Trong số các bệnh về mắt ở người cao tuổi, thoái hóa hoàng điểm mắt là bệnh phổ biến nhất gây mất thị lực trung tâm và không thể cải thiện được ở những bệnh nhân cao tuổi. Bệnh này tuy không gây cảm giác đau đớn cho bệnh nhân nhưng lại cản trở, làm xáo trộn sinh hoạt thường ngày của họ. Thoái hóa hoàng điểm mắt là bệnh như thế nào? Nguyên nhân do đâu và có thể ngăn ngừa được không? là những câu hỏi rất hay được đặt ra khi nhắc đến căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Thoái hóa hoàng điểm mắt là gì?
Thoái hóa hoàng điểm hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng (Macular Degeneration) là một bệnh lý võng mạc tại vùng hoàng điểm. Bệnh có đặc trưng là sự tổn thương tại lớp tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, gây cản trở việc nhận cảm ánh sáng và hình ảnh, ảnh hưởng đến thị lực trung tâm – vùng thị lực giúp ta nhìn rõ vật thể. Từ đó dẫn đến hiện tượng mắt không thể hoạt động bình thường cũng như không nhìn rõ được các vật xung quanh.
Chính vì tác động trực tiếp tới bộ phận quyết định 90% thị lực của mắt, người bị thoái hóa hoàng điểm thường gặp khó khăn ngay cả trong các hoạt động đơn giản hàng ngày đòi hỏi thị lực tập trung như đọc sách, viết chữ hay điều khiển phương tiện giao thông.
Tỉ lệ người trên 65 tuổi mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm là khoảng 10-12%, nhưng đến độ tuổi trên 75 thì tỉ lệ đó tăng cao hơn rõ rệt, lên tới 30%. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 lần so với nam giới. Bên cạnh đó những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, người có nồng độ cholesterol trong máu cao hay những người hút thuốc lá; thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng là đối tượng dễ mắc bệnh.
Hiện nay độ tuổi người mắc thoái hóa hoàng điểm ngày càng trẻ hóa, Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy ánh sáng xanh từ màn led, điện thoại, máy tính, TV là một trong những tác nhân gây bệnh ở người trẻ.
2. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa điểm vàng mắt
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa điểm vàng, tuy nhiên mỗi đối tượng sẽ có những nguyên nhân cụ thể khác nhau:
2.1 Thoái hóa hoàng điểm mắt ở người già
– Do tuổi tác (hầu hết là ở người trên 60 tuổi): Thoái hóa điểm liên quan đến tuổi tác phổ biến ở người lớn tuổi do sự lão hóa tự nhiên của các tế bào mắt cùng với khả năng chống gốc tự do gây bệnh suy giảm.
– Có thói quen hút thuốc thường xuyên trong thời gian dài
– Gặp một số bất thường trong di truyền
– Bệnh tim mạch
– Huyết áp cao
– Béo phì
– Tiếp xúc, làm việc trong thời gian dài dưới ánh nắng
– Chế độ ăn ít Omega-3
2.2 Thoái hóa hoàng điểm mắt ở người trẻ
– Di truyền: Nếu ai đó trong gia đình bạn mắc bệnh, nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ cũng cao hơn.
– Ánh sáng xanh: Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử mang năng lượng cao, bước sóng ngắn, có khả năng tấn công được vào đáy mắt và gây tổn thương tại các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Tổn thương lâu ngày không được khắc phục sẽ dẫn đến bệnh thoái hóa võng mạc.
– Ngoài ra các nguyên nhân bệnh lý toàn thân như béo phì , tim mạch cũng có thể khiến người trẻ bị thoái hóa hoàng điểm.
3. Dấu hiệu cho thấy thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa hoàng điểm mắt được chia thành 2 loại là dạng khô và ướt. Trong đó thoái hóa điểm vàng ướt có tỉ lệ người mắc thấp hơn nhưng lại gây nên hậu quả mất thị lực ở một mắt nghiêm trọng hơn.
Tuy vậy, cả 2 thể bệnh này đều không gây đau đớn cho người bệnh. Để phát hiện bệnh, người bệnh chỉ có thể đi kiểm tra mắt khi nhận thấy các dấu hiệu sớm đặc trưng như:
– Mờ mắt: Người mắc bệnh khó khăn trong việc phân biệt các đối tượng trong tầm nhìn, cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc sách, trong lúc đọc có thể xảy ra hiện tượng chữ nhòe đi. Bên cạnh đó, lái xe hoặc làm những việc đòi hỏi tính chính xác cao cũng gây khó khăn cho bệnh nhân.
– Mù màu: Nhìn các màu sắc sặc sỡ thấy mờ nhạt, có thể mất hẳn màu, không thấy màu..
– Hình ảnh méo mó: Người bệnh có thể thấy đường thẳng sẽ trở nên lượn sóng hoặc gấp khúc.
– Xuất hiện điểm mù: Xuất hiện điểm mù ngay giữa tầm nhìn và nó có xu hướng lớn dần theo thời gian tùy vào diễn biến bệnh.
– Ảo ảnh: Người bệnh sẽ thấy ảo ảnh lúc ẩn lúc hiện, từ hình ảnh đơn giản cho đến chi tiết. Hiện tượng này thường gặp ở những người thoái hóa điểm vàng bị mất thị lực trầm trọng.
4. Các phương pháp cải thiện và điều trị thoái hóa điểm vàng
Điều đáng buồn là hiện nay không có phương pháp điều trị nào có thể khắc phục những hậu quả do thoái hóa hoàng điểm mắt thể khô gây ra. Người bệnh ở thể này chỉ có thể áp dụng một số giải pháp để cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn như:
– Ngừng hút thuốc.
– Bổ sung chế độ ăn uống với các loại thực phẩm chứa nhiều Omega-3, vitamin A và các dưỡng chất tốt cho mắt như các loại rau củ màu đỏ, cam, tôm, cá, hải sản,…
– Sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất Lutein để trì hoãn quá trình tiến triển bệnh.
– Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng như xơ vữa động mạch, huyết áp cao.
Khác với thoái hóa hoàng điểm thể khô, thoái hóa thể ướt có thể điều trị được với những phương pháp sau:
– Điều trị bằng thuốc: các loại thuốc như Aflibercept, Bevacizumab, Ranibizumab, hoặc Brolucizumab có thể được bác sĩ sử dụng tiêm vào mắt để làm cho các mạch máu mới ngưng rò rỉ.
– Sử dụng liệu pháp quang động học để khép các tân mạch bất thường mà không để lại sẹo sau thực hiện.
– Liệu pháp quang đông sử dụng laser với mục địch phá hủy các tân mạch bất thường để ngăn nguy cơ chảy máu.
– Phẫu thuật: Phương pháp này hiệu quả với một vài dạng thoái hóa điểm vàng thể ướt, tuy nhiên hiếm khi được lựa chọn.
Để có kết quả thăm khám và điều trị thoái hóa hoàng điểm mắt tốt, người bệnh nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín để tránh việc kéo dài bệnh gây biến chứng nặng nề.