Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa: Hướng dẫn nhận biết và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tai giữa được xếp vào nhóm các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, là một bệnh lý đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin hướng dẫn bố mẹ nhận biết và điều trị bệnh lý này. Đây là những thông tin phụ huynh nào cũng nên bổ sung vào kho tàng kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ của mình, bởi thế, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ là gì?

Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng tai giữa – một phần của tai, bên cạnh tai ngoài và tai trong.

Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng tai giữa - một phần của tai, bên cạnh tai ngoài và tai trong.

Có tới 90% trẻ nhỏ từng ít nhất một lần bị viêm tai giữa trước tuổi đi học.

Nhiễm trùng tai giữa là bệnh lý viêm đường hô hấp trên vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ. Cụ thể, có tới 90% trẻ nhỏ từng ít nhất một lần bị nhiễm trùng tai giữa trước tuổi đi học. Trẻ nhỏ không chỉ dễ mắc mà còn dễ tái phát bệnh lý này. Sở dĩ có tình trạng đó là bởi trẻ có cấu trúc tai thiếu hoàn thiện so với người trưởng thành. Tai giữa và cổ họng được nối với nhau bởi vòi nhĩ. Thông thường, vòi nhĩ sẽ mở ra khi chúng ta nuốt; khi vòi nhĩ mở, các tạp chất sẽ thoát khỏi tai giữa qua đường này. Nếu vòi nhĩ tắc, tạp chất không thể thoát khỏi tai, tai giữa sẽ nhiễm trùng. Vòi nhĩ của trẻ thường ngắn và hẹp nên nó rất dễ tắc. Thêm nữa, vì hệ miễn dịch cũng chưa hoàn thiện nên trẻ dễ mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp trên – những bệnh lý mà khi mắc, mũi họng trẻ có đờm, đờm này cũng làm tăng nguy cơ trẻ tắc vòi nhĩ và nhiễm trùng tai giữa.

Nhiễm trùng tai giữa có nhiều giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn lại có triệu chứng riêng. Theo đó:

– Ở giai đoạn khởi phát: Nhiễm trùng tai giữa giai đoạn khởi phát chưa có dấu hiệu nhận biết rõ rệt.

– Ở giai đoạn toàn phát: Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng tai giữa ở giai đoạn toàn phát rất rầm rộ. Trẻ sốt cao, trên 39 độ C, quấy khóc, bỏ ăn, nôn trớ… Trẻ lớn sẽ kêu đau tai còn trẻ nhỏ chưa biết diễn đạt thì sẽ thường xuyên lắc đầu, lấy tay gãi tai.

Bố mẹ không thể chủ quan với nhiễm trùng tai giữa. Bệnh lý này nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể biến chứng rất nguy hiểm. Một số biến chứng tai hại tiêu biểu nhất của nhiễm trùng tai giữa chúng ta có thể kể đến ở đây là thủng màng nhĩ, điếc vĩnh viễn, viêm tai xương chũm, viêm màng não, viêm não, viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt dây thần kinh mặt.

2. Điều trị bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ như thế nào?

2.1. Một số thuốc điều trị cho trẻ nhỏ bị viêm tai giữa

Điều trị viêm tai giữa bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa; trong đó, chủ yếu là điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng.

2.1.1. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng tai giữa thường là amoxicillin hoặc amoxicillin/acid clavulanic (kháng sinh nhóm penicillin). Thời gian điều trị với các thuốc này thường là 10 ngày trong những trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, trẻ thủng màng nhĩ, trẻ tái phát nhiễm trùng tai giữa; 5 – 7 ngày trong trường hợp trẻ trên 2 tuổi. Trẻ có thể dùng kháng sinh nhóm cephalosporin như cefdinir hoặc cefpodoxime hay cefuroxim nếu dị ứng penicillin.

Nếu hai phác đồ trên thất bại, kháng sinh dạng tiêm truyền như ceftriaxone hoặc levofloxacin có thể được cân nhắc là liệu pháp thay thế (không khuyến cáo sử dụng trimethoprim-sulfamethoxazol, macrolide (azithromycin, clarithromycin) và lincosamides (clindamycin)) trong tình huống này.

Điều trị kháng sinh không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định chích màng nhĩ, cấy vi khuẩn, điều trị theo kháng sinh đồ.

Thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa thường là amoxicillin hoặc amoxicillin/acid clavulanic (kháng sinh nhóm penicillin).

Amoxicillin hoặc amoxicillin/acid clavulanic là thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa phổ biến nhất.

2.1.2. Thuốc hạ sốt, giảm đau

Sốt và đau là hai triệu chứng chính của nhiễm trùng tai giữa. Để điều trị hai triệu chứng này, trẻ có thể dùng ibuprofen hoặc acetaminophen (paracetamol). Nếu tình trạng sốt và đau không thể kiểm soát chỉ với ibuprofen hoặc chỉ với acetaminophen, sử dụng kết hợp cả hai thuốc.

Ngoài ra, trẻ có thể dùng các thuốc gây tê tại chỗ như lidocain hoặc benzocaine để giảm đau. Tuy nhiên, lidocain sử dụng quá liều hoặc nuốt nhầm có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm co giật, chấn thương não, các vấn đề tim mạch… Còn benzocaine dùng cho trẻ dưới 2 tuổi có thể gây methemoglobin huyết.

2.1.3. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng ở mũi khi nhiễm trùng tai giữa đi kèm viêm mũi dị ứng. Mặc dù vậy, thuốc kháng histamin cũng có thể gây một số tác dụng phụ.

2.1.4. Một số lưu ý điều trị viêm tai giữa khác

– Tất cả các thuốc kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng trên đều phải sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều hoặc giảm liều.

– Không nhỏ oxy già vào tai trẻ. Oxy già có thể làm bong lớp da bảo vệ ống tai, làm chậm tốc độ phục hồi tổn thương, gây giảm thính lực.

– Không nghiền thuốc kháng sinh thành bột và rắc vào tai trẻ. Bột thuốc kháng sinh có thể làm ứ dịch viêm, gây viêm tai xương chũm, thậm chí là biến chứng nội sọ…

– Theo dõi chặt chẽ và thông báo với bác sĩ ngay khi trẻ có các triệu chứng bất thường.

– Nếu nhiễm trùng tai giữa tái đi tái lại, bác sĩ có thể xem xét phương pháp đặt ống thông để dẫn lưu dịch từ tai giữa ra ngoài và đưa thuốc từ ngoài vào tai giữa.

Theo dõi chặt chẽ và thông báo với bác sĩ ngay khi trẻ có các triệu chứng bất thường.

Khi trẻ có các triệu chứng bất thường, thông báo với bác sĩ .

2.2. Dự phòng tình trạng trẻ tái phát viêm tai giữa

– Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ

– Giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân cho trẻ trong thời tiết lạnh

– Đeo khẩu trang đầy đủ cho trẻ khi ra ngoài

– Rửa tay thường xuyên với nước và các sản phẩm khử khuẩn

– Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý viêm đường hô hấp và các bệnh lý khác có ảnh hưởng đến đường hô hấp, như cúm A, tay chân miệng, thủy đậu, sởi, quai bị…

– Vệ sinh mũi họng cho trẻ đúng cách: Đặt trẻ nằm nghiêng hoặc kê cao đầu khi vệ sinh mũi họng cho trẻ, để tránh đẩy dịch từ mũi họng vào vòi nhĩ trẻ.

Phía trên là hướng dẫn nhận biết và điều trị viêm tai giữa cho trẻ nhỏ. Hy vọng rằng với những thông tin đó, nhiễm trùng tai giữa không bao giờ có thể trở thành mối đe dọa của trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital