Trẻ bị suy dinh dưỡng và những điều cha mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ

Trẻ em không được cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng có thể bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý. Tìm hiểu ngay về tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, những điều cha mẹ cần biết để nhận biết và phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ ngay sau đây.

Menu xem nhanh:

1. Suy dinh dưỡng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng dẫn tới làm chậm quá trình phát triển của con người. Suy dinh dưỡng thường gặp ở đối tượng là trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay, các chuyên gia đã phân loại mức độ suy dinh dưỡng ở trẻ thành:

– Thể nhẹ cân: Thiếu dinh dưỡng dẫn tới cân nặng thấp hơn so với tiêu chuẩn cân nặng trung bình của trẻ và giới tính. Thể này có thể xuất hiện xung quanh thời điểm bác sĩ tiến hành kiểm tra.

– Thể thấp còi: Suy dinh dưỡng không chỉ khiến trẻ còi cọc mà còn chậm phát triển về chiều cao, dẫn tới chiều cao không đạt tiêu chuẩn so với các trẻ khác cùng độ tuổi và giới tính. Thể này có thể bắt đầu từ khi trẻ còn đang trong giai đoạn bào thai do mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng để trẻ phát triển.

– Thể gầy còm: Tình trạng suy dinh dưỡng nặng khiến các chỉ số về chiều cao, cân nặng ở trẻ quá thấp so với tiêu chuẩn. Thể gầy còm cho thấy tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính, trẻ không lên cân hoặc sụt cân nghiêm trọng do một số yếu tố.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng không phải là tình trạng hiếm gặp hiện nay. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, gây ra nhiều cản trở trong quá trình trẻ phát triển nên cha mẹ cần chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Trẻ bị thiếu hụt năng lượng, chất dinh dưỡng dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng

Trẻ bị thiếu hụt năng lượng, chất dinh dưỡng dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng

2. Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng

Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như thiếu cung cấp dinh dưỡng, tăng tiêu hao dưỡng chất hoặc có thể do cả hai nguyên nhân này. Cụ thể:

– Thiếu cung cấp dinh dưỡng từ chế độ ăn nghèo nàn hoặc trẻ bị biếng ăn, lười ăn dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng. Một số trường hợp mất cân bằng chế độ dinh dưỡng cũng có thể khiến trẻ bị thiếu chất để có thể phát triển toàn diện.

– Tăng tiêu hao năng lượng, dưỡng chất do trẻ bị ốm trong thời gian dài, rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, nhiễm ký sinh trùng ở đường ruột, hệ tiêu hóa…

Phần lớn trường hợp suy dinh dưỡng có thể xảy ra do cả hai cơ chế kể trên, ví dụ như trẻ vừa ốm lại vừa chán ăn.

3. Tác hại của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ:

– Suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng.

– Rối loạn chức năng của các cơ quan trong cơ thể như gan, thận, tim…

– Chậm phát triển về thể chất, khiến chiều cao trẻ bị hạn chế, còi cọc, tầm vóc thấp và có thể làm tăng nguy cơ béo phì về sau.

– Chậm phát triển về tâm thần hoặc tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần do não bộ thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển và hoàn thiện, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp hơn so với trẻ khỏe mạnh, gặp nhiều vấn đề khi nói, giảm trí nhớ, giao tiếp xã hội kém…

Tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển và hoàn thiện thể chất, trí tuệ của trẻ nên cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và hoàn thiện thể chất, trí não của trẻ

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và hoàn thiện thể chất, trí não của trẻ

4. Điều trị suy dinh dưỡng

4.1. Điều trị y khoa

Trẻ nên được khám tư vấn dinh dưỡng, bao gồm cân, đo chiều cao, xét nghiệm cơ bản (công thức máu, sắt, kẽm, vitamin D3, canxi, magie, protein, albumin,…). Tùy mức độ thiếu, các bác sĩ dinh dưỡng sẽ có phác đồ bổ sung các vitamin khoáng chất phù hợp. Có thể kết hợp các enzym tiêu hóa, men tiêu hóa để giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt dưỡng chất.

Suy dinh dưỡng ở trẻ nếu ở mức độ nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ được chỉ định điều trị y khoa dưới hai hình thức là nội trú hoặc ngoại trú. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, mất nước, bổ sung điện giải, bổ sung dưỡng chất cho trẻ… Một số trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh, kháng viêm hoặc các thuốc cần thiết để giảm viêm nhiễm.

Nếu tình trạng của trẻ không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc, chế phẩm dinh dưỡng đặc trị, vitamin, khoáng chất tại nhà để cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ.

Điều trị bằng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ nên cha mẹ không tự ý mua, sử dụng hoặc thay đổi liều lượng sử dụng của trẻ.

4.2. Điều trị duy trì

Trong quá trình điều trị, cha mẹ cũng cần bổ sung dinh dưỡng khoa học và cân bằng để trẻ phát triển toàn diện. Cha mẹ cần xây dựng một lối sống lành mạnh để trẻ có thể tăng cường đề kháng, thường xuyên tiêm chủng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tẩy giun, uống vitamin A định kỳ và kiểm tra sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng định kỳ để đảm bảo các cháu khỏe mạnh và phát triển toàn diện tốt.

Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ kết hợp sử dụng thuốc và bổ sung dinh dưỡng đúng cách

Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ kết hợp sử dụng thuốc và bổ sung dinh dưỡng đúng cách

5. Ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ

Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, cha mẹ cần lưu ý trong việc chăm sóc và xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học cho trẻ:

– Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời để trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng trong thời kỳ sơ sinh.

– Tập cho trẻ ăn dặm khi đến độ tuổi thích hợp, chế độ ăn cân bằng đủ 4 nhóm chất là chất bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất…

– Đảm bảo vệ sinh thực phẩm khi chế biến, nấu nướng để hạn chế tình trạng nhiễm giun sán, ký sinh trùng cho trẻ.

– Điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa cho trẻ để tăng cường đề kháng, tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh để trị bệnh cho trẻ mà cần có chỉ định của bác sĩ.

– Xổ giun định kỳ cho trẻ để bảo vệ sức khỏe đường ruột, giúp bé tiêu hóa tốt và cơ thể khỏe mạnh hơn.

– Khuyến khích bé thực hiện một số bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng để thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Khám sức khỏe cho bé định kỳ mỗi năm từ 2-3 lần để kiểm soát sức khỏe và trang bị kiến thức phòng ngừa bệnh cho trẻ một cách tối ưu.

Khám nhi định kỳ, giúp cha mẹ có thể kiểm soát và chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ

Khám nhi định kỳ, giúp cha mẹ có thể kiểm soát và chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ

Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển về thể chất, trí não, khiến trẻ gặp nhiều trở ngại trong quá trình trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần chăm sóc trẻ khoa học, đúng cách ngay từ khi đang trong giai đoạn thai nghén cho tới khi sinh ra, để trẻ có thể phát triển toàn diện.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital