Không chỉ gây nên ung thư cổ tử cung ở nữ giới, HPV còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh sinh dục khác như sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, âm đạo,… ở cả nam và nữ. Để phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý kể trên, chuyên gia y tế khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng chống HPV bằng vắc xin Gardasil 9 cho cả hai giới. Vậy công dụng của loại vắc xin này là gì và chỉ định tiêm như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về vắc xin Gardasil 9.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiêm phòng chống HPV cho cả nam và nữ giới?
HPV (Human Papillomavirus – virus u nhú ở người) là loại virus lây truyền qua đường tình dục hoặc lây khi tiếp xúc qua da giữa người. HPV thường lây lan do sự tiếp xúc giữa da với da, niêm mạc với niêm mạc khi quan hệ. Tuy nhiên, những kiểu tiếp xúc tình dục khác cũng có thể lây nhiễm HPV, thậm chí HPV còn được tìm thấy ở một số trường hợp chưa từng quan hệ tình dục do tiếp xúc chung đồ lót, đồ bơi, khăn tắm,…
Theo nghiên cứu, nam giới có tỷ lệ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời là 91,3 % , còn ở nữ giới là 84,6%. Có thể thấy, virus HPV là loại virus lây nhiễm nguy hiểm đối với cả hai giới.
Có khoảng 100 tuýp HPV, trong đó có 40 loại gây bệnh ở cơ quan sinh dục và 15 loại đặc biệt nguy hiểm. Trong đó:
– Tuýp 16 và 18 là nguyên nhân gây ung thư dương vật ở nam giới, ung thư cổ tử cung ở nữ giới và các loại ung thư vùng đầu, cổ.
– Tuýp 6 và 11 là nguyên nhân gây nên các bệnh sinh dục như sùi mào gà, mụn rộp sinh dục ở cả nam giới và nữ giới.
Vậy nên, dù đã hay chưa quan hệ tình dục, việc tiêm phòng từ sớm cho cả hai giới là vô cùng cần thiết.
2. Tìm hiểu về vắc xin Gardasil 9 – hàng rào bảo vệ HPV cho cả hai giới
2.1. Vắc xin Gardasil 9 có thể phòng được những bệnh gì?
Cụ thể vắc xin Gardasil 9 có thể phòng các chủng HPV: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Đây là 9 chủng HPV gây bệnh thường gặp như:
Ở nữ giới
– Ung thư cổ tử cung.
– Ung thư âm hộ, âm đạo.
– Ung thư hậu môn.
– Một số bệnh ung thư đầu và cổ như ung thư vòm họng, ung thư khoang miệng.
Ở nam giới
– Mụn cóc sinh dục.
– Loạn sản hậu môn.
– Ung thư hậu môn.
– Ung thư dương vật.
– Một số bệnh ung thư đầu và cổ như ung thư vòm họng, ung thư khoang miệng.
2.2. Lịch tiêm phòng chống HPV dành cho vắc xin Gardasil 9
Gardasil 9 là vắc xin được chỉ định tiêm cho nam và nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 để giúp bảo vệ chống lại các bệnh gây ra bởi các chủng virus gây u nhú ở người (HPV).
Đối tượng tiêm từ 9 đến 14 tuổi
Tiêm 2 hoặc 3 mũi tùy vào tình huống của từng người tiêm được xác định bởi bác sĩ tiêm chủng.
– Phác đồ tiêm 2 mũi (thông thường): Mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên từ 6 đến 12 tháng.
– Phác đồ tiêm 3 mũi: Nếu mũi thứ 2 tiêm sớm hơn 5 tháng sau khi tiêm mũi 1, cần tiêm thêm mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 ít nhất 3 tháng. Cần đảm bảo hoàn thành 3 mũi tiêm trong vòng 1 năm.
Đối tượng tiêm từ 15 đến 26 tuổi
Với trẻ từ 15 tuổi trở lên đến khi 26 tuổi sẽ thực hiện phác đồ tiêm 3 mũi cụ thể như sau:
– Mũi tiêm 1: Tiêm lần đầu tiên.
– Mũi tiêm 2: Tiêm cách mũi 1 sau 2 tháng.
– Mũi tiêm 3: Tiêm cách mũi 1 sau 6 tháng.
Trong trường hợp cần hoàn thành liệu trình tiêm chủng sớm, có thể thực hiện phác đồ tiêm nhanh như sau:
– Mũi tiêm 1: Tiêm lần đầu tiên.
– Mũi tiêm 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
– Mũi tiêm 3: Tiêm cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
Để đạt được hiệu quả bảo vệ tốt nhất, hãy chắc chắn tiêm đủ liều vắc xin HPV theo khuyến cáo của bác sĩ.
2.3. Tổng hợp những đối tượng chống chỉ định và thận trọng khi tiêm phòng chống HPV với vắc xin Gardasil 9
Đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin Gardasil 9
– Những trường hợp quá mẫn với các hoạt chất hoặc thành phần của vắc xin được liệt kê trên bao bì.
– Những trường hợp quá mẫn cảm hoặc có phản ứng dị ứng sau khi tiêm một liều Gardasil hoặc Gardasil 9 trước đó.
Đối tượng cần tạm hoãn tiêm vắc xin Gardasil 9
– Phụ nữ đang mang thai hoặc phát hiện mang thai sau khi tiêm 1 – 2 mũi vắc xin Gardasil 9. Mặc dù không có độc tính ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi nhưng cũng chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy tính an toàn ở phụ nữ mang thai. Do đó, cần hoãn lịch tiêm vắc xin cho đến khi kết thúc thai kỳ.
– Những người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
– Những người đang bị sốt trên 38 độ C, cần đợi cho đến khi khỏi bệnh mới tiếp tục tiêm phòng.
3. Những lưu ý sau khi tiêm phòng vắc xin HPV danh cho cả hai giới
Sau khi tiêm, mọi người nên nên ngồi nghỉ ngơi tại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để bác sĩ tiện theo dõi các phản ứng sau tiêm. Sau thời gian này nếu không có gì bất thường thì có thể ra về và sinh hoạt như bình thường.
Khi về nhà, mọi người vẫn nên tiếp tục theo dõi các biểu hiện của cơ thể từ 1 – 2 ngày. Sau khi tiêm vắc xin, người tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ như tình trạng sưng đau tại vị trí tiêm hoặc đau nhức bả vai. Tình trạng này là hoàn toàn bình thường và sẽ tự biến mất sau một vài ngày nên người tiêm không cần quá lo lắng.
Bên cạnh đó, nên hạn chế một số thực phẩm sau để đảm bảo hiệu quả tiêm phòng tốt nhất:
– Các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia hay cà phê có thể gây ức chế miễn dịch, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng và làm cơ thể bị thiếu nước. Ngoài ra, khi uống rượu còn làm quá trình phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin trở nên khó khăn hơn.
– Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm gây hại cho cơ thể. Do đó, sau khi tiêm cần hạn chế những loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn, những đồ chiên rán, dầu mỡ,..
Hy vọng bài viết này có thể mang đến nhiều thông tin hữu ích về vắc xin Gardasil 9 dành cho bạn đọc. Nếu có nhu cầu tìm hiểu thêm về dịch vụ tiêm chủng, khách hàng vui lòng liên hệ tới Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết.