Tổng quan về tình trạng đột quỵ người trẻ gia tăng

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đột quỵ người trẻ chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ. Con số này đang có xu hướng tăng lên do đó người trẻ nên nâng cao kiến thức, nhận biết dấu hiệu để có cách ngăn ngừa và điều trị phù hợp nhất.

1. Tình trạng đột quỵ ở người trẻ tại Việt Nam hiện nay

Đột quỵ người trẻ là đột quỵ xảy ra ở nhóm đối tượng dưới 45 tuổi, do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu như trước đây các trường hợp đột quỵ phần lớn xảy ra ở người cao tuổi thì ngày nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.

Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại nước ta, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ não chiếm ⅓ tổng số ca mắc bệnh. Tỷ lệ người trẻ đột quỵ cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, tỷ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần so với nữ giới.

Trên thế giới, theo thông tin từ Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm có đến hơn 16% đối tượng bị đột quỵ ở trong độ tuổi 15-49 tuổi. Trong đó, có 6,5 trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm có đến 6% là người trẻ.

Có thể thấy, người cao tuổi có nguy cơ cao đối mặt với đột quỵ não. Nhưng điều đó không có nghĩa người trẻ không có nguy cơ đột quỵ.

2. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ người trẻ

2.1. Tình trạng mất ngủ dẫn đến đột quỵ người trẻ

Hiện nay, nhiều người trẻ đang gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài. Nguyên nhân thường do áp lực công việc, học tập, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.

Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy các bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, béo phì từ đó gây ra đột quỵ.

2.2. Stress, căng thẳng

Đây cũng là vấn đề đáng báo động ở giới trẻ, là hậu quả của nhịp sống hiện đại. Tình trạng áp lực, căng thẳng này gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, trở thành yếu tố thúc đẩy các bệnh lý nguy hiểm xuất hiện trong đó có đột quỵ não.

Một nghiên cứu tại Anh cho biết, người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần, thường xuyên áp lực có nguy cơ đột quỵ cao 30% so với người bình thường.

Căng thẳng, áp lực từ công việc, học tập gây ra đột quỵ người trẻ

Căng thẳng, áp lực từ công việc, học tập khiến người trẻ dễ đối mặt với nguy cơ bị đột quỵ và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác

2.3. Lối sống không lành mạnh gây đột quỵ người trẻ

Một điều dễ nhận thấy là giới trẻ hiện nay dành nhiều thời gian cho công việc, xem phim, sử dụng mạng xã hội nên ít tập luyện thể dục thể thao. Lười vận động cũng thuộc nhóm nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tỷ lệ bị đột quỵ ở nhóm đối tượng này cao hơn 20% so với những người thường xuyên vận động.

Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích cũng tác động làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây nên tình trạng thiếu máu não và đột quỵ. Lối sống không khoa học cũng là nguyên nhân gây ra xơ vữa động mạch. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp đều bị đột quỵ não.

Đột quỵ người trẻ xảy ra do thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh

Ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ cũng là nguyên nhân đột quỵ ở giới trẻ gia tăng trong thời gian gần đây

2.4. Tâm lý chủ quan

Độ tuổi từ 20-30 được đánh giá là giai đoạn giàu sức khỏe, nhiều năng lượng và ít bệnh tật. Cũng vì vậy mà người trẻ chủ quan, không phòng ngừa, tầm soát sớm và điều trị ngay khi cơ thể xuất hiện triệu chứng. Do đó, bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị đột quỵ.

Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang tăng dần theo từng năm, tăng khoảng 2% mỗi năm. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ cần chăm sóc, quan tâm tới sức khỏe bản thân nhiều hơn. Ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần thăm khám và điều trị kịp thời.

2.5. Béo phì

Ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, lười vận động, ít tập luyện, … chính là nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ có xu hướng trẻ hóa. Ít vận động, ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và vòng eo lớn hơn 80 cm sẽ dễ bị đột quỵ hơn so với người có trọng lượng vừa phải.

2.6. Nguyên nhân do rối loạn quá trình chuyển hóa mỡ trong máu

50-60% người bệnh trẻ tuổi trong tình trạng nhồi máu não đều đang đối mặt với vấn đề sức khỏe liên quan đến chuyển hóa mỡ máu. Tình trạng này đặc biệt thường gặp ở nam giới. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I có mối liên hệ mật thiết đến bệnh nhồi máu não.

Một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ này ở người trẻ là do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ăn nhiều đồ ăn sẵn, thức ăn nhanh.

2.7. Thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai theo liều lượng vừa phải là biện pháp an toàn với chị em phụ nữ. Ngược lại, nếu sử dụng ở liều lượng cao, tần suất liên tục, không đúng chỉ định thì rất nguy hiểm. Các loại thuốc tránh thai chứa estrogen làm tăng huyết áp và tăng khả năng đông máu, từ đó dễ gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục là yếu tố làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở giới trẻ hiện nay.

2.8. Hút thuốc lá thường xuyên

Trong thuốc lá có hơn 7000 chất độc hóa học do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các chất độc này đi vào máu, phá hủy tế bào trong cơ thể từ đó tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.

Đột quỵ người trẻ xảy ra do việc hút thuốc lá quá nhiều

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu khiến sức khỏe suy yếu và mắc các căn bệnh nguy hiểm

3. Người trẻ nên làm gì để phòng ngừa đột quỵ não?

Đột quỵ là bệnh cấp tính, đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Đặc biệt với người trẻ đang có sức khỏe thể chất tốt. Những điều mà người trẻ nên làm là:

– Hạn chế thức khuya, cố duy trì ngủ 8 tiếng mỗi ngày; tránh ngủ ít, thiếu ngủ.

– Cân bằng thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể áp lực.

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh bằng cách:
Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây tươi
Tăng cường nhóm chất béo tốt từ bơ, cá hồi, các loại hạt
Hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ, cholesterol, chất béo
Tránh uống rượu bia, đồ uống có cồn, thức uống có gas

– Loại bỏ hoàn toàn thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích.

– Thường xuyên tập luyện, tăng cường vận động mỗi ngày, hạn chế ngồi lâu một chỗ.

– Điều trị các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, …

– Khám sức khỏe định kỳ, thăm khám khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

Đột quỵ người trẻ gây ra nhiều di chứng nặng nề với sức khỏe. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa và thăm khám để điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital