Viêm loét giác mạc là một trong những bệnh lý nhãn khoa thường gặp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực. Liệu bạn có biết nguyên nhân viêm loét giác mạc là do đâu và làm sao để khắc phục được tình trạng này hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này ngay trong nội dung dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân viêm loét giác mạc
Giác mạc là một bộ phận quan trọng của mắt, nằm ở phía trước con ngươi và tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên. Lớp mô trong suốt này cho phép ánh sáng đi qua và giúp con người có thể nhìn rõ mọi vật. Viêm loét giác mạc là tình trạng nhiễm trùng ở giác mạc do bị trầy xước, tổn thương khiến tác nhân có hại dễ dàng xâm nhập và tấn công. Đây là bệnh lý nguy hiểm trong số các bệnh lý nhãn khoa thường gặp và luôn được các bác sĩ khuyến cáo cần thăm khám sớm cũng như điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng viêm loét giác mạc phải kể tới:
1.1. Nhiễm khuẩn
Viêm loét giác mạc có thể hình thành do giác mạc bị vi khuẩn, virus hoặc các loại nấm, ký sinh trùng có hại tấn công. Cụ thể:
– Người bệnh nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh…
– Người bệnh nhiễm virut Herpes simplex hoặc Varicella dẫn tới tình trạng loét giác mạc và bệnh có thể tái lại nhiều lần khi sức đề kháng giảm sút, mệt mỏi, stress…
– Người nhiễm một số loại nấm như Cephalosporum, Aspergllus hay Fusarium…
– Người nhiễm một loại ký sinh trùng có tên là Acanthanmoeba thường trú ngụ ở trong nước, đất. Chúng có thể gây viêm loét giác mạc nặng đặc biệt là ở những người sử dụng kính áp tròng không khoa học.
1.2. Biến chứng bệnh lý
Theo các chuyên gia, viêm loét giác mạc cũng có thể hình thành do người bệnh mắc một số bệnh lý nguy hiểm và gây ra biến chứng lên giác mạc như: Đau mắt hột, viêm kết mạc, lông quặm… Nguyên nhân là do bệnh lý khiến mi mắt trở nên bất thường, tác động tới khả năng bảo vệ mắt và dẫn tới việc mắt không thể chống lại sự xâm nhập và tấn công mạnh mẽ của các yếu tố gây bệnh.
Ngoài ra, một số bệnh lý toàn thân như ung thư, tiểu đường… cũng có thể là tác nhân khiến sức khoẻ nhãn khoa giảm sút và dễ dàng mắc bệnh hơn.
1.3. Chấn thương mắt
Chấn thương mắt mà cụ thể là tình trạng giác mạc bị tổn thương do tác nhân ngoại cảnh cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới viêm loét giác mạc. Cụ thể:
– Bị vật thể lạ bắn vào mắt gây trầy xước giác mạc, dụi mắt do bụi bẩn…
– Tổn thương các dây thần kinh vùng mắt: Dây thần kinh số V, dây thần kinh số VII…
– Điều trị bệnh lý nhãn khoa bằng các phương pháp phản khoa học như dùng đá lạnh, đắp thuốc… dẫn tới tổn thương giác mạc.
– Sử dụng kính áp tròng sai cách, không tiệt trùng trước khi dùng và không vệ sinh mắt kỹ lưỡng sau khi tháo kính.
– Người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
1.4. Thiếu vitamin A
Vitamin A là một chất quan trọng có thể chống oxy hoá và tăng cường sức khoẻ giác mạc do khả năng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây ra. Thiếu vitamin A cũng là một trong những nguyên nhân khiến khả năng chống chọi với bệnh tật của mắt bị suy giảm và dẫn tới viêm kết mạc, viêm giác mạc.
2. Dấu hiệu nhận biết
Viêm loét giác mạc là bệnh có thể lây truyền từ người sang người khi dụi mắt, nhiễm nấm, virus, vi khuẩn do tiếp xúc với đồ dùng, dịch từ mắt của người bệnh. Bệnh viêm loét giác mạc có thể dễ dàng nhận diện thông qua các triệu chứng như sau:
– Khó mở mắt
– Mí mắt sưng nề
– Co quắp mi
– Mắt nóng rát, đau nhức
– Cảm giác có dị vật trong mắt
– Đỏ mắt
– Chảy nước mắt hoặc dịch mủ
Khi bệnh ở giai đoạn nặng, mọi người có thể phát hiện thấy tình trạng giác mạc gồ ghề, mất đi độ bóng, đục ngầu do thâm nhiễm tế bào viêm. Ở nhiều người có thể xuất hiện tình trạng đốm trắng, xám trên trung tâm giác mạc. Ngoài ra, các mạch máu vùng kết mạc sâu cũng sẽ bị cương tụ đỏ, có ổ loét ở một vùng hoặc khắp giác mạc mắt.
Khi phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường này, người bệnh cần đi khám ngay để được xác định chính xác bệnh lý nhằm có thể đưa ra các phương án xử trí phù hợp.
3. Điều trị viêm loét giác mạc
Bác sĩ chuẩn đoán bệnh viêm loét giác mạc dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh thông qua các phương pháp sau: Nhuộm mắt bằng thuốc nhuộm Fluorescein hoặc xét nghiệm mô bệnh học tế bào.
Hiện nay, điều trị viêm loét giác mạc thường được áp dụng với các phương pháp chính là:
– Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc điều trị để làm giảm triệu chứng cũng như sự tiến triển của bệnh. Phương pháp này thường được áp dụng với những người mắc bệnh ở mức độ từ nhẹ tới trung bình. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bác sĩ có thể sử dụng một số loại kháng sinh để điều trị.
– Điều trị ngoại khoa: Thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh nếu tình trạng bệnh nặng, nghiêm trọng, điều trị nội khoa không mang lại kết quả như kỳ vọng. Khi đó, giác mạc bị tổn thương nặng cần được phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn và ghép giác mạc để có thể lấy lại thị lực cho người bệnh.
4. Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để giảm thiểu nguy cơ mắc viêm loét giác mạc cũng như các bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm khác, mọi người cần có một chế độ sống và bảo vệ mắt khoa học, đúng cách:
– Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho mắt như các loại vitamin A, D, C, E… Omega, thông qua thực phẩm tươi xanh, trái cây và rau củ lành mạnh.
– Sử dụng kính bảo vệ mắt chống tia UV khi ra đường, sử dụng kính chống ánh sáng xanh khi làm việc nhiều trên máy tính.
– Hạn chế nhìn các thiết bị điện tử với khoảng cách quá gần hoặc trong thời gian quá lâu.
– Sử dụng kính áp tròng khoa học, thay kính đúng theo thời gian khuyến cáo, vệ sinh vùng mắt kỹ lưỡng sau khi thay kính.
– Tránh dụi mắt hoặc đưa tay lên gãi mắt để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm.
– Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các loại thuốc tra mắt khi có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
– Khám mắt thường xuyên và định kỳ từ 2-3 lần/năm với người khoẻ mạnh hoặc ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Việc đánh giá chính xác nguyên nhân viêm loét giác mạc đóng vai trò quan trọng giúp các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, mọi người cần chủ động trong việc kiểm soát sức khoẻ đôi mắt, đi khám ngay khi phát hiện mắt có các dấu hiệu bất thường.