Vỗ hóc dị vật là phương pháp quan trọng trong việc hỗ trợ xử lý hóc dị vật, đồng thời, là hình thức sơ cứu cần thiết giúp người bị hóc bảo toàn mạng sống. Vậy, phương pháp này thực hiện ra sao, khi nào áp dụng? Hãy cùng TCI tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này và ứng dụng phù hợp, hiệu quả trong các trường hợp hóc dị vật trong đời sống.
Menu xem nhanh:
1. Giới thiệu chung
Hóc hay hóc dị vật từ lâu đã trở thành thuật ngữ quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta, chỉ tình trạng dị vật xuất hiện bất ngờ trong khu vực đường ăn uống. Tai nạn này gây cảm giác nghẹn vướng, khó nuốt hoặc thậm chí là những phản ứng tiêu cực, cảnh báo nguy hiểm cho tính mạng như:
– Chảy nước dãi
– Đau đớn
– Khó thở
– Không thể nói
– Nôn ói
– Đau ngực
– Da xanh tái, tím tái
– Tắc thở
– Mất ý thức
Hóc dị vật dễ xảy ra với mọi đối tượng, nhưng nhiều hơn cả là với trẻ nhỏ, người già, người có vấn đề về nuốt hoặc nhai, người hay nói chuyện khi ăn…
Các bác sĩ tai mũi họng TCI cũng cảnh báo: Khi dị vật ăn uống trở thành dị vật ở đường thở hoặc đường tiêu hóa, chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, gây viêm nhiễm, đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Trong các tình huống nghiêm trọng, việc sơ cứu tại chỗ là điều cần thiết cho người bị nạn.
Kỹ thuật vỗ hóc dị vật là phương pháp sơ cứu hiệu quả thường được áp dụng trong các tình huống sơ cứu hỗ trợ đẩy dị vật ra khỏi đường thở mà chúng ta cần chú ý. Bởi, đây là cách xử trí quan trọng khi chữa hóc cho trẻ em.
2. Sơ cứu vỗ hóc dị vật
2.1. Khi nào cần vỗ hóc dị vật?
Trong các tình huống hóc thông thường, nếu người bị nạn không gặp vấn đề khó khăn trong việc giao tiếp hoặc hô hấp, nên đến các cơ sở tai mũi họng uy tín gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa soi, gắp dị vật và đảm bảo tránh những biến chứng có thể xảy ra. Với tình trạng hóc dị vật với nguy hiểm ngay trước mắt, khiến người bị nạn đau, vật vã, tức ngực, khó thở, thậm chí là tắc thở, hôn mê, những người xung quanh cần sớm hỗ trợ sơ cứu cho người bị nạn, đồng thời, liên hệ cấp cứu nhanh chóng để phòng ngừa trong các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trong các kỹ thuật sơ cứu hóc dị vật, vỗ hóc dị vật là phương pháp cơ bản, quan trọng. Kỹ thuật này được áp dụng với trẻ nhỏ, các em bé dưới 1 tuổi đổ lại, đang bị hóc với hiện tượng nguy hiểm và được thực hiện bằng cách vỗ lưng.
2.2. Cách vỗ hóc dị vật
Sơ cứu trẻ dưới 1 tuổi bị hóc dị vật đường thở bằng phương pháp vỗ lưng như sau:
– Chuẩn bị:
Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu và cổ được nâng đỡ an toàn. Chúng ta cũng có thể đặt trẻ nằm sấp trên đùi, đầu trẻ hơi hướng xuống dưới, chân ở vị trí cao hơn. Chú ý tay giữ trẻ với lực vừa phải, an toàn để trẻ không ngã.
– Vỗ lưng
Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai bả vai.
Sau đó, kiểm tra xem dị vật đã được loại bỏ qua đường miệng của trẻ hay chưa. Nếu chưa, hãy áp dụng thêm phương pháp ấn ngực cho trẻ.
– Ấn ngực
Lật trẻ nằm ngửa trên cánh tay phải của người sơ cứu.
Dùng hai ngón tay của bàn tay trái ấn mạnh 5 lần vào vùng dưới xương ức (vùng thượng vị) theo hướng từ dưới lên trên.
Trong quá trình thực hiện, hãy kiểm tra và để ý xem dị vật đã ra ngoài chưa.
– Lặp lại kết hợp
Nếu dị vật vẫn chưa ra khỏi khu vực đường thở, trẻ vẫn nguy kịch, hãy tiếp tục thực hiện luân phiên vỗ lưng và ấn ngực. Chúng ta cần thực hiện điều này cho đến khi dị vật rơi ra hoặc trẻ có dấu hiệu hồi phục (ho, khóc, thở bình thường).
2.3. Lưu ý khi thực hiện:
– Cần thực hiện thao tác vỗ lưng và ấn ngực một cách dứt khoát.
– Trong tình trạng trẻ nôn ói, hãy lật trẻ sang một bên để tránh bị sặc.
– Trong tình huống trẻ ngưng thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt để đảm bảo an toàn cho mạng sống của trẻ, sau đó, kết hợp hình thức sơ cứu vỗ lưng ấn ngực loại bỏ dị vật đường thở cho con.
– Trong trường hợp trẻ đã tỉnh táo lại, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng để được bác sĩ kiểm tra tình trạng dị vật, gắp dị vật ra khi cần thiết và phòng ngừa trường hợp dị vật để lại biến chứng.
3. Phòng ngừa hóc dị vật
Quan trọng hơn cả việc điều trị, cha mẹ nên phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ để con an toàn, không lo những vấn đề nguy hiểm từ tình huống tai nạn này xảy ra. Hãy chú ý:
– Kiểm tra kỹ đồ ăn của trẻ trước khi cho trẻ ăn
– Cắt nhỏ thức ăn cho trẻ.
– Tránh để trẻ cầm nắm, chơi với những vật dụng nhỏ, nhất là khi không có sự giám sát, coi sóc của người lớn.
– Luôn để tâm đến trẻ.
– Tập cho trẻ hình thành thói quen nhai kỹ thức ăn.
– Tập ý thức cho trẻ về sự nguy hiểm của những vật nhỏ khi cho vào miệng.
– Nâng cao kiến thức về xử lý hóc dị vật cho bản thân và người trong gia đình.
Kỹ thuật vỗ hóc dị vật là kỹ năng quan trọng mà mọi người nên trang bị cho bản thân. Đây là cách để chúng ta có thể sơ cứu kịp thời khi trẻ gặp tai nạn hóc dị vật. Sau kỹ thuật này, cần nhờ đến sự kiểm tra của các bác sĩ tai mũi họng cho trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ, không lo vấn đề sót dị vật cũng như những biến chứng mà dị vật có thể để lại ở trẻ. Bên cạnh đó, đừng quên cách biện pháp phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ và trách nhiệm nâng cao kiến thức về xử trí hóc của bản thân cũng như các thành viên trong nhà.