Tìm hiểu nguyên do đột quỵ xảy ra khi tắm đêm

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Đột quỵ xảy ra khi tắm đêm là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ bị đột quỵ vì tắm đêm, do đó không nên chủ quan và cần cảnh giác trước tình trạng này.

1. Liệu tắm đêm có thực sự liên quan đến đột quỵ não?

Tắm đêm không trực tiếp gây vỡ mạch máu não hoặc nhồi máu não, nhưng là yếu tố tác động gián tiếp gây đột quỵ. Nguy cơ xảy ra cao hơn khi tắm đêm trong thời tiết lạnh, tắm với nước quá lạnh, tắm vào khuya muộn, tắm lâu… Tùy vào từng thể trạng sức khỏe, bệnh lý nền mà việc tắm đêm có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, trong đó có đột quỵ.

Về mặt dịch tễ học, tỷ lệ đột quỵ xảy ra thay đổi theo mùa. Tỷ lệ đột quỵ xảy ra vào màu đông cao hơn mùa hè. Đột quỵ xuất huyết não phổ biến vào mùa xuân. Đột quỵ thiếu máu não cục bộ xảy ra phổ biến vào mùa đông. Người bệnh gặp tình trạng đột quỵ vào mùa đông có tiên lượng xấu hơn. Tỷ lệ tử vong cũng thay đổi theo mùa với tỷ lệ cao xảy ra vào mùa đông.

Tìm hiểu nguyên do đột quỵ xảy ra khi tắm đêm

Đột quỵ xuất huyết não là một dạng của đột quỵ não

2. Những nguyên nhân vì sao đột quỵ có thể xảy ra khi tắm đêm

2.1 Nhiệt độ chênh lệch giữa cơ thể và môi trường

Thời điểm ban đêm, nhiệt độ bên ngoài giảm xuống giảm tạo ra sự chênh lệch về nhiệt độ so với cơ thể. Vì thế thói quen tắm khuya, tắm khi nhiệt độ cơ thể quá chênh lệch với nhiệt độ nước tắm như: tắm nước lạnh hay tắm ngay khi đi ngoài trời nóng về, tắm hoặc ngâm bồn nước nóng lúc trời lạnh, tắm xong bước ra trực tiếp phòng điều hòa… rất dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt.

Khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co hoặc giãn mạch máu để thích nghi. Trường hợp mạch máu bị co lại, nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não hoặc bệnh mạch vành co thắt đột ngột xảy ra nhanh hơn.

Trong trường hợp sau khi tắm nhiệt độ cơ thể giảm, nếu bạn tiếp tục ở dưới quạt hay điều hòa ngay sẽ có tác động xấu đến hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, kéo theo hệ lụy là máu lên não chậm, ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp. Ở những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu, nếu nằm điều hòa ngay sau khi tắm sẽ dễ gặp tình trạng đột quỵ tai biến mạch máu não.

2.2 Đột quỵ xảy ra khi tắm đêm do cơ thể có sẵn các bệnh lý nền

Nếu bạn đang mắc những bệnh lý như bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, thiếu máu… nghĩa là hệ tuần hoàn máu đã có sẵn những tổn thương. Do đó những bệnh nhân này nếu tắm đêm thường xuyên thì nguy cơ đột quỵ xảy ra sẽ cao hơn so với người bình thường.

Vào thời gian đêm muộn, cơ thể thường yếu hơn vì đây là thời gian chuẩn bị đi vào trạng thái nghỉ ngơi, sức đề kháng cũng yếu đi. Việc tắm đêm bằng nước lạnh sẽ khiến các mạch máu co lại, theo đó việc lưu thông máu lên não cũng sẽ bị chậm trễ hơn, cơ thể trở nên mệt mỏi yếu ớt. Ở những người có tiền sử bệnh lý tim mạch hay huyết áp… thì nguy cơ đột quỵ xảy ra càng cao hơn.

Không chỉ tắm đêm, mà ngoài ra tắm buổi sáng sớm cũng không khuyến khích cho những bệnh nhân đang có bệnh lý nền như để kể trên.

Tìm hiểu nguyên do đột quỵ xảy ra khi tắm đêm

Ở một số người bệnh có bệnh lý nền nếu có thói quen tắm khuya sẽ có nguy cơ gia tăng đột quỵ

2.3 Thói quen tắm chưa phù hợp

Đi đại tiện hoặc tiểu tiện trước khi tắm cũng có thể gây ra tình trạng tăng áp lực ổ bụng kích thích các dây thần kinh phế vị, làm tăng áp lực động mạch. Những tác động này có thể khiến hệ tuần hoàn của cơ thể căng thẳng.

Bên cạnh đó, thói quen dội nước lạnh bắt đầu từ đỉnh đầu khi tắm sẽ làm thay đổi nhiệt độ nhanh và có thể gây ra áp lực làm vỡ động mạch, mao mạch ở ở phần đầu. Tất cả những yếu tố này có thể thúc đẩy gây ra đột quỵ khi tắm, đặc biệt vào ban đêm.

2.4 Tắm khuya kèm trong người có cồn

Sau khi sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, nồng độ cồn trong máu cao, theo đó nhiệt độ cơ thể tăng, hệ thống mạch máu sẽ giãn nở. Tắm sau khi uống rượu bia sẽ khiến các mạch máu đang giãn nở có nguy cơ bị vỡ gây đột quỵ. Do đó, có thể thấy thời điểm tắm không phải vào ban đêm nhưng khi cơ thể đang có nồng độ cồn cao thì nguy cơ đột quỵ vẫn có khả năng xảy ra.

2.5 Đột quỵ có thể xảy ra khi tắm khuya lâu

Nhiều người có thói quen tắm, ngâm mình rất lâu, điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ tắm đêm xảy ra. Lý giải điều này xảy ra là bởi cơ thể ở trong nước quá lâu sẽ khiến da bị mất nước làm hệ thống mạch máu co lại, dẫn đến nhịp tim không đều và không ổn định.

Bên cạnh các lý do kể trên thì còn một số nguyên nhân khác gây ra đột quỵ vì tắm đêm là khi phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, sau khi ăn quá no hoặc quá đói, trước và sau khi massage 1 tiếng không nên tắm…

3. Cách xử trí khi tắm khuya bị đột quỵ

Khi nhận thấy người thân bị đột quỵ xảy ra khi tắm đêm, bạn không nên tự ý thực hiện các biện pháp dân gian để sơ cứu hay cho uống thuốc mà không theo chỉ định của bác sĩ. Những cách xử trí đúng đối với đột quỵ tắm khuya là để người bệnh nằm ở nơi thoáng khí, khô ráo, nhanh chóng ủ ấm bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu để được sơ cứu và cứu chữa kịp thời trong khung giờ vàng.

4. Những lưu ý khi tắm để an toàn cho sức khỏe

Để tránh gặp tình trạng đột quỵ xảy ra khi tắm đêm, mọi người nên tuân thủ các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bao gồm:

– Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, khoảng thời gian tắm được khuyến cáo là nên xây dựng thói quen tắm sớm, đặc biệt không tắm sau 21 giờ đêm.

– Lau khô người, choàng áo tắm để điều hòa nhiệt độ cơ thể với nhiệt độ môi trường sau khi tắm, sấy khô tóc sau khi tắm, tuyệt đối không để tóc ướt khi ngủ.

– Không nằm trực tiếp dưới điều hòa hoặc quạt ngay sau khi tắm.

– Không nên tắm nước lạnh trong thời tiết nắng nóng hoặc ngay sau khi vừa vận động mạnh.

– Rèn luyện thói quen tắm bắt đầu từ việc làm ướt 2 tay, 2 chân, phần ngực trước, không dột nước đột ngột từ phần đỉnh đầu xuống.

– Nhiệt độ nước tắm an toàn nhất nên nằm ở mức từ 24 độ C đến 29 độ C để đảm bảo rằng cơ thể không bị sốc nhiệt do chênh lệch lớn với nhiệt độ môi trường.

– Không nên tắm quá lâu, thời gian lý tưởng cho việc làm sạch cơ thể mỗi ngày là khoảng 10 phút.

Tìm hiểu nguyên do đột quỵ xảy ra khi tắm đêm

Không nên tắm dội thẳng nước trực tiếp lên đầu, mà nên bắt đầu từ tay, chân, ngực sau đó đến toàn bộ cơ thể

Người bị đột quỵ thường không có dấu hiệu báo trước, không chỉ tắm đêm đột quỵ mà đột quỵ có thể xảy ra đột ngột khi đang ăn cơm, làm việc, nói chuyện, chơi thể thao, lái xe… Chỉ vài giây trước bạn vẫn có thể nói chuyện bình thường nhưng vài giây sau đột quỵ xảy ra gây liệt nửa người, nói ngọng, nói khó…

Vậy nên, để phòng ngừa bị đột quỵ nói chung, việc quan trọng hàng đầu là phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, các bệnh nền là yếu tố thúc đẩy dẫn đến đột quỵ trước khi chờ có dấu hiệu đột quỵ thông qua khám tầm soát nguy cơ đột quỵ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital