Trẻ 1 tuổi biếng ăn chỉ uống sữa: hệ lụy không ngờ tới 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ 1 tuổi biếng ăn chỉ uống sữa là tình trạng phổ biến nhưng không mấy bố mẹ chú ý tìm cách khắc phục. Bởi vì nhiều bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng sữa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể của trẻ. Nếu như con không chịu ăn có thể thay thế bằng sữa. Tuy nhiên theo cảnh báo của các bác sĩ chuyên khoa nếu trẻ lười ăn, chỉ uống sữa sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như thiếu chất, chậm tăng cân, còi xương,…

1. Tác động của việc trẻ 1 tuổi lười ăn chỉ uống sữa

1.1 Trẻ 1 tuổi biếng ăn chỉ uống sữa có đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng không?

Sữa được biết đến là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ trong giai đoạn 11-12 tháng chỉ uống sữa mà không ăn các loại thực phẩm khác thì cơ thể trẻ sẽ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng, dẫn đến chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Trẻ 1 tuổi biếng ăn chỉ uống sữa sẽ không đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng cho cơ thể

Trẻ 1 tuổi biếng ăn uống sữa nhiều sẽ không đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng cho cơ thể

Đối với trẻ 1 tuổi, việc bổ sung thêm sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày là cần thiết vì nó giúp thúc đẩy cho sự phát triển về xương và não bộ nhưng không thể dùng sữa để thay thế các thực phẩm khác kể cả loại sữa giàu vi chất nhất. Khi trẻ từ 10 tháng trở lên, có thể bắt đầu đòi hỏi cần phải bổ sung nguồn dinh dưỡng từ đa dạng các thực phẩm khác như: chất đạm từ thịt, trứng,…; vitamin, chất xơ từ rau, củ, quả,…; chất béo từ dầu thực vật, mỡ động vật,… Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung chất béo từ mỡ động vật cho trẻ ở giai đoạn này rất quan trọng vì nó có hỗ trợ quá trình hòa tan các vitamin A, D, E, K tan trong dầu để cơ thể hấp thụ một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra cho bé ăn cháo, bột, các thức ăn khác ngoài uống sữa là cách để hoàn thiện kỹ năng nhai, tăng bài tiết tiêu hóa và kích thích vị giác ở trẻ. Với trẻ từ 1 tuổi, 500 – 600ml sữa mỗi ngày là lượng thích hợp.

1.2 Hậu quả của việc trẻ 1 tuổi biếng ăn chỉ uống sữa

Nếu tình trạng trẻ biếng ăn, uống sữa thay bữa ăn chính kéo dài sẽ làm cơ thể bé thiếu hụt lượng lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu từ thức ăn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng như:

– Thiếu cân, chậm tăng cân: sữa là thực phẩm có hàm lượng protein, chất béo, canxi khác cao tuy nhiên cơ thể trẻ nhỏ muốn phát triển toàn diện thì cần bổ sung nhiều các chất khác. Sau khi uống, trẻ bị đầy bụng rất nhanh, sẽ không còn muốn ăn thêm nữa, lâu dần hình thành thói quen sẽ dẫn tới thiếu các chất mà trong sữa có hàm lượng thấp hoặc không có như chất xơ, chất bột đường, các loại vitamin… Khi đó trẻ rất chậm tăng cân do cơ thể không đáp ứng đủ các vi chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện.

– Thiếu máu: đây là một trong những hậu quả phổ biến nhất khi nhiều phụ huynh cho con uống sữa thay cơm. Thế nhưng các ba mẹ không biết, hàm lượng sắt có trong sữa rất ít, nếu không chú ý bổ sung sắt cho trẻ thì dễ dàng dẫn tới tình trạng thiếu máu, nhược sắc. Khi đó, con thường xuyên có những dấu hiệu như mệt mỏi, ngủ li bì, hay nôn trớ. Đặc biệt khi thiếu máu đồng nghĩa với việc quá trình tuần hoàn máu kém, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ nhất là trong giai đoạn trẻ từ 1-3 (đây là thời điểm não bộ phát triển mạnh nhất). Chính vì thế, mẹ nên bổ sung sắt từ các loại thực phẩm thông dụng như thịt bò, hải sản,…

– Táo bón: trẻ biếng ăn chỉ uống sữa sẽ dễ bị táo bón, bởi vì trong sữa công thức có rất ít chất xơ nên sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa, về lâu về dài dẫn tới hiện tượng táo bón nặng.

Trẻ biếng ăn chỉ uống sữa sẽ dễ bị táo bón bởi vì trong sữa công thức có rất ít chất xơ.

Trẻ biếng ăn chỉ uống sữa sẽ dễ bị táo bón bởi vì trong sữa công thức có rất ít chất xơ.

– Còi xương: đây là một hệ lụy mà nhiều phụ huynh không biết đến vì nghĩ trong sữa chứa rất nhiều canxi, giúp quá trình phát triển xương và chiều cao. Tuy nhiên có thể trẻ cần phải đầy đủ các vi chất khác nữa thì quá trình hấp thu được hết lượng canxi có trong sữa mới diễn ra. Do đó, hiện nay ngày càng nhiều trẻ trông bụ bẫm nhưng vẫn bị còi xương.

Như vậy, với trường hợp trong giai đoạn 12 tháng tuổi trẻ biếng ăn chỉ uống sữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên, bố mẹ cần phải hạn chế lượng sữa cho trẻ uống mỗi ngày. Lượng sữa sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bé, ví dụ trẻ từ 1 tuổi nên uống từ 500-600 ml sữa mỗi ngày. Cùng với đó, bố mẹ cũng nên nắm được nguyên tắc cho trẻ uống sữa, tuyệt đối không uống trước bữa ăn vì sẽ gây đầy bụng và mất cảm giác thèm ăn ở trẻ.

2. Gợi ý thực đơn cho trẻ lười ăn thích uống sữa

Giai đoạn bé 1 tuổi là giai đoạn khá nhạy cảm, bởi vì cơ thể bé lúc này chưa phát triển hoàn thiện nhất nên chế độ dinh dưỡng cần đặc biệt chú trọng. Ở độ tuổi này, trẻ cần tiếp tục được bú mẹ, kết hợp với các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất đảm bảo cho quá trình tăng trưởng thể chất và trí tuệ.

Khẩu phần ăn cân bằng các chất dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Khẩu phần ăn cân bằng các chất dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Đối với bé từ 1 tuổi thì trong các khẩu phần ăn hàng ngày cần đảm bảo 4 nhóm thực phẩm sau:

–  Tinh bột (100-150g): từ cháo, gạo vỡ, cơm nhão. Mẹ không cần xay nhuyễn như giai đoạn trước, nên để thức ăn lổn nhổn để trẻ phát triển khả năng nhai.

– Chất đạm (100 – 120g) từ thịt, cá, trứng,… mẹ nên để ở dạng nấu mềm, cắt nhỏ để bé tự cắn và nhai.

– Chất xơ (50 – 100g), khoáng chất (150 – 200g) từ các loại rau xanh, củ, trái cây chín.

– Chất béo (25 – 30g) từ mỡ động vật, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,…

– Sữa: 500-600ml (chia thành 2 lần/ngày).

Tùy vào sức ăn của mỗi trẻ mà lượng thức ăn trên có thể tăng giảm nhẹ. Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý rằng những thực phẩm trẻ phải đảm bảo được tươi ngon, ít đường, ít muối. Đồng thời, mẹ nên thay đổi thực đơn hàng ngày cho trẻ, kết hợp đa dạng các loại thực phẩm, nước uống để bé ăn ngon miệng hơn.

Như vậy, sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, thế nhưng việc trẻ biếng ăn, chỉ thích uống sữa thay thực phẩm khác lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Do vậy, để con có sự phát triển toàn diện nhất, các phụ huynh cần có chế độ ăn hợp lý cho trẻ, kết hợp đa dạng các thực phẩm khác nhau cho bé có sức khỏe tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital