bé quấy khóc, bỏ bữa, cảm thấy đau khi ăn.

+ Trẻ có thể xuất hiện biểu hiện co giật, rối loạn tri giác, mê sảng.

+ Trên mông của trẻ xuất hiện những nốt mụn lở và rộp da.

Ngoài những triệu chứng trên, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của từng trẻ mà bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu như bóng nước và ban hồng, hoặc chỉ có ban hồng mà không có bóng nước,…

Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng ở mức độ nhẹ mà được bố mẹ chăm sóc đúng cách, sức khỏe của con sẽ hồi phục sau khoảng 7 – 10 ngày. Còn những trẻ sốt cao trên 39 độ C nhiều ngày kèm theo dấu hiệu co giật, nôn, tim đập nhanh, tay chân run rẩy, khó thở,… bố mẹ cần phải đưa con tới bệnh ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo một số nghiên cứu, sau khi khỏi bệnh tay chân miệng, cơ thể của bé sẽ có được hệ miễn dịch với virus gây bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do những chủng virus khác gây ra.

Tùy vào giai đoạn cuar bệnh tay chân miệng mà trẻ có dấu hiệu khác nhau

Tùy vào giai đoạn cuar bệnh tay chân miệng mà trẻ có dấu hiệu khác nhau

3. Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, nếu bệnh tay chân miệng ở mức nhẹ sẽ tự khỏi và không đe dọa đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh tay chân miệng có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Biến chứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ là mất nước. Ngoài ra, căn bệnh này có thể gây ra những vết lở loét trong miệng và cổ họng trẻ khiến việc nuốt gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trẻ nhỏ thường lười ăn uống.

Bên cạnh đó, một vài trường hợp virus gây bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng tới não và gây ra những biến chứng thần kinh nghiêm trọng như:

– Viêm màng não do virus gây ra: Đây là hiện tượng nhiễm trùng và viêm ở dịch não tủy, màng não.

– Viêm não: Đây là căn bệnh vô cùng nghiêm trọng và có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ.

– Liệt chi: Biến chứng này khiến trẻ trở nên yếu đi và bị liệt mềm ở một hoặc nhiều chi.

Hơn nữa, bệnh tay chân miệng cũng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới hô hấp tuần hoàn như suy tim, tổn thương cơ tim, phù phổi cấp, trụy tim mạch và tử vong nhanh chóng.

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều bố mẹ

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm hay không là thắc mắc của nhiều bố mẹ

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc “Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm hay không?”. Từ đó, có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này cũng như những biến chứng có thể xảy ra nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh tay chân miệng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital