Tìm hiểu về bệnh trĩ

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Lê Ngọc Thương

Phó Giám đốc Bệnh viện, Phụ trách Ngoại tổng hợp, kiêm Trưởng khoa Ngoại

Bệnh trĩ” là một trong các bệnh thuộc nhóm bệnh lý về hậu môn – trực tràng, phổ biến ở mọi lứa tuổi, gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

bệnh trĩ

Bệnh trĩ là bệnh phổ biến hiện nay.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ bị giãn quá mức ở mô xung quanh hậu môn (sự phình tĩnh mạch). Một trong những nguyên nhân làm cho các tĩnh mạch quanh hậu môn bị giãn và phình to là do áp suất trong lòng mạch tăng lên, có thể do táo bón hoặc các nguyên nhân khác. Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến và nguy cơ mắc bệnh ở cả hai giới là ngang nhau. Theo khảo sát và thống kê, hầu hết tất cả mọi người đều từng có các triệu chứng của bệnh trĩ trong suốt cuộc đời.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ

– Táo bón mạn tính: người bị táo bón lâu năm khi đại tiện có thể khiến áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần, dần dần làm xuất hiện các búi trĩ.

– Chế độ ăn: thói quen ăn uống ít chất xơ và rau quả, ăn nhiều gia vị (tiêu, ớt), uống nhiều rượu.

– Di truyền: nguy cơ bệnh trĩ cao hơn ở những người có gia đình, dòng họ có nhiều người bị trĩ.

– Thai kỳ, sinh đẻ: sức ép từ bào thai có thể gây ra bệnh trĩ và khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

– Tăng áp lực ổ bụng: các bệnh lý như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản gây ho nhiều… làm tăng áp lực trong ổ bụng, làm tăng nguy cơ hình thành bệnh trĩ.

– Hội chứng lỵ: bệnh lỵ khiến người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.

– Sinh hoạt: tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao hơn ở những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại…

– U bướu: các bệnh lý u bướu vùng hậu môn trực tràng như ung thư  trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… có thể chèn ép và gây áp lực cho tĩnh mạch, khiến các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.

bệnh trĩ

Ngồi nhiều trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh trĩ.

Các triệu chứng của người mắc bệnh trĩ

– Đại tiện ra máu: là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu có thể thấy có tia máu nhỏ trên phân, khi bệnh nặng hơn có thể chảy máu thành giọt hay thành tia.

– Sa búi trĩ: búi trĩ phát triển lớn dần và sa ra ngoài hậu môn, thường xuất hiện sau triệu chứng đại tiện ra máu một thời gian.

– Triệu chứng khác: đau khi đi đại tiện, ngứa vùng xung quanh hậu môn… Thông thường, bệnh trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hoặc do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Còn tình trạng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn.

 Điều trị bệnh trĩ thế nào hiệu quả?

Việc điều trị bệnh trĩ cần phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một số phương pháp điều trị bệnh trĩ thường được áp dụng bao gồm:

bệnh trĩ

Người bệnh nên tích cực bổ sung chất xơ từ rau xanh và hoa quả.

Điều trị trĩ bằng các phương pháp tại nhà:

– Ngâm hậu môn trong nước ấm khoảng 15 phút, thực hiện 3 lần/ngày và sau mỗi lần đi đại tiện để làm giảm sưng và đau.

– Làm khô vùng da quanh hậu môn sau mỗi lần tắm, chú ý không để da bị chà xát và trầy xước.

– Thay đổi thói quen ăn uống: uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh để giảm tình trạng táo bón, hạn chế cà phê và nước trà đặc.

– Tránh ngồi quá lâu trong thời gian dài và làm việc nặng nhọc.

– Tập thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày.

– Tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn với các môn thể thao vừa sức.

– Không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Điều trị chuyên khoa bệnh trĩ

 

Trong trường hợp bệnh trĩ do các bệnh lý khác gây ra như viêm đại tràng mạn, hội chứng ruột kích thích, viêm phế quản mạn tính, tăng huyết áp, tiểu đường, phì đại tiền liệt tuyến… thì người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị chuyên khoa. Tùy theo loại bệnh trĩ và bệnh trạng cụ thể mà bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị bao gồm:

– Điều trị bằng thuốc: tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc tăng cường tính bền thành mạch, giảm đau và chống ngứa, chống phù nề, nhiễm trùng, tắc mạch…

– Điều trị trĩ thuyên tắc: trĩ thuyên tắc là tình trạng có cục máu đông trong búi trĩ gây đau cho người bệnh. Trường hợp này có thể điều trị bằng cách ngâm hậu môn trong nước ấm và giảm kích thước phân để giảm đau. Để điều trị triệt để cần loại bỏ cục máu đông.

– Điều trị sa trĩ nội: sa trĩ nội là tình trạng trĩ nội sa ra ngoài và không thể đẩy lại vào hậu môn. Tùy theo kích thước của búi trĩ, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật làm nhỏ búi trĩ, đẩy chúng trở lại hậu môn hoặc phẫu thuật để làm giảm sưng. Nếu có các biến chứng nghiêm trọng hơn xảy ra, người bệnh có thể được điều trị bằng cách làm xơ teo các búi trĩ, phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital