Trẻ bị viêm amidan: Những vấn đề bố mẹ phải biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, tỷ lệ cư dân toàn cầu mắc các bệnh lý đường hô hấp là 73,7%. Trong đó, 30,6% là bị viêm Amidan. Có thể thấy, viêm Amidan là một bệnh lý tương đối phổ biến. Mặc dù bản chất là lành tính, nếu không được điều trị tích cực, trẻ bị viêm Amidan vẫn có thể sẽ phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Khái niệm viêm Amidan

Amidan là một cặp mô mềm nằm tại hầu họng. Những mô mềm cấu tạo của Amidan có chức năng tương tự các hạch bạch huyết (lympho), được bao phủ bởi một lớp niêm mạc màu hồng, chạy qua lớp này của mỗi Amidan là các hố crypts. Chúng ta nói chung và trẻ nhỏ nói riêng có tất cả 4 loại Amidan: Amidan khẩu cái, Amidan lưỡi, Amidan vòm và Amidan vòi. 4 loại Amidan này kết hợp thành một vòng quanh hầu họng trong, được gọi là vòng Waldeyer. Nhiệm vụ của Amidan hay vòng Waldeyer là ngăn chặn các tác nhân tiêu cực từ môi trường xâm nhập vào cơ thể qua hầu họng.

Khi các tác nhân tiêu cực từ môi trường tấn công với số lượng lớn, Amidan vô phương chống đỡ, tại Amidan sẽ xuất hiện viêm nhiễm, hay còn có thể nói: Bệnh lý viêm Amidan sẽ xuất hiện.

2. Nguyên nhân viêm Amidan

Bệnh lý viêm Amidan khởi phát từ hoạt động xâm nhập của số lượng lớn các tác nhân tiêu cực từ môi trường. Vậy, các tác nhân tiêu cực từ môi trường gây viêm Amidan ở đây là gì. Được biết, đó chủ yếu là virus, vi khuẩn. Cụ thể, một vài cái tên chúng ta có thể kể đến ở đây là Adenovirus, Enterovirus, Herpes Simplex,… và Streptococcal vi khuẩn,…

Vi khuẩn Streptococcal gây viêm Amidan

Streptococcal là một trong những vi khuẩn gây viêm Amidan phổ biến nhất

3. Phân loại viêm Amidan

Về phân loại viêm Amidan, chúng ta có:

Viêm Amidan cấp tính: Viêm Amidan cấp tính phát sinh như khái niệm, tức là phát sinh khi virus, vi khuẩn tấn công cơ thể qua hầu họng. Viêm Amidan cấp tính xảy ra chủ yếu ở Amidan khẩu cái và kéo dài không quá 10 ngày.

– Viêm Amidan mãn tính: Là kết quả của viêm Amidan cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm.

4. Triệu chứng viêm Amidan

Nhận biết viêm Amidan không hề khó. Theo đó, những dấu hiệu mà chúng ta có thể sử dụng để phỏng đoán sự hiện diện của bệnh lý này ở trẻ là: Sốt, đau họng, khó nuốt, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, hơi thở có mùi, sưng hạch bạch huyết cổ,…

5. Biến chứng viêm Amidan

Như đã chia sẻ phía trên, bản chất là lành tính nhưng nếu không được điều trị tích cực, viêm Amidan vẫn có thể diễn tiến đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như:

– Áp xe peritonsillar: Một túi mủ được tạo thành từ tình trạng viêm nhiễm quá mức tại Amidan. Túi mủ này nằm cạnh Amidan và đẩy nó về phía đối diện, đòi hỏi phải được dẫn lưu khẩn cấp.

– Bệnh bạch cầu đơn nhân cấp tính: Xảy ra khi viêm Amidan khởi phát do virus Epstein-Barr. Dấu hiệu nhận biết biến chứng này là trẻ sốt, đau họng, phát ban, mệt mỏi.

– Viêm khớp cấp: Biểu hiện biến chứng viêm khớp cấp được xác định là các khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp đầu gối, khớp ngón chân,… sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân mệt mỏi, uể oải.

– Viêm thận cấp, viêm cầu thận cấp: Triệu chứng là phù chân, phù mặt.

Trẻ bị viêm Amidan có thể bị biến chứng viêm khớp cấp

Khi bị biến chứng viêm khớp cấp, trẻ sẽ đau khớp tay – chân

6. Xử trí viêm Amidan

6.1. Chẩn đoán trẻ bị viêm Amidan

Khi các dấu hiệu viêm Amidan đã được liệt kê phía trên xuất hiện, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, chuyên gia sẽ chẩn đoán xác định có hay không bệnh lý viêm Amidan và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng viêm Amidan ở trẻ.

6.2. Điều trị trẻ bị viêm Amidan

6.2.1. Phương pháp nội khoa

Điều trị nội khoa viêm Amidan chủ yếu là sử dụng kháng sinh. Theo đó, loại và lượng kháng sinh trẻ sử dụng phải tuân thủ chính xác chỉ định của chuyên gia. Chỉ và chỉ khi đó, tình trạng viêm Amidan mới được kiểm soát, nguy cơ viêm lan tỏa sang các bộ phận khác của cơ thể mới được ngăn chặn. Thông thường, hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm Amidan cấp tính đều đáp ứng tốt phương pháp điều trị này.

6.2.2. Phương pháp ngoại khoa

Khi trẻ bị viêm Amidan mãn tính, điều trị nội khoa không cho kết quả như mong muốn, điều trị ngoại khoa là vô cùng cần thiết. Có nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa cho trẻ bị viêm Amidan mãn tính. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp được đông đảo phụ huynh lựa chọn hơn cả là phẫu thuật cắt Amidan bằng dao Plasma.

Được biết, đây là phương pháp phẫu thuật cắt Amidan sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, như: Thời gian phẫu thuật ngắn, hạn chế đau, hạn chế chảy máu, hạn chế tổn thương các mô xung quanh tổ chức viêm, hạn chế biến chứng,…. Phương pháp này có những ưu điểm đó là bởi dao Plasma có thể đông điện và giải phóng năng lượng không lớn.

Phẫu thuật được chỉ định khi phương pháp nội khoa không cho kết quả mong muốn

Khi phương pháp nội khoa không cho kết quả mong muốn, phẫu thuật được chỉ định

Về toàn bộ quy trình phẫu thuật cắt Amidan, chúng ta có:

– Bước 1: Thăm khám và nhận chỉ định phẫu thuật.

– Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan – thận, Xquang ngực thẳng, điện tâm đồ,… Để phẫu thuật cắt Amidan bằng dao Plasma diễn ra thuận lợi, thực hiện những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh này là việc không thể không làm.

– Bước 3: Thăm khám với chuyên gia gây mê.

– Bước 4: Gây mê nội khí quản.

– Bước 5: Phẫu thuật.

– Bước 6: Hồi sức.

– Bước 7: Chăm sóc hậu phẫu.

– Bước 8: Tái khám trước khi xuất viện.

Sau xuất viện, trẻ bị viêm Amidan có thể ăn uống, chuyện trò, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, thực phẩm trẻ ăn phải lỏng, lạnh và lạt. Thêm nữa, trẻ phải sử dụng đầy đủ kháng sinh cũng như vệ sinh răng miệng 4 – 5 lần/ngày (đặc biệt sau khi ăn) bằng các sản phẩm sát khuẩn được chuyên gia chỉ định.

Phía trên là thông tin cơ bản hữu ích về viêm Amidan ở trẻ. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ sẽ xử trí đúng đắn, giúp trẻ nhanh chóng “thoát lý” Amidan. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital