Hiện nay, tình trạng biếng ăn ở trẻ được coi là chứng rối loạn dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân khác nhau như sinh lý, tâm lý, bệnh lý… Trong đó, trình trạng trẻ biếng ăn sinh lý thường gặp khá phổ biến khi trẻ bước vào giai đoạn có những biến đổi về thể chất. Vậy biếng ăn sinh lý là gì, thường gặp cụ thể ở giai đoạn nào của trẻ, có các dấu hiệu gì và các cách khắc phục ra sao?. Mời bạn hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu hơn về tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ nhé.
Menu xem nhanh:
1. Biếng ăn sinh lý là gì?
Ở trẻ có 3 dạng biếng ăn là: biếng ăn tâm lý, biếng ăn bệnh lý, biếng ăn sinh lý. Trong đó biếng ăn sinh lý là một dạng biếng ăn ở trẻ phổ biến hiện nay, thường xuất hiện khi trẻ trong giai đoạn phát triển, biến đổi về thể chất một cách tự nhiên như mọc răng, ăn dặm, tập đi, tập nói…Khi đó, tình trạng sức khỏe của trẻ bình thường nhưng đột nhiên có biểu hiện lười ăn, quấy khóc, nôn trớ khi ăn. Tình trạng này thường kéo dài trong vài ngày, thậm chí đến 1-2 tuần, có thể lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Sau đó, khi cơ thể trẻ đã thích nghi với những biến đổi sẽ trở lại ăn uống bình thường.
2. Nguyên nhân trẻ biếng ăn sinh lý?
Thông thường sẽ có 2 nguyên nhân chính gây ra biếng ăn sinh lý ở trẻ như sau:
– Do khi mang thai mẹ bị thiếu chất: Trong suốt giai đoạn mang thai, người mẹ có lẽ đã không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc bổ sung không đúng cách dẫn đến bị thiếu hụt các chất cần thiết cho thai nhi như canxi, sắt, kẽm và một số loại vitamin thiết yếu khác. Điều này dẫn đến trẻ sinh non thiếu tháng, bị suy dinh dưỡng, lười bú mẹ, bỏ bú hoặc lượng ăn ngoài giảm hẳn so với các trẻ khác cùng độ tuổi.
– Do trẻ trong giai đoạn thay đổi sinh lý: Khi trẻ bước vào giai đoạn có những sự thay đổi về sinh lý như biết đi, biết nói, biết bò, biết ăn dặm có thể dẫn tới biếng ăn. Đây là các giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá thế giới và học thêm một số kĩ năng mới nên sẽ có một số sự thay đổi trong việc ăn uống. Kể cả khi trẻ vẫn khỏe mạnh, vui chơi bình thường nhưng vẫn sẽ lười ăn, ăn ít lại hoặc bỏ ăn.
3. Các giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý có thể gặp ở các giai đoạn phát triển khác nhau ở trẻ nhưng thông thường sẽ gồm ở các giai đoạn trẻ dưới 3 tuổi.
– Giai đoạn 3-4 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập lẫy, tập lật và khám phá môi trường xung quanh.
– Giai đoạn 6 tháng tuổi: Thời kỳ này trẻ bắt đầu tập ăn dặm ở ngoài, bắt đầu làm quen với thức ăn cùng chế độ ăn mới so với trước đây.
– Giai đoạn 9-10 tháng tuổi: Giai đoạn này là một trong những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Bé bắt đầu tập bò, tập đứng, tập đi nên việc này có thể khiến trẻ không còn hứng thú với các bữa ăn. Đồng thời đây cũng là khoảng thời gian trẻ bắt đầu mọc răng làm trẻ sưng đau hoặc sốt. Điều này khiến trẻ trở nên mệt mỏi, khó chịu và dẫn đến chán ăn.
– Giai đoạn 16-18 tháng tuổi: Đây là lúc trẻ thích thú khám phá thế giới xung quanh nên có thể lơ là với việc ăn uống.
– Giai đoạn 2-3 tuổi: Lúc này trẻ đã bắt đầu đi nhà trẻ nên khi thay đổi môi trường sống sẽ tác động đến tâm lý của trẻ có thể dẫn đến biếng ăn.
4. Những dấu hiệu cho thấy trẻ biếng ăn
Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ gặp phải vấn đề biếng ăn sinh lý:
– Đối với trẻ còn bú mẹ, trẻ tự nhiên bú ít hơn bình thường, không chủ động đòi bú mẹ, thời gian mỗi lần bú ít hơn mọi khi.
– Lười ăn hoặc bỏ ăn: Lúc này trẻ thường ăn ít hơn mọi khi, từ chối mọi loại đồ ăn hoặc bỏ bữa mặc dù đã thay đổi món ăn.
– Trẻ có thái độ quấy khóc, phun đồ ăn ra ngoài hoặc ngậm đồ ăn lâu trong miệng. Mỗi bữa ăn thường kéo dài hàng giờ đồng hồ nhưng lượng thức ăn trẻ ăn vào lại khá ít.
– Trẻ hiếu động, nghịch ngợm, không chịu ngồi yên trong mỗi giờ ăn. Khi đó, trẻ có thể mải chơi quên ăn, lơ là việc ăn uống, không có cảm giác đói hoặc thèm ăn.
5. Một số cách khắc phục biếng ăn sinh lý ở trẻ
Tuy tình trạng biếng ăn sinh lý có thể tự hết mà không để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ nhưng bạn không nên chủ quan. Đặc biệt là khi trẻ biếng ăn trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này. Sau đây là một số giải pháp giúp trẻ khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý:
– Đối với trẻ còn bú sữa mẹ thì sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Bạn nên kiên nhẫn tập trẻ bú sữa mẹ, dỗ bé bú, cho bé bú nhiều lần trong ngày.
– Khi trẻ hay ngậm thức ăn trong miệng, bạn có thể cho ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt. Cần chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn nên giảm bớt lượng thức ăn lại.
– Chế biến đa dạng và lạ miệng các món ăn để thay đổi khẩu vị cho bé. Đồng thời có thể trang trí món ăn đẹp mắt, nhiều màu sắc để thu hút sự chú ý của bé.
– Khi đến bữa ăn, bạn nên kiên nhẫn động viên, khuyến khích bé ăn thay vì dọa nạt, thúc ép, từ đó bé sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi càng khiến bé biếng ăn hơn.
– Tạo cho bé thói quen tự ăn để bé chủ động lựa chọn món ăn, lượng thức ăn cho vào trong miệng.
– Tuyệt đối khi ăn bạn không nên cho bé tiếp xúc với các thiết bị điện tử sẽ làm bé không tập trung vào việc ăn uống.
– Bạn có thể tăng nhiều bữa ăn phụ như trái cây, sữa, các loại ngũ cốc dinh dưỡng… trong ngày nếu bé không thích ăn nhiều trong các bữa ăn chính.
– Ngoài ra, bạn có thể bổ sung cốm vi sinh giúp tăng lợi khuẩn cho đường ruột của trẻ. Đồng thời men vi sinh giúp hỗ trợ trong việc tiêu hóa thức ăn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột hiệu quả. Lúc này nó sẽ giúp cho trẻ hấp thu thức ăn dễ dàng hơn.
Như vậy, bạn có thể thấy biếng ăn sinh lý rất hay gặp ở trẻ em trong giai đoạn trẻ có nhiều sự thay đổi về sinh lý phát triển. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tâm lý vững vàng và trang bị kiến thức đầy đủ để ứng phó với trẻ trong giai đoạn này. Bạn chỉ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, kiên nhẫn, động viên theo dõi trẻ qua từng bữa ăn.