Tìm hiểu về các bệnh lý võng mạc thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Các bệnh lý võng mạc là bệnh nhãn khoa có nguy cơ gây mù lòa cao chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh về võng mạc sẽ để lại những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực của người bệnh. Tìm hiểu ngay!

1. Tìm hiểu về võng mạc

Võng mạc là màng bên trong đáy mắt, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể. Khi đi vào trong mắt, ánh sáng sẽ xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể, hội tụ lại trên võng mạc. Võng mạc sẽ chuyển ánh sáng thành tín hiệu thị lực về trung khu phân tích tại vỏ não. Thông qua đó, mọi người có thể nhìn thấy đồ vật ở trước mắt.

Cấu tạo của võng mạc bao gồm các cơ quan chính là:

– Hoàng điểm (điểm vàng): Tập trung nhiều tế bào thị giác, giúp nhận diện nội dung và độ sắc nét của hình ảnh.

– Tế bào biểu mô sắc tố: Nơi tiếp nối và nhận tín hiệu từ tế bào thị giác, bảo vệ và nuôi dưỡng tế bào thị giác, đặc biệt là vùng hố trung tâm điểm vàng.

Nếu các tế bào biểu mô sắc tố ở võng mạc bị tổn thương, tế bào thị giác bong và teo đi thì chức năng cảm nhận ánh sáng sẽ bị ảnh hưởng, gây suy giảm thị lực, các bệnh lý võng mạc và thậm chí là mù loà.

Võng mạc là màng bên trong đáy mắt, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể

Võng mạc là màng bên trong đáy mắt, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể

2. Các bệnh lý võng mạc

2.1. Bệnh võng mạc tiểu đường

Võng mạc tiểu đường là bệnh do biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra tổn thương ở võng mạc mắt. Cụ thể, đường máu cao trong thời gian dài khiến các mạch máu của cơ thể bị tổn thương, mạch máu ở vi mắt chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các mạch máu mỏng, bị sưng lên và rò rỉ, xuất huyết võng mạc dịch kính, xơ hoa khiến võng mạc bị co kéo và bị bong. Người mắc bệnh thường xuyên cảm thấy nhìn mờ, thậm chí là không thể nhìn rõ vật ở trước mắt và bị mù.

2.2. Bệnh bong võng mạc

Bong võng mạc là tình trạng mô võng mạc bị bong, tách ra khỏi đáy mắt. Bệnh xảy ra do chấn thương nhãn cầu đáy mắt và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu sau 24-72 giờ không được xử trí đúng cách. Vết rách nhỏ trên võng mạc khiến dịch trong mắt tràn xuống dưới, gây tách lớp võng mạc ra khỏi nhãn cầu. Một số trường hợp bị chấn thương kín, vết thương xuyên qua nhãn cầu, vỡ nhãn cầu cũng có thể gây ra tình trạng này. Bệnh bong võng mạc không gây đau đớn, chỉ gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực, ánh sáng nhấp nháy, chớp sáng hoặc có chấm đen. Người bệnh nên đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu này để được bác sĩ xử trí kịp thời.

Bong võng mạc là một trong số các bệnh lý võng mạc nguy hiểm, có thể dẫn tới mù loà

Bong võng mạc là một trong số các bệnh lý võng mạc nguy hiểm, có thể dẫn tới mù loà

2.3. Thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc là quá trình suy thoái, tổn thương tế bào võng mạc mắt do nhiều nguyên nhân. Bệnh thường xảy ra ở những người cao tuổi, mắc cận thị hoặc cao huyết áp, tiểu đường. Thoái hóa võng mạc diễn tiến âm thầm, tàn phá thị lực dần dần với các biểu hiện thị lực giảm dần, mắt nhìn mờ, có điểm mù trước mắt… Mặc dù tiến triển từ từ nhưng bệnh có nguy cơ gây mù lòa cao, đặc biệt là khi người bệnh chủ quan không thăm khám sớm khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

2.4. Võng mạc tăng huyết áp

Tổn thương võng mạc do ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp được gọi là bệnh võng mạc tăng huyết áp. Lượng máu chảy tới võng mạc bị giảm dần, dẫn tới tình trạng phù nề võng mạc. Đây là bệnh lý nguy hiểm bởi nếu không được điều trị thì có thể gây tổn thương mạch máu võng mạc, suy giảm chức năng của võng mạc và dẫn tới mù lòa. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, chỉ tói khi người bệnh phát hiện thị lực giảm nghiêm trọng, sưng mắt, đứt vỡ mạch máu… mới đi khám thì khi có bệnh đã ở giai đoạn rất nặng.

Võng mạc tăng huyết áp do bị ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp

Võng mạc tăng huyết áp do bị ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp

2.5. Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non

Bệnh võng mạc tăng sinh xảy ra ở trẻ đẻ non, thiếu cân được gọi là võng mạc trẻ đẻ non. Khi sinh non, mạch máu nuôi võng mạc của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên mạch máu ít, phát triển bất thường. Khi đó, trẻ rất dễ sinh ra bệnh võng mạc ở một hoặc cả hai mắt. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện bất thường, giai đoạn cuối phát hiện con ngươi của trẻ bị trắng đục. Đôi khi, bệnh sẽ để lại sẹo ở võng mạc, khiến thị lực giảm hoặc tạo thành mô sẹo gây co võng mạc, kéo ra khỏi vị trí dẫn tới giảm thị lực trầm trọng.

2.6. Ung thư võng mạc

Ung thư khởi phát và ác tính ở võng mạc, lớp cuối cùng của mắt. Đây là bệnh ung thư thường gặp ở đối tượng là trẻ nhỏ, phá huỷ chức năng thị giác và có thể đe dọa tới tính mạng. Dấu hiệu thường thấy ở những người mắc bệnh là ánh đồng tử trắng, mắt lác, mắt đau, đỏ, nhìn kém, mắt giãn to, dị sắc mống mắt.

Ung thư võng mạc thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện là ánh đồng tử trắng

Ung thư võng mạc thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện là ánh đồng tử trắng

3. Điều trị các bệnh lý võng mạc

Tùy thuộc vào bệnh lý ở võng mạc mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Nguyên tắc điều trị các bệnh lý võng mạc thường gặp hiện nay:

– Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc phù hợp để cải thiện thị lực cho người mắc bệnh võng mạc. Thuốc có thể sử dụng bằng đường uống, đường tiêm hoặc nhỏ mắt… Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cũng như tránh các biến chứng khó lường.

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật hoặc sử dụng tia laser để điều trị các mạch máu tăng sinh bất thường gây ra các bệnh võng mạc. Phẫu thuật là kỹ thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn cao, tại phòng điều trị đạt chuẩn của Bộ Y tế.

– Chăm sóc mắt: Ngoài việc sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật, các bệnh lý võng mạc còn có thể được cải thiện thông qua một chế độ sinh hoạt khoa học, chăm sóc mắt đúng cách. Các bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp để người bệnh có thể tự chăm sóc và vệ sinh mắt đúng cách tại nhà, giúp tình trạng suy giảm thị lực do bệnh võng mạc được cải thiện hơn. Đồng thời, một chế độ sinh hoạt khoa học cũng giúp thị lực luôn sáng khỏe, ngăn ngừa tái mắc bệnh hoặc mắc các bệnh nguy hiểm khác.

Điều trị bệnh võng mạc có thể dựa trên phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa, do bác sĩ có chuyên môn chỉ định

Điều trị bệnh võng mạc có thể dựa trên phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa, do bác sĩ có chuyên môn chỉ định

Trên đây là thông tin về các bệnh lý võng mạc thường gặp, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của mọi người. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước những bệnh lý nguy hiểm kể trên chính là phòng ngừa mắc bệnh. Do vậy, bất kỳ ai cũng cần xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, chăm sóc mắt thường xuyên và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ trong việc thăm khám nhãn khoa định kỳ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital