Tìm hiểu về rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là một hiện tượng phổ biến gây khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc nửa đêm. Tình trạng này kéo dài gây suy nhược cơ thể và rất nhiều biến chứng khác. Vậy làm thế nào để khắc phục chứng bệnh này, cùng theo dõi bài viết sau đây của Thu Cúc TCI để có được câu trả lời.

1. Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ gồm những gì?

Một người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe. Giấc ngủ đạt chất lượng là khi bạn ngủ sâu, hầu như không bị thức giấc. Khi ngủ dậy cơ thể sảng khoái sảng khoái, đầu óc minh mẫn, tập trung làm việc.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng giấc ngủ không đảm bảo về chất lượng và thời gian. Giấc ngủ bị rối loạn kéo theo sự suy giảm về sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngược lại, người có sức khỏe thể chất và tinh thần không tốt cũng có nguy cơ rối loạn giấc ngủ cao hơn người bình thường. Người cao tuổi dễ gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ do quá trình lão hóa và các bộ phận trên cơ thể không còn đảm bảo được chức năng hoạt động.

Một số biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ ở người già là:

– Chứng mất ngủ

Nằm trằn trọc hàng giờ, khó đi vào giấc ngủ; thường xuyên tỉnh giấc lúc nửa đêm và khó ngủ lại; ngủ không sâu giấc, chập chờn.

– Ngủ quá nhiều

Ngủ nhiều có ba loại chính là ngủ rũ, ngủ nhiều nguyên phát và hội chứng ngừng thở khi ngủ. Ngủ rũ là tình trạng đi vào giấc ngủ không cưỡng lại được trong lúc nghỉ ngơi hoặc hoạt động. Ngủ nhiều nguyên phát là ban đêm ngủ nhiều nhưng ban ngày rất buồn ngủ. Hội chứng ngừng thở là tình trạng khi ngủ ngừng hô hấp trong khoảng 20 – 40 giây.

– Rối loạn nhịp thức ngủ

Hiện tượng này gây ra những thời điểm tỉnh giấc bất thường khi đang ngủ kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn.

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là nỗi ám ảnh

Giấc ngủ bị rối loạn là nỗi ám ảnh của người cao tuổi

2. Hai nhóm nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi

2.1. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ xuất phát từ bệnh lý nội khoa

Một số bệnh lý nội khoa được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ của người lớn tuổi. Những người mắc các bệnh như xương khớp, hen suyễn, viêm phế quản, viêm đại tràng, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh,… sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và dễ bị rối loạn giấc ngủ.

2.2. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi liên quan tới thuốc

Một số loại thuốc khiến người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ là: thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc corticosteroid (cho người bị viêm khớp dạng thấp), thuốc kháng cholinergic (cho bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), thuốc chống trầm cảm, thuốc trị bệnh Parkinson.

2.3. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên thì tình trạng giấc ngủ bị rối loạn ở người cao tuổi cũng có thể xuất phát từ các yếu tố:

– Ô nhiễm môi trường cùng với ô nhiễm tiếng ồn

– Không gian ngủ chật hẹp, bức bí

– Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, ăn ngủ không theo giờ giấc

3. Cách điều trị chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

3.1. Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ không dùng thuốc

Trong trường hợp người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số liệu pháp giúp thư giãn tâm lý, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Một số lời khuyên dành cho người có giấc ngủ bị rối loạn là:

– Hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày, ngủ trưa ngắn tầm 15 đến 30 phút.

– Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ như nghe nhạc nhẹ, ngồi thiền …

– Tránh uống nước để giảm thiểu phải đi tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ.

– Duy trì thói quen ngủ – thức đúng một khung giờ. Không sử dụng điện thoại di động, máy tính, thiết bị điện tử nói chung trước khi ngủ.

– Không ăn no trước giờ đi ngủ.

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê… vào buổi tối.

– Tập thể dục đều đặn, nên tập vào buổi sáng và buổi tối.

– Tắm nước ấm trước khi ngủ 30 – 40 phút.

– Ngâm chân bằng nước ấm trước khi ngủ giúp khí huyết lưu thông.

– Giữ cho không gian ngủ yên tĩnh, sạch sẽ và hạn chế ánh sáng. Đồng thời điều chỉnh nhiệt độ hợp lý.

Vận động nhẹ nhàng giúp cải thiện tình trạng giấc ngủ bị rối loạn

Vận động nhẹ nhàng giúp dễ đi vào giấc ngủ, nâng cao chất lượng giấc ngủ

3.2. Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi bằng thuốc

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để điều trị tình trạng giấc ngủ bị rối loạn. Thuốc thường được chỉ định sử dụng trong thời gian nhất định và phải kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc để gia tăng hiệu quả.

Thuốc trị rối loạn giấc ngủ có thể là thuốc điều trị nguyên nhân gây ra mất ngủ bao gồm các bệnh lý nội khoa như: bệnh tuyến giáp, bệnh hệ tiết niệu, bệnh tiểu đường và các bệnh rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm. Đây là những căn bệnh gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi. Vì vậy nếu không điều trị được các bệnh lý này thì cũng không giải quyết được chứng rối loạn giấc ngủ.

Bên cạnh điều trị nguyên nhân thì cũng có các loại thuốc giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ giúp người bệnh dễ ngủ hơn, ngủ ngon hơn. Người bệnh cần uống thuốc theo đơn, tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều dùng.

4. Hậu quả của chứng rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi

Rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nhận thức, ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể, tới cuộc sống hàng ngày của bản thân người cao tuổi và người thân.

Rối loạn giấc ngủ kéo dài khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt nhọc, uể oải, không đủ năng lượng và dễ bị cáu gắt, bần thần, chóng mặt, trí nhớ suy giảm, chán ăn, buồn chán, …

Giấc ngủ bị rối loạn trong thời gian dài gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh. Mất ngủ kéo theo các biến chứng liên quan đến rối loạn tâm thần, gây ra chứng trầm cảm thậm chí là góp phần dẫn đến hành vi tự sát.

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi kéo theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm

Rối loạn giấc ngủ kéo theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho người lớn tuổi

5. Cách phòng ngừa rối loạn giấc ngủ cho người lớn tuổi

– Thực hiện và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp với độ tuổi. Nạp nhiều thực phẩm hỗ trợ tốt cho giấc ngủ, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế chất béo và tránh ăn mặn.

– Có thể bổ sung các thực phẩm chức năng tốt cho não và hỗ trợ ngủ ngon, tuy nhiên cần có chỉ định từ bác sĩ.

– Vận động thể dục nhẹ nhàng đều đặn mỗi ngày.

– Giữ tâm trạng vui vẻ, tâm trí thoải mái, không căng thẳng để hệ thần kinh, não bộ được hoạt động năng suất.

Khi có dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ ở người già, cần đến ngay khoa Nội thần kinh ở các bệnh viện để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp. Tránh để bị mất ngủ quá lâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kéo theo các biến chứng khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital