Tìm hiểu bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh từ A-Z

Tham vấn bác sĩ

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.  Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý viêm phổi xảy ra ở các bé sơ sinh nhé.

1. Thông tin chung về bệnh lý viêm phổi ở trẻ sơ sinh

1.1. Bệnh viêm phổi xảy ra ở đối tượng trẻ sơ sinh là gì?

Bệnh viêm phổi ở bé sơ sinh là tình trạng phổi của bé bị tác nhân gây bệnh tấn công và tạo nên những ổ nhiễm khuẩn bên trong phổi. Hệ quả khiến cho các đường dẫn khí nhỏ bên trong phổi của bé sưng nề, chất nhầy được tạo ra nhiều hơn và dễ chặn đứng đường thở, giảm lượng oxy đi vào cơ thể của trẻ.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là bệnh lý hình thành khi trẻ bị tác nhân gây bệnh tấn công phổi

Trẻ sơ sinh có thể mắc viêm phổi khi bị virus tấn công vào phổi và hình thành ổ nhiễm khuẩn

1.2. Nguyên nhân nào gây nên bệnh lý viêm phổi ở trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh có thể bị mắc viêm phổi khi cơ quan này bị tấn công bởi các tác nhân là virus và vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, các tác nhân phổ biến có thể kể tới như: virus RSV, Listeria, Coli, vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib)m vi khuẩn phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae, vi khuẩn Gram âm…

Nguyên nhân dẫn tới việc trẻ sơ sinh bị viêm phổi có rất nhiều, bao gồm:

– Thai nhi khi ở bên trong tử cung đã bị thiếu dưỡng khí.

– Trong quá trình sinh, trẻ bị hít phải nước ối, phân su nên đã nhiễm phải một số vi khuẩn gây viêm phổi hoặc do môi trường sinh nở và dụng cụ sử dụng không đảm bảo vệ sinh.

– Trẻ bị đẻ non, thiếu cân khiến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, thường bị trào ngược dạ dày và gây nên viêm phổi.

– Bé bị mắc các bệnh như viêm da, viêm dây rốn cũng có thể là nguyên nhân gây viêm phổi.

– Bé hay bị nôn, trớ mỗi khi bú sữa mẹ, hệ quả khiến sữa theo đường thở vào phổi và tiềm ẩn nguy cơ gây viêm phổi.

– Bé được ủ ấm quá kĩ gây xảy ra tình trạng bị toát mồ hôi và không được lau sẽ gia tăng nguy cơ mắc viêm phổi.

– Do môi trường sống của bé sơ sinh kém vệ sinh: ô nhiễm không khí, nguồn nước bẩn, khói thuốc lá…

– Do trẻ không được chăm sóc đúng cách, không được tiêm phòng đầy đủ hoặc do thời tiết thay đổi đột ngột nên ảnh hưởng tới sức khỏe của bé, gây nên bệnh lý viêm phổi.

1.3. Những dấu hiệu nào giúp nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh?

So với các đối tượng khác, bệnh viêm phổi khi xảy ra ở trẻ sơ sinh sẽ ít xuất hiện các triệu chứng điển hình. Do đó, việc nhận biết bệnh cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Trẻ sơ sinh khi mắc viêm phổi có thể xuất hiện các dấu hiệu khác nhau, điều này còn tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh của trẻ. Về cơ bản, khi mắc viêm phổi, các bé sơ sinh sẽ dần xuất hiện 2 nhóm dấu hiệu gồm:

– Dấu hiệu về hô hấp: trẻ có biểu hiện ho, thở khò khè, khó thở, thở co lõm ngực, nhịp thở đo được chỉ khoảng 60 lần/phút. Thậm chí trường hợp nặng, trẻ sơ sinh có thể xuất hiện cơ ngưng thở khoảng 20 giây, có biểu hiện tím tái, chỉ số SpO2 ở dưới mức 90%.

– Dấu hiệu về nhiễm trùng: bé sơ sinh có biểu hiện bú kém, sốt hoặc hạ thân nhiệt, có thể nôn ói sau ho hoặc sau ăn, chướng bụng, giảm phản xạ, lừ đừ…

2. Bệnh viêm phổi ở bé sơ sinh có mấy loại?

Theo chuyên gia, bệnh viêm phổi ở đối tượng trẻ sơ sinh có thể được chia thành 3 loại khác nhau, bao gồm:

– Bệnh viêm phổi bẩm sinh: Loại viêm phổi bẩm sinh này thường xảy ra vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi bị vi khuẩn tấn công lá phổi. Thực tế, trường hợp này có thể được phát hiện thông qua phương pháp siêu âm mẹ bầu. Việc bệnh viêm phổi bẩm sinh được phát hiện càng sớm thì càng tốt cho công tác hỗ trợ điều trị, hạn chế tối đa những hệ lụy sức khỏe của trẻ sau khi chào đời.

– Bệnh viêm phổi xảy ra trong khi sinh: Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi trong khi sinh nếu trường hợp người mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục hay mẹ bị vỡ ối quá sớm khiến vi khuẩn xâm nhập và gây viêm phổi cho bé. Ngoài ra, trong quá trình sinh mà bé hít phải phân su thì cũng có thể gây bệnh viêm phổi trong khi sinh.

– Bệnh viêm phổi xảy ra sau khi bé chào đời: Loại này có thể phát sinh nếu các bé sau sinh không được chăm sóc đúng cách, môi trường xung quanh không đảm bảo vệ sinh khiến tăng nguy cơ trẻ bị vi khuẩn tấn công và gây nên viêm phổi.

Bé sơ sinh có thể bị mắc viêm phổi trong quá trình sinh

Trẻ có thể bị tác nhân gây bệnh viêm phổi tấn công ngay trong quá trình sinh

3. Trẻ sơ sinh mắc viêm phổi có nguy hiểm không?

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính nước ta có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi, trong đó có khoảng 4.000 trẻ bị tử vong do bệnh lý này. Từ các số liệu này có thể thấy, viêm phổi xảy ra ở trẻ sơ sinh là bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

4. Bệnh viêm phổi ở trẻ có bị lây truyền không?

Vi khuẩn, virus gây bệnh viêm phổi ở trẻ rất dễ phát tán và lây truyền qua giọt bắn mỗi khi bé mắc bệnh ho, hắt hơi hay sổ mũi. Do đó, bé sơ sinh mắc viêm phổi trong quá trình điều trị cần được cách ly đúng khuyến cáo của bác sĩ để không lây truyền bệnh cho các bé khác trong gia đình và cộng đồng.

5. Làm thế nào để xác định được trẻ đã bị viêm phổi?

Trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên cho đi khám bác sĩ để được xác định bệnh

Trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên cho đi khám bác sĩ để được xác định bệnh

Do những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh không mấy đặc trưng, do đó để xác định bệnh cho bé, phụ huynh cần cho con tới khám tại các cơ sở y tế uy tín. Ngoài được khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa, trẻ nghi mắc viêm phổi cần được làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết để cho kết quả chẩn đoán bệnh chính xác và phác đồ điều trị phù hợp.

6. Những lưu ý cần biết trong điều trị bệnh viêm phổi cho trẻ

Như đã khẳng định, viêm phổi là bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là bé sơ sinh. Vì thế phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho bé. Mọi thuốc trẻ uống đều cần được chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp cần thiết, trẻ cũng có thể phải nhập viện điều trị để được bác sĩ theo dõi và hỗ trợ kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra: viêm màng não, tràn dịch màng tim, trụy tim…

7. Một số cách phòng ngừa bệnh lý viêm phổi có thể xảy ra ở các bé sơ sinh

Bé sơ sinh với thể trạng còn non, sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh nên cần được phụ huynh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao các biện pháp phòng bệnh viêm phổi:

– Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cần thiết và tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh, do đó bé cần được bú sữa mẹ đầy đủ để có thể trạng tốt nhất chống lại bệnh tật nói chung;

– Không cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh: đến gần bé viêm phổi, hạn chế tới nơi đông người…

– Tiêm phòng đầy đủ và kịp thời đóng vai trò như “tấm khiên” bảo vệ lá phổi còn non của bé sơ sinh. Mẹ nên cho bé tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn y tế.

Trên đây là những thông tin cơ bản phụ huynh nào cũng nên biết về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Mọi thắc mắc hoặc muốn nhận tư vấn thêm về bệnh lý viêm phổi ở trẻ, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được tư vấn giải đáp nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital