Ung thư vú là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ tại Việt Nam, chiếm đến 35%. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì ung thư vú có tỷ lệ chữa thành công rất cao. Vây đâu là thời điểm phù hợp để khám sàng lọc ung thư vú dành cho chị em? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư vú từ sớm
1.1. Ý nghĩa của việc khám sàng lọc ung thư vú đối với chị em
Việc khám sàng lọc ung thư vú giúp chị em sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, kể cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Có thể thấy, mục tiêu của những phương pháp sàng lọc này là tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm thư vú, do đó làm tăng tỷ lệ điều trị khỏi và giảm tử vong do ung thư vú.
Hơn nữa, điều trị từ giai đoạn sớm thường ít phức tạp hơn và sẽ ít tốn kém hơn so với ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân cũng có cơ hội lựa chọn các cách thức điều trị ít tác dụng phụ hơn như phẫu thuật bảo tồn mà không cần vét hạch nách, không phải xạ trị…
1.2. Thời điểm vàng để chị em bắt đầu khám sàng lọc ung thư vú
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thời điểm phù hợp để chị em tiến hành sàng lọc ung thư vú như sau:
– Chị em phụ nữ trên 30 tuổi nên bắt đầu thực hiện khám lâm sàng tuyến vú hằng năm.
– Chị em phụ nữ trên 40 tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh định kỳ hằng năm.
Tùy vào thời điểm tiến hành thăm khám và tiền sử bệnh lý của từng người mà những chỉ định khám sàng lọc sẽ khác nhau. Đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các phương pháp sàng lọc hiện đại hơn như chụp cộng hưởng từ tuyến vú, siêu âm vú hằng năm.
2. Các phương pháp khám sàng lọc ung thư vú phổ biến hiện nay
2.1. Tự khám vú tại nhà
Để chủ động phòng ngừa ung thư vú, chị em phụ nữ cũng nên có kiến thức về hình dạng và cảm giác vú khi khỏe mạnh và khi mắc bệnh. Từ đó, có thể tự kiểm tra tại nhà, phân biệt và thăm khám ngay khi có bất kỳ thay đổi nào ở vú.
Cách quan sát hình dạng tuyến vú tại nhà
– Để xuôi tay, sau đó quan sát xem có các thay đổi ở vú như dày lên, thay đổi màu sắc hay có xuất hiện lõm da, u cục hay không. Tiếp đến, đưa tay ra phía sau gáy và quan sát tương tự.
– Chống tay lên hông và đưa vai lên xuống, quan sát các dấu hiệu trên vú như trên.
Cách tự khám tuyến vú tại nhà
– Nắn nhẹ vùng đầu vú xem có dịch chảy ra hay không.
– Sờ nắn kiểm tra từng vùng của vú và hố nách.
– Đưa một tay ra sau gáy, dùng tay còn lại để sờ nắn bên vú có tay đưa sau gáy. Bàn tay nắm 4 ngón sát nhau thành 1 mặt phẳng, ép với lực đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú, theo hướng từ vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài. Làm tương tự với bên còn lại.
2.2. Khám lâm sàng
Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ quan sát hình dạng, kích thước, màu sắc da tuyến vú, núm vú tìm các dấu hiệu bất thường.
Đồng thời sẽ kiểm tra lâm sàng để đánh giá mật độ tuyến vú, phát hiện khối u, đánh giá kích thước, sự di động của khối u nếu có. Từ đó, bác sĩ sẽ có những nghi ngờ và chỉ định những biện pháp sàng lọc tiếp theo.
2.3. Chụp X-quang tuyến vú
Chụp X-quang tuyến vú (hay còn gọi là nhũ ảnh) sẽ giúp tầm soát và chẩn đoán sớm các bất thường trong tuyến vú như:
– Những tổn thương vi vôi, không đối xứng, xáo trộn cấu trúc, vùng tăng đậm độ,…
– Phát hiện khối u tuyến vú và hình ảnh hạch bạch huyết.
Ngoài ra phương pháp này còn giúp bác sĩ đặt kim sinh thiết vào vùng mô bất thường được nghi ngờ ác tính.
2.4. Siêu âm tuyến vú
Siêu âm tuyến vú giúp giúp phát hiện những hình ảnh bất thường của tuyến vú, xác định tính chất của khối u và hạch bạch huyết. Từ những hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết vào những mô bất thường khi nghi ngờ bệnh.
2.5. Chụp cộng hưởng từ tuyến vú
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để ghi lại hình ảnh chi tiết của tuyến vú. Đây là phương pháp chẩn đoán hiện đại, thường được chỉ định khi bác sĩ đã có những nghi ngờ khi khám lâm sàng hoặc các phương pháp khác.
Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ tuyến vú được sử dụng cùng với chụp nhũ ảnh để sàng lọc đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú, bao gồm:
– Có người thân như mẹ, chị hoặc em gái mắc ung thư vú lúc trẻ, trước 40 tuổi.
– Người mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em hoặc con) mắc đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
– Đã từng thực hiện xạ trị vùng ngực trong giai đoạn 10 đến 30 tuổi.
– Mắc hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba hoặc hội chứng Cowden.
2.6. Chọc hút và sinh thiết tế bào
Sinh thiết tuyến vú là phương pháp lấy một phần mô rất nhỏ ở khu vực nghi ngờ ung thư vú để quan sát và phân tích. Phương pháp này thường được chỉ định sau khi bác sĩ khám lâm sàng/ chẩn đoán hình ảnh phát hiện biểu hiện đáng ngờ tại tuyến vú.
3. Những lưu ý quan trọng dành cho chị em trước khi khám sàng lọc ung thư vú
Trước ngày thực hiện sàng lọc ung thư vú, chị em nên lưu ý một số điều sau:
– Tổng hợp các thông tin về triệu chứng gần đây, tiền sử bệnh lý liên quan của bản thân hoặc của gia đình (nếu có),…để cung cấp cho bác sĩ khi thăm khám.
– Đối với danh mục khám cần làm xét nghiệm máu, chị em cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng.
– Để đảm bảo kết quả chẩn đoán hình ảnh được chính xác, chị em không nên bôi kem, sử dụng nước hoa, chất chống khử mùi ở vùng ngực và dưới cánh tay.
– Mặc trang phục thoải mái, hạn chế các phụ kiện hay trang phục cầu kì.
Trên đây là thông tin về thời điểm sàng lọc ung thư vú phù hợp và những lưu ý đi kèm khi thăm khám. Mong rằng chị em đã có cho mình những kiến thức cần thiết để có thể chủ động dự phòng sức khỏe, phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm ung thư vú.