Ung thư phổi là một trong số những loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư hiện nay. Vì vậy, việc nâng cao cảnh giác và đề phòng sớm căn bệnh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc sàng lọc ung thư phổi, trong đó bao gồm xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi hiện nay giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện bệnh sớm và là gợi ý quan trọng trong quá trình bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh. Vậy có những chỉ số nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cơ bản cần biết về xét nghiệm tầm soát ung thư phổi
1.1. Xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi là gì?
Dấu ấn ung thư hay chất chỉ điểm khối u là dấu ấn sinh học được phát hiện trong máu, nước tiểu và mô. Vì vậy xét nghiệm dấu ấn ung thư được dùng để đánh giá sự hiện diện của một hay nhiều loại ung thư. Có rất nhiều loại chất chỉ điểm khối u và mỗi loại sẽ đại diện cho các loại ung thư khác nhau như đã nói ở trên. Định lượng của các chất chỉ điểm này có thể giúp phát hiện ung thư, sự hình thành, phát triển hoặc đáp ứng với điều trị của tế bào ung thư ác tính. Các chất chỉ điểm thường được dùng để tầm soát ung thư phổi có thể kể đến như CYFRA 21-1, NSE, Pro-GRP, SCC,…
Tuy nhiên, các dấu ấn ung thư không chỉ đặc trưng riêng cho ung thư, vì có nhiều nguyên nhân khác gây tăng các dấu ấn ung thư (hay còn gọi là tình trạng dương tính giả) vì vậy rất cần thăm khám chuyên sâu hơn và tư vấn chuyên môn của các bác sĩ.
1.2. Ý nghĩa của xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi
Các xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư có vai trò hỗ trợ trong việc tầm soát ung thư phổi. Ngoài ra, các chỉ số này còn được dùng để chẩn đoán những bệnh phổi lành tính, phân biệt giữa ung thư phổi tế bào nhỏ/ không nhỏ hoặc ung thư phổi nguyên phát/thứ phát. Cụ thể:
– Hỗ trợ quá trình chẩn đoán ung thư phổi của bác sĩ
– Giúp các bác sĩ chẩn đoán được tiên lượng bệnh.
– Theo dõi diễn tiến và đánh giá hiệu quả trong quá trình điều trị ung thư phổi.
Tuy đóng nhiều vai trò như vậy nhưng kết quả của các chỉ số không mang tính tuyệt đối. Một số trường hợp chỉ số này ổn định, không tăng dù người bệnh đang mắc ung thư phổi. Vì vậy, để xác định chính xác tình trạng bệnh, bên cạnh việc thực hiện xét nghiệm máu để sàng lọc ung thư phổi thì bệnh nhân thực hiện thêm các phương pháp thăm khám chuyên sâu khác như chụp X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp MRI…
2. Các chỉ số xét nghiệm máu tầm soát ung thư phổi phổ biến hiện nay
2.1.Định lượng CYFRA 21-1
CYFRA 21-1 là một chất chỉ điểm ung thư trong máu với tác dụng chính là giúp hỗ trợ trong việc tầm soát ung thư phổi. Nồng độ CYFRA 21-1 tăng cao trong ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Nếu chỉ số này lớn hơn 3.3 μg/L (tương đương với 3.3 ng/ml), thì người bệnh có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
Độ nhạy của chỉ số này trong ung thư phổi không tế bào nhỏ là khoảng 30% – 75% và ung thư phổi tế bào nhỏ là 20% – 60%. Có thể thấy, chỉ số xét nghiệm máu CYFRA 21-1 đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh, phát hiện tái phát cũng như theo dõi quá trình điều trị. Ngoài ra, sự kết hợp giữa chỉ số CYFRA 21‐1 cùng với kháng nguyên ung thư phổi CEA rất hữu ích trong chẩn đoán ung thư phổi.
2.2. Định lượng Pro-GRP
Độ nhạy của dấu ấn Pro-GRP khá cao nên có thể hỗ trợ các bác sĩ rất nhiều trong chẩn đoán bệnh. Chỉ số Pro-GRP đã được nghiên cứu và chứng minh là dấu ấn sinh học đáng tin cậy trong ung thư phổi tế bào nhỏ , là một dấu ấn nhạy nhất được dùng để chẩn đoán phân biệt với các loại ung thư phổi khác và các bệnh phổi lành tính. Bên cạnh đó, với những trường hợp không thể thực hiện sinh thiết khối u thì xét nghiệm Pro-GRP chính là phương pháp tối ưu.
– Nồng độ Pro-GRP huyết tương ở người khỏe mạnh bình thường là ≤ 50 ng/L, trong một số trường hợp (khoảng 5%) có nồng độ ProGRP cao hơn bình thường nhưng vẫn < 75 ng/L.
– Nồng độ Pro-GRP tăng > 200 ng/L được coi là dấu hiệu cảnh báo người bệnh có nguy cơ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
– Nồng độ Pro-GRP tăng cao > 300 ng/L, nếu chức năng thận bình thường thì có thể nghi ngờ người bệnh mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
2.3. Định lượng SCC
Nồng độ dấu ấn SCC tăng có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và ung thư phổi. Chỉ số SCC trong huyết tương sẽ được đo bằng đơn vị ng/mL. Ở người khỏe mạnh bình thường thì nồng độ SCC sẽ luôn thấp hơn 2 ng/mL. Trong xác định các bệnh lý về phổi, nồng độ SCC được xác định như sau:
– Ung thư phổi tế bào vảy: nồng độ SCC dao động trong khoảng từ 2,78 ng/mL – 3,56 ng/mL.
– Ung thư phổi tế bào không nhỏ: nồng độ SCC dao động trong khoảng 2,66 ng/mL – 3,22 ng/mL.
– Ung thư phổi tế bào lớn: nồng độ SCC dao động > 2,36 ng/mL.
– Ung thư phổi tế bào nhỏ: nồng độ SCC dao động trong khoảng 2,08 ng/mL – 2,36 ng/mL.
– Ung thư phổi tế bào tuyến: nồng độ SCC dao động trong khoảng từ 2,3 ng/mL – 2,84 ng/mL
Các bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm SCC trong chẩn đoán, theo dõi đáp ứng điều trị hay đánh giá nguy cơ tái phát bệnh. Sự tăng lên của nồng độ SCC trong huyết tương có giá trị trong việc theo dõi điều trị ung thư, giúp đánh giá hiệu quả và phát hiện ra những dấu hiệu ung thư phổi tái phát.
2.4. Định lượng CEA
Dấu ấn ung thư CEA cũng được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi. Chỉ số này ở người bình thường sẽ nằm trong khoảng nhỏ hơn 2.5 ng/mL. Nếu trường hợp người bệnh mắc ung thư phổi thì chỉ số CEA cao hơn 10 ng/mL. Do đó, chỉ số CEA cũng góp phần quan trọng trong chẩn đoán căn bệnh này.
2.5. Định lượng NSE
Đây là một dấu ấn ung thư đặc hiệu cho ung thư phổi tế bào nhỏ và u nguyên bào thần kinh. Những trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi thường sẽ có chỉ số NSE trong máu cao hơn mức bình thường. Thông thường, nếu chỉ số này cao hơn 25 ng/mL thì người bệnh được đánh giá có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Xét nghiệm này nếu kết hợp với xét nghiệm ProGRP sẽ cho kết quả chính xác hơn trong chẩn đoán và theo dõi các trường hợp mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ngoài ra, chỉ số NSE còn được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện tái phát và tiên lượng ở người bệnh mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
– Sau hóa trị liệu thành công, nồng độ NSE trong huyết tương có thể tăng tạm thời trong khoảng 24 đến 72 giờ do sự phân hủy tế bào khối u, sau đó sẽ nhanh chóng giảm xuống.
– Khi ung thư tái phát, nồng độ NSE huyết thanh lại tăng lên. Tuy nhiên, sự thay đổi nồng độ NSE huyết thanh trong quá trình điều trị ở các bệnh nhân ung thư phổi tế bào không nhỏ là không rõ rệt
Trên đây là những giải đáp về các chỉ số xét nghiệm tầm soát ung thư phổi. Nếu bạn đọc có nhu cầu thực hiện xét nghiệm này, có thể cân nhắc thăm khám tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI. Hiện nay Thu Cúc TCI đang cung cấp các gói tầm soát ung thư trọn gói có bao gồm cả xét nghiệm dấu ấn ung thư. Việc thực hiện tầm soát chuyên sâu bao gồm cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp người bệnh có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.