Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối luôn là một trong những vấn đề khó trả lời chính xác. Bởi nó có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan. Để tìm hiểu rõ hơn, mời bạn theo dõi kỹ bài viết dưới đây.

1. Điều gì quyết định tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi?

Thời gian sống của những người được chẩn đoán ung thư phổi chỉ có thể xác định sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố sau:

1.1. Loại ung thư phổi và mức độ ác tính

Ung thư phổi bao gồm hai thể là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó hầu hết các trường hợp ung thư phổi đều được chẩn đoán ở thể không tế bào nhỏ. Loại này chiếm khoảng 85% và có đặc điểm là tế bào ung thư phát triển và di căn với tốc độ vô cùng nhanh. 15% còn lại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, là loại ung thư rất ác tính thường phát hiện ở những người hút thuốc lá.

1.2. Khối u phổi đã phát triển đến giai đoạn nào

Mỗi giai đoạn ung thư thể hiện mức độ nghiêm trọng của bệnh với những thông tin về kích thước khối u hay khả năng lây lan của tế bào ung thư. Qua đó cũng cho thấy tình trạng sức khỏe của người bệnh ở thời điểm hiện tại để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất.

1.3. Phương pháp điều trị ung thư

Các phương pháp phẫu thuật triệt căn ung thư nếu có thể thực hiện được thì sẽ giúp kéo dài đáng kể thời gian sống của người bệnh. Bởi khi đó tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu người bệnh không đáp ứng phẫu thuật mà chỉ có thể điều trị bằng hóa trị hay xạ trị thì thời gian sống cũng bị rút ngắn đi.

1.4. Khả năng đáp ứng điều trị, thể trạng của người bệnh

Nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh vẫn ổn định và đáp ứng tốt các phương pháp điều trị được chỉ định thì tiên lượng sống cũng khả quan hơn. Ngược lại, bệnh nhân có sức khỏe yếu sẽ không thể duy trì được lâu dù đã cố gắng cứu chữa bằng nhiều cách.

2. Ung thư phổi giai đoạn cuối có thể sống được bao lâu?

Ung thư phổi giai đoạn cuối là khi các tế bào ung thư đã lan rộng ra ngoài phổi và di căn đến hệ bạch huyết cũng như các cơ quan ở xa như gan, lá lách, xương,…

Sau khi xác định và cân nhắc về các yếu tố ảnh hưởng, tiên lượng của ung thư phổi trong giai đoạn cuối có thể được ước tính như sau:

Ung thư phổi tế bào nhỏ: Thời gian sống trung bình khoảng 20 tháng, tỉ lệ sống trên 5 năm là từ dưới 1% đến 20%.

– Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Thời gian sống trung bình khoảng 6 tháng nếu bệnh nhân không điều trị và khoảng 9 tháng nếu được điều trị. Tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân là 25% nếu ung thư chỉ lan tới hạch bạch huyết và giảm xuống khoảng 4% nếu ung thư di căn xa.

Tiên sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Đến giai đoạn cuối, tiên lượng sống trên 5 năm của người bệnh ung thư phổi rất thấp

3. Điều trị bổ trợ ung thư phổi giai đoạn cuối

Nếu việc điều trị ung thư chỉ bắt đầu được tiến hành ở giai đoạn cuối có nghĩa là người bệnh đã bỏ lỡ thời điểm vàng. Mục tiêu mà bác sĩ hướng đến lúc này không phải là chữa khỏi bệnh mà là giảm thiểu tối đa đau đớn cũng như các triệu chứng gây ra bởi ung thư. Đồng thời làm chậm quá trình di căn để kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

Theo đó, bệnh nhân sẽ được điều trị bổ trợ theo phác đồ mà bác sĩ đã xây dựng và kết hợp với chế độ chăm sóc giảm nhẹ như sau:

3.1. Chăm sóc dinh dưỡng

Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối phải chịu sự tấn công mạnh mẽ của tế bào ung thư ở nhiều vị trí trên khắp cơ thể. Do đó, sức khỏe và hệ thống miễn dịch của người bệnh đều bị suy giảm nghiêm trọng.

Lúc này, người thân và gia đình cần chú ý đến chế độ ăn uống của người bệnh để kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Đó là các loại thực phẩm với hàm lượng đạm dồi dào như thịt, cá, trứng, sữa,… nhưng được chế biến để người bệnh dễ hấp thụ. Đặc biệt, hãy lựa chọn những loại thực phẩm và món ăn mà người bệnh muốn để kích thích vị giác và cảm giác thèm ăn.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Các loại súp, cháo rất được khuyến khích cho người bệnh ung thư phổi vì dễ tiêu hóa

3.2. Chú ý vận động nhẹ nhàng

Dù cơ thể người bệnh ở giai đoạn cuối luôn mệt mỏi nhưng nếu chỉ nằm ì một chỗ sẽ khiến tình trạng ngày càng tệ đi. Trái lại, hãy đưa người bệnh đi dạo và khuyến khích họ thực hiện một số động tác đơn giản và nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp người bệnh cải thiện được sức khỏe và thức đẩy chuyển hóa thức ăn.

3.3. Chăm sóc tâm lý

Tâm lý thoải mái luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, nhất là với người bệnh ung thư. Ngay cả khi bệnh đã bước sang giai đoạn cuối, người bệnh vẫn cần nhận được những lời cổ vũ và động viên từ những người xung quanh. Nếu người bệnh có thể giữ được tinh thần lạc quan cũng như quyết tâm chiến đấu với bệnh tật thì hiệu quả điều trị cũng được hỗ trợ đáng kể theo một cách tích cực.

Tâm lý của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Người bệnh có tâm lý tốt sẽ có khả năng chống lại bệnh tốt hơn

Tóm lại, không nên chỉ nhìn vào tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn cuối để vội vàng bi quan và từ bỏ. Hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ để nhận được những tư vấn và lời khuyên hữu ích bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital