Thông liên nhĩ chiếm khoảng từ 5 – 10% các trường hợp tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như rung nhĩ, cuồng nhĩ, tăng áp động mạch phổi, đột quỵ,… Hãy cũng tìm hiểu về dị tật tim bẩm sinh này và cách chẩn đoán, điều trị hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thông liên nhĩ là gì?
Thông liên nhĩ là một dạng bệnh lý tim bẩm sinh liên quan đến sự bất thường ở vách liên thất.
Một quả tim có 4 buồng là nhĩ trái, nhĩ phải, thất trái và thất phải. Bình thường, các buồng tim đều được ngăn cách với nhau bằng các vách ngăn hoặc van. Cụ thể:
– 2 tâm nhĩ được ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ
– 2 tâm thất được ngăn cách với nhau bởi vách liên thất
– 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất ngăn cách nhau bởi các vòng van nhĩ thất
Trong thời kì bào thai, do phổi chưa hoạt động nên vách liên nhĩ chưa đóng kín. Điều này giúp cho một phần máu giàu oxy từ nhĩ phải sang nhĩ trái.
Sau khi sinh, phổi đã hoạt động, áp lực hai bên nhĩ phải và nhĩ trái cân bằng, vách liên nhĩ sẽ được đóng lại.
Tuy nhiên, do khiếm khuyết nào đó, vách liên nhĩ không tự đóng được. Tình trạng này được gọi là thông liên nhĩ. Nguyên nhân vẫn chưa được giải thích rõ nhưng nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng này có sự góp mặt của yếu tố gen và môi trường.
2. Các thể bệnh
Bệnh có bốn thể gồm:
– Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ tiên phát)
– Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (lỗ thứ phát)
– Thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch
– Thông liên nhĩ thể xoang vành
Hầu hết các lỗ thông thứ hai với đường kính nhỏ hơn 8mm có thể tự đóng được trong 2-5 năm đầu đời trong khi các thể khác không thể tự đóng.
3. Triệu chứng
Hầu hết các trường hợp mắc dị tật này không có triệu chứng cho đến tuổi trưởng thành.
Các triệu chứng của bệnh khi biểu hiện thường là:
– Khó thở, đặc biệt khi gắng sức
– Phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi
– Tim đập không đều, đập rất nhanh, hồi hộp
– Tím môi, tím niêm mạc, hiện tượng ngón tay dùi trống
– Khi nghe tim thấy tiếng thổi ở ổ van động mạch phổi
4. Các biến chứng
Nếu không được điều trị, người bệnh gặp phải các biến chứng như:
– Rối loạn nhịp tim: rung nhĩ, cuồng nhĩ
– Hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng
– Đau đầu Migraine: tuy chưa rõ cơ chế nhưng hiện có liên quan đến dòng shunt phải-trái
– Suy thất phải: Khi bị vách liên nhĩ xuất hiện lỗ thông, máu từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Tâm thất phải tiếp nhận thêm một lượng máu trong thời gian dài sẽ giãn ra, gây suy thất phải.
– Đột quỵ não do tắc mạch nghịch thường: khi máu di chuyển từ phải sang trái, các huyết khối từ chi dưới, vùng chậu, các mảnh sùi van tim… có thể theo đó di chuyển, làm tắc mạch não gây đột quỵ ở nhiều mức độ.
5. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng dễ gặp phải ở những tượng sau:
– Có mẹ mắc Rubella: nếu thai phụ mắc bệnh Rubella đặc biệt trong những tháng đầu của thai kì thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc tim bẩm sinh nói chung và thông liên nhĩ nói riêng.
– Người mẹ thường xuyên hút thuốc lá, lạm dụng rượu trong khi mang thai
– Mẹ bị đái tháo đường thai kì, lupus ban đỏ
– Có bố hoặc mẹ bị các bệnh lí tim bẩm sinh
6. Chẩn đoán và điều trị
6.1 Chẩn đoán bệnh thông liên nhĩ
Hiện nay các phương pháp chẩn đoán các bất thường ở vách ngăn liên nhĩ bao gồm:
– Siêu âm doppler tim: giúp xác định được vị trí, kích thước lỗ thông, chiều shunt, mối liên hệ giữa lỗ thông và các cấu trúc xung quanh, áp lực động mạch phổi,…Đây là phương tiện hàng đầu để chẩn đoán bệnh cũng như định hướng điều trị.
– Siêu âm tim qua thực quản: là phương pháp giúp đánh giá chính xác các gờ của lỗ thông, từ đó xác định có can thiệp bít lỗ thông được hay không.
– X-quang ngực: tuy không xác định được các yếu tố liên quan trực tiếp đến dị tật nhưng phương pháp này có thể cho thấy các dấu hiệu gián tiếp như giãn nhĩ phải, giãn thất phải và động mạch phổi, góp phần vào việc chẩn đoán.
– Điện tâm đồ: cho thấy hoạt động của thất phải, block nhánh phải
Trong một số trường hợp, chụp vi tính cắt lớp đa dãy (MSCT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ được thực hiện khi cần thiết giúp xác định hoặc loại trừ những bệnh lí liên quan.
6.2 Các biện pháp điều trị bệnh thông liên nhĩ
Tùy theo đặc điểm tình trạng cụ thể của từng người bệnh mà các hướng điều trị khác nhau. Hiện nay, dị tật bẩm sinh này được điều trị chủ yếu theo nguyên tắc sau:
Đối với các trường hợp chưa ảnh hưởng huyết động, bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị nội khoa, cụ thể là dùng thuốc và thay đổi lối sống. Các loại thuốc được sử dụng giúp giảm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là những trường hợp có biến chứng tăng áp phổi, rối loạn nhịp, suy tim… Thuốc cần được chỉ định và kê đơn bởi bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý thay đổi đơn thuốc hoặc ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.
Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm:
– Cân bằng chế độ dinh dưỡng: đảm bảo đầy đủ các nhóm chất, bổ sung thêm rau củ, ngũ cốc và hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo.
– Tập thể dục: Việc luyện tập thể dục đối với một số bệnh nhân có các biến chứng như loạn nhịp tim, suy tim, tăng áp phổi… cần được tư vấn, hướng dẫn bởi các bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
– Tránh bị viêm nhiễm: Vì bệnh có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp nên bệnh nhân cần theo dõi phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc đúng với kê toa để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Đối với các trường hợp lỗ thông không thể đóng lại hoặc điều trị nội khoa không đáp ứng, bệnh nhân sẽ được thực hiện các biện pháp điều trị khác nhằm bít lỗ thông.
7. Có phòng ngừa được không?
Để tránh các dị tật bẩm sinh nói chung, người mẹ khi mang thai cần:
– Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai
– Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân
– Thực hiện chế độ ăn lành mạnh
– Hạn chế sinh con khi trên 35 tuổi
– Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai
– Kiểm soát tốt đường huyết
– Không hút thuốc lá, uống rượu bia khi mang thai
Hi vọng qua những thông tin trên đây, các bạn đã hiểu hơn về căn bệnh thông liên nhĩ. Chủ động thăm khám định kỳ và theo dõi các dấu hiệu là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm đối với cơ thể.