Thủy đậu, viêm màng não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu là 3 bệnh truyền nhiễm gây tổn thương não rất cao. Để có thể phòng ngừa, hạn chế não bộ bị tổn thương thì việc tiêm chủng vaccine sớm là rất quan trọng. Việc tiêm đủ liều và đúng lịch giúp bạn hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cũng như tránh nhiều biến chứng nguy hiểm trong tương lai.
Menu xem nhanh:
1. 3 Bệnh gây tổn thương não – Chớ chủ quan!
1.1. Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến, cách thức lây từ người sang người qua:
– Những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện.
– Dịch tiết của người bệnh một cách trực tiếp.
– Lây gián tiếp qua việc dùng chung những món đồ cá nhân như: bàn chải, khăn mặt, dao cạo râu,… có dính dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bệnh.
Khi bạn nhiễm bệnh sẽ dễ nhận ra bản thân xuất hiện các triệu chứng:
– Mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, thân và các chi.
– Sốt nhẹ, biếng ăn ở trẻ nhỏ.
– Sốt cao, đau đầu lẫn đau cơ, nôn ói ở người lớn.
Nếu không chữa trị đúng cách, bệnh thủy đậu sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó có biến chứng viêm não, viêm màng não. Đây là biến chứng dễ gặp ở người lớn hơn trẻ nhỏ. Các triệu chứng đi kèm gồm:
– Sốt cao.
– Hôn mê.
– Co giật.
– Rối loạn tri giác.
– Rung giật nhãn cầu.
Biến chứng này có thể gây tử vong nên cực kỳ nguy hiểm. Nếu may mắn được cứu sống sau khi biến chứng, người bệnh cũng phải đối diện các di chứng như:
– Bại não.
– Liệt tứ chi.
– Động kinh.
90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân nhiễm virus. Đa số người lớn có tâm lý chủ quan, cho rằng thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, vài ngày rồi khỏi nên phải đối diện với nhiều biến chứng nặng nề.
1.2. Viêm màng não Nhật Bản
Viêm màng não là bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em. Bệnh có tỷ lệ mắc cao vào mùa nóng (từ tháng 5 – tháng 7 bởi đây là thời gian mà muỗi Culex hoạt động nhiều).
Khi nhiễm bệnh và không được phát hiện sớm, có 3 triệu chứng nặng điển hình nhất:
– Sốt cao.
– Co giật.
– Hôn mê.
Đồng thời người bệnh đối mặt với biến chứng lên não, khiến mất khả năng trí nhớ, học tập và khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh. Trẻ dưới 1 tuổi nếu mắc viêm não Nhật Bản thì có nguy cơ cao biến chứng bại não.
Điều trên cho thấy nếu không tiêm chủng vaccine từ sớm thì hậu quả gánh chịu do bệnh tật gây ra là rất nặng nề. Từ đó chất lượng cuộc sống bị giảm đáng kể, Với trẻ em nhỏ tuổi đã mắc bệnh thì ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển trong tương lai.
1.3. Viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não mô cầu – Một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Triệu chứng bệnh thường xảy ra đột ngột, gồm:
– Sốt.
– Đau đầu dữ dội.
– Buồn nôn, nôn.
– Cổ cứng.
– Có ban xuất huyết hình sao.
– Trạng thái lơ mơ và hôn mê.
Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, dễ bùng phát vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có tổn thương não. Đồng thời, bệnh cũng được xếp đứng thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam.
2. Tiêm chủng vaccine – Giải pháp phòng bệnh hiệu quả cao
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu 3 bệnh trên mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Chính vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa tổn thương não từ 3 bệnh lý trên chính là tiêm chủng vaccine. Việc tiêm phòng nên được tiến hành ở cả trẻ sơ sinh, trẻ em và cả người lớn nếu trước đó chưa tiêm.
2.1. Tiêm chủng vaccine phòng thủy đậu
Vaccine phòng thủy đậu có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật, tránh biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ngăn ngừa tổn thương não.
Hiện nay có 3 loại vắc xin phòng bệnh thủy đậu được dùng phổ biến đó là:
– Vaccine Varicella.
– Vaccine Varivax.
– Vaccine Varilrix.
2.2. Tiêm chủng vaccine phòng viêm não Nhật Bản
Vaccine viêm não Nhật Bản đã có từ nhiều thập kỷ và có khả năng kiểm soát bệnh hiệu quả. Hiện Việt Nam đang có 2 loại vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em và người lớn. Gồm:
– Vaccine Imojev.
– Vaccine Jevax.
Đối với vaccine Imojev, trẻ em từ trên 9 tháng tuổi đến người lớn cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 năm
Đối với vaccine Jevax, trẻ em cần tiêm đủ 3 mũi cơ bản trong vòng 3 năm để đạt được hiệu quả cao nhất. Tiêm nhắc lại sau 3 – 4 năm cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Thực tế có rất nhiều ca mắc viêm màng não Nhật Bản do không tiêm đủ liều và đúng lịch. Do đó, để đảm bảo hiệu quả miễn dịch tốt nhất, mọi người cần tiêm đủ mũi và đúng lịch đã được khuyến cáo.
2.3. Tiêm chủng phòng viêm màng não do não mô cầu
Tiêm chủng vaccine là phương pháp đơn giản và an toàn để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Vaccine phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu gồm có 2 loại:
– Vaccine não mô cầu 2 thành phần nhóm huyết thanh B và C: Liều tiêm cơ bản là 2 liều. Liều đầu tiên bắt đầu từ khi trẻ 6 tháng, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 8 tuần.
– Vaccine não mô cầu cộng hợp 4 thành phần nhóm huyết thanh A, C, Y và W: Dành cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi. Bao gồm tiêm 2 liều, liều sau cách liều trước 3 tháng. Với trẻ em từ 2 tuổi trở lên chỉ tiêm 1 liều.
Trên đây là 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn tới biến chứng nặng nề mà bạn không thể chủ quan. Bên cạnh cách phòng tránh trong sinh hoạt, thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ,..thì tiêm chủng vaccine được đánh giá mang lại hiệu quả ngừa bệnh cao. Từ đó đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, an tâm làm việc và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.