Tổng quan về cúm A và cúm B

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Cúm A và cúm B là những cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến cúm mùa. Tuy cùng là cúm nhưng sự nguy hiểm cho sức khỏe gây ra bởi 2 virus này lại có mức độ rất khác nhau. Cúm A và cúm B, loại nào nguy hiểm hơn? Làm thế nào để phòng tránh? Mọi thông tin bạn cần biết về 2 bệnh lý này sẽ được cung cấp tại bài viết dưới đây.

1. Phân loại cúm A và cúm B

Cúm là một bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus Influenza gây ra khi chúng tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, họng và phổi. Virus cúm Influenza ở người được chia làm 3 chủng là A, B, C, trong đó, virus cúm A và B là 2 loại thường gặp nhất.

cúm a và cúm b

Cúm A và cúm B là 2 loại virus gây cúm hàng đầu ở người

Về virus cúm A, còn được gọi là cúm gia cầm do khả năng lây truyền từ gia cầm sang người của nó. Đây là loại virus cúm nguy hiểm hàng đầu, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu mắc bệnh. Đặc biệt virus cúm A từng gây ra các đại dịch cúm trong lịch sử, đến hiện nay vẫn gây bùng dịch hàng năm và là mối lo đối với sức khỏe của mọi người, ở mọi lứa tuổi.

Bên cạnh cúm A, cúm B cũng là loại cúm thường gặp, chiếm 25% số ca nhiễm cúm mùa mỗi năm với triệu chứng không quá nghiêm trọng. Mặc dù không nguy hiểm như cúm A nhưng nếu không phát hiện kịp thời, cúm B cũng có thể gây hại đến sức khoẻ người bệnh.

1.1 Các chủng của virus cúm A và cúm B

Cúm A được phân loại dựa vào kháng nguyên bề mặt của chúng gồm kháng nguyên Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N):

– Kháng nguyên H là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu giúp virus có khả năng xâm nhập vào tế bào hô hấp của người bị nhiễm.

– Kháng nguyên N là kháng nguyên có tính chất men hỗ trợ quá trình lắp ráp các thành phần của virus cũng như quá trình phóng thích virus từ các tế bào bị nhiễm bệnh ra ngoài.

Virus cúm A có tổng cộng tới 16 loại H và 9 loại N. Chỉ cần một trong 2 loại kháng nguyên H và N này được virus cúm chuyển đổi thì nó sẽ trở thành một chủng loại cúm A khác (một tuýp khác). Ví dụ một số chủng đã từng tạo nên đại dịch lớn ở nước ta như A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9,…

Khác với cúm A, cúm B chỉ có một chủng virus gây bệnh duy nhất chia làm 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria. Tuy nhiên cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm. So với cúm A, cả 2 dòng cúm B đều ít biến đổi hơn, hầu như không có sự thay đổi trong bản chất kháng nguyên.

Trước những năm 1990, cúm B chri xuất hiện với 1 dòng duy nhất là B/Victoria. Đến đầu những năm 1990 dòng cúm B/Yamagata mới bắt đầu xuất hiện. Sau khoảng thời gian đóm, cả 2 dòng cúm này cùng tồn tại và thay phiên nhau nổi trội trong từng mùa dịch theo năm và theo từng khu vực.

1.2 Khả năng lây truyền

Bệnh cúm mùa do virus A và B gây nên thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa, bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác và thành dịch trong cộng đồng. Trong lịch sử, thế giới đã từng ghi nhận nhiều đại dịch cúm nguy hiểm do 2 loại virus này gây nên, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

cúm A và cúm B

Giọt bắn và hô hấp là 2 phương thức lây truyền của cúm A và B

Virus cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người sang người và cả từ gia cầm sang người. Phương thức lây lan từ người sang người của cúm A giống như cách lây lan của cúm thông thường là qua đường hô hấp và giọt bắn. Chỉ cần chạm tay vào miệng hoặc mũi sau khi tay tiếp xúc với đồ vật nhiễm virus bạn cũng có thể nhiễm bệnh. Vì khả năng lây nhiễm rất dễ dàng nên cần phải hạn chế tối đa việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh.

Virus cúm B không có khả năng lây truyền qua động vật như cúm A mà chỉ lây từ người sang người với phương thức lây truyền tương tự. Tuy nhiên triệu chứng của cúm B thường nhẹ và ít rầm rộ hơn khi so sánh với các triệu chứng và biến chứng của cúm A. Hai loại cúm này có thể song hành gây nên bệnh cúm mùa hàng năm, có thể chỉ một trong 2, trong đó tuýp B chỉ thường gây bệnh cúm mùa, không gây ra đại dịch quá nghiêm trọng.

2. Biểu hiện khi bị cúm A và cúm B

1.2 Triệu chứng thường gặp

Cúm mùa bao gồm cúm A và cúm B có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Tuy vậy có một số đối tượng cần lưu ý như trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mạn tính, nếu những nhóm người này mắc bệnh sẽ trở nặng rất nhanh và diễn biến nguy hiểm.

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm 2 loại virus cúm này khá ngắn, chỉ khoảng 1 – 3 ngày sau đó các triệu chứng sẽ xuất hiện và thường biểu hiện sẽ nặng hơn khi mắc phải cúm A. Tiếp đó, các triệu chứng bệnh sẽ duy trì trong khoảng 3 – 5 ngày với những triệu chứng phổ biến bao gồm:

– Sốt cao

– Ớn lạnh, gai người

Viêm họng, ho

– Sổ mũi và hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc đục

– Mệt mỏi, uể oải

– Đau nhức cơ

Mặc dù các triệu chứng đường hô hấp do cúm nghe không quá nghiêm trọng và khá đơn giản nhưng nó có thể trở nặng hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh cúm để kéo dài và không được chữa trị sớm. Đối với người bệnh bị hen suyễn, cúm có thể biểu hiện nặng hơn, thậm chí sẽ khởi phát một đợt hen nghiêm trọng.

2.2 Cúm A và cúm B có biến chứng không?

Cả 2 loại cúm này đều có thể gây biến chứng nhưng các biến chứng do cúm B thường hiếm găp và không nghiêm trọng bằng cúm A. Những biến chứng do cúm A và B gây nên bao gồm:

– Viêm phổi tiên phát

– Viêm phổi thứ phát

– Suy hô hấp

– Tim mạch: viêm cơ tim, suy tuần hoàn…

– Thần kinh: viêm não tủy, viêm não, viêm màng não,…

– Với trẻ nhỏ có thể dẫn đến viêm tai, nhiễm độc thần kinh…

– Với phụ nữ mang thai: ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi, nghiêm trọng hơn thì có thể gây dị tật, sảy thai.

3. Điều trị khi bị cúm

3.1 Thăm khám ngay khi có dấu hiệu cúm

Hiếm khi người khỏe mạnh mắc cúm A và B dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng. Hầu hết các tình trạng dễ gặp biến chứng thường là các đối tượng đặc biệt có sức đề kháng yếu, điển hình và thường gặp nhất là trẻ em. Nhưng cũng không nên vì thế người lớn coi nhẹ khi bị nhiễm cúm vì nếu điều trị sai cách hoặc không điều trị cũng vẫn có rủi ro gặp biến chứng. Chính vì vậy ngay khi thấy dấu hiệu cúm A và B, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả không mong muốn.

Riêng đối với trẻ nhỏ, trong trường hợp khi thăm khám bác sĩ xác định trẻ bị cúm thể nhẹ thì bé có thể được chỉ định điều trị và chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp có triệu chứng nặng hơn và nguy cơ cao dẫn đến biến chứng, các bác sĩ thường yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị chuyên sâu, dứt điểm.

cúm a và cúm b

Thăm khám và xét nghiệm ngay khi có dấu hiệu cúm để sớm được điều trị

Khi trẻ có những biểu hiện dưới đây cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất vì bệnh đã trở nặng và rất nguy hiểm:

– Thở nhanh, khó thở

– Da tím tái, chân tay lạnh

– Đau tức vùng ngực, bụng

– Sốt cao trên 39 độ có thể xuất hiện tình trạng co giật

– Nôn trớ nhiều lần

– Mệt mỏi nhiều, ngủ li bì khó đánh thức

– Rối loạn điện giải, tiểu ít, háo nước nhưng không uống được

3.2 Lưu ý khi điều trị

Trong quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân cúm, người nhà cần chú ý:

– Hạn chế để người bệnh tiếp xúc với những người xung quanh, nhất là người già, trẻ em và người có sức đề kháng yếu.

– Tránh để người bệnh, người nghi ngờ bệnh đi lại tại những nơi tụ tập đông người.

– Nên để người bệnh nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, không nên nằm điều hòa.

– Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh với các món ăn dễ tiêu hóa. – Nếu sốt cao trên 38.5 độ cần cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng và tần suất.

– Người bệnh nên rửa tay thường xuyên để loại bỏ virus và vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

– Đeo khẩu trang khi bắt buộc phải ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiêm vắc xin phòng cúm định kì hàng năm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Hiện nay có nhiều loại vắc xin cúm phù hợp cho nhiều đối tượng: từ trẻ em từ 6 tháng tuổi đến người trưởng thành. Việc tiêm vacxin cúm sẽ giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ tối ưu các chủng cúm cúm A và cúm B đang lưu hành.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital