Thành túi mật có polyp là bệnh gì? Có phải điều trị không?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Thành túi mật có polyp là một trong những bệnh lý khá phổ biến và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư túi mật. Tuy vậy, polyp túi mật rất ít khi được phát hiện sớm mà thường nhận thấy tình cờ qua siêu âm ổ bụng. Đọc hiểu các kiến thức về bệnh polyp túi mật sẽ giúp người bệnh chữa bệnh hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ gây ung thư.

1. Thành túi mật có polyp là gì?

1.1. Thành túi mật có polyp là gì?

Thành túi mật có polyp là tình trạng xuất hiện các u nhú mọc nhô ra từ lớp cơ trong thành túi mật dưới dạng đơn độc hoặc thành chùm. Đây là bệnh lý khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, hiếm khi gặp ở trẻ em) và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới.

Mặc dù đại đa số các trường hợp polyp túi mật là lành tính, với kích thước nhỏ hơn 10mm, không có triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 8% polyp túi mật tiến triển thành ung thư. Kích thước polyp túi mật thường là giá trị để tiên đoán chúng có chuyển thành ác tính hay không. Kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ gây ung thư túi mật càng cao. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc ung thư là 6% nếu polyp kích thước dưới 10mm và gần 40% ở những polyp có kích thước trên 10mm. Ung thư túi mật là loại hiếm gặp, nhưng khi đã xuất hiện triệu chứng thường là ở giai đoạn muộn và tiên lượng bệnh xấu.

 

Thành túi mật có polyp là tình trạng xuất hiện các u nhú mọc nhô ra từ lớp cơ trong thành túi mật dưới dạng đơn độc hoặc thành chùm.

Thành túi mật có polyp là tình trạng xuất hiện các u nhú mọc nhô ra từ lớp cơ trong thành túi mật dưới dạng đơn độc hoặc thành chùm.

1.2. Các loại polyp trên thành túi mật

Theo tính chất và nguyên nhân gây bệnh, người ta chia polyp túi mật thành 5 dạng chính:

– Polyp cholesterol: Đây là dạng polyp bắt nguồn từ việc tăng sản xuất quá mức cholesterol và triglycerides ở lớp biểu mô túi mật. Chúng có đường kính khác nhau từ 2-10mm, lành tính, ít khi gây triệu chứng và chiếm đa số các trường hợp bị polyp (khoảng trên 60%).

– Polyp viêm: Đây là dạng polyp đơn độc, có kích thước từ 5-10mm, chiếm khoảng 10% các trường hợp mắc polyp túi mật. Chúng bao gồm các mô hạt, mô xơ kết hợp với các tế bào viêm và thường liên quan đến bệnh lý viêm túi mật mạn tính.

– U cơ tuyến túi mật: đây là loại phổ biến thứ hai, chiếm khoảng 25% các trường hợp bệnh. Chúng hình thành bởi sự phát triển không rõ nguyên nhân của lớp niêm mạc, sự phì đại của lớp cơ thành túi mật tạo nên các túi thừa. Dạng polyp này thường nằm ở đáy túi mật, mọc đơn độc và có kích thước từ 10-20mm. U cơ tuyến túi mật thường là lành tính nhưng lại có nguy cơ phát triển thành ung thư.

– U tân sinh: đây là dạng polyp tiền ác tính, hiếm gặp (khoảng 5% các trường hợp bệnh). Chúng có kích thước từ 5-20mm và thường mọc đơn độc. Đặc biệt, nếu polyp có kích thước lớn hơn 12mm đa phần chứa các tế bào ung thư và lớn hơn 18mm có nguy cơ di căn.

– Các dạng polyp khác hiếm gặp như ung thư từ nơi khác di căn đến túi mật, mô dị hình, u tế bào vảy,…

2. Triệu chứng polyp túi mật

Polyp túi mật phát triển thầm lặng, thường không gây triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Trên thực tế, bệnh được phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm kiểm tra vùng bụng vì một lý do khác. Chỉ có khoảng 5-7% polyp túi mật có thể khiến người bệnh cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, nôn và đau vùng thượng vị thường xuyên. Nguyên nhân do các mảnh của polyp bị bong ra, di chuyển trong đường dẫn mật, làm trở sự lưu thông của dịch mật, ứ trệ dịch mật và gây viêm túi mật cấp tính. Một số triệu chứng khác tương tự như sỏi mật bao gồm: đau vùng hạ sườn phải kèm theo buồn nôn, ăn uống chậm tiêu, vàng da…

3. Nguyên nhân thành túi mật có polyp

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân gây polyp túi mật. Tuy nhiên, các các chuyên gia y tế đã xác định căn bệnh này có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố bao gồm:

– Chế độ ăn uống có hàm lượng chất xơ thấp hay thường xuyên dung nạp một lượng lớn chất béo, cholesterol vào cơ thể.

– Những người có chức năng gan kém, nồng độ đường huyết, mỡ máu cao.

– Những người bị béo phì, thừa cân.

– Những người có tiền sử mắc các bệnh lý sỏi mật, viêm đường mật nguyên phát.

– Những người trên 50 tuổi.

4. Thành túi mật có polyp có nguy hiểm không?

Có khoảng 92% các trường hợp polyp túi mật là lành tính, không gây nguy hiểm hay làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Số ít còn có thể gây ra những biến chứng cấp tính như rối loạn tiêu hóa, ứ trệ dịch mật, viêm đường mật, viêm túi mật…. Và nguy hiểm nhất là nguy cơ tiến triển thành ung thư túi mật. Những trường hợp polyp túi mật có khả năng phát triển thành ác tính cao như:

– Một polyp túi mật có chân rộng (polyp không cuống).

– Polyp túi mật có đường kính lớn từ 10mm trở lên.

– Polyp túi mật đường kính nhỏ nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp).

– Polyp phát triển nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng thêm về kích thước cũng như số lượng trong một thời gian ngắn.

– Polyp phát triển ở người trong độ tuổi trên 50.

– Polyp xuất hiện ở người viêm xơ đường mật nguyên phát hoặc sỏi túi mật.

– Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật mạn tính.

Vì vậy, để ngăn ngừa polyp gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh cần theo dõi sát dấu hiệu, triệu chứng bệnh cũng như sự phát triển của polyp túi mật.

Tìm hiểu về vấn đề thành túi mật có polyp

Polyp túi mật có nguy cơ tiến triển ác tính gây ung thư túi mật

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị polyp túi mật

5.1. Chẩn đoán thành túi mật có polyp

Một số chỉ định xét nghiệm giúp chẩn đoán túi mật có polyp là:

– Siêu âm ổ bụng: xác định kích thước, vị trí và hình dạng polyp ( có cuống hoặc không có cuống). Tuy nhiên, phương pháp này không xác định được polyp lành tính hay ác tính.

Chụp cắt lớp vi tính: thực hiện trong trường hợp nghi ngờ polyp kích thước lớn có nguy cơ ác tính. Phương pháp này cho kết quả chẩn đoán chính xác gần 90%.

Chụp cộng hưởng từ MRI: được chỉ định khi nghi ngờ polyp túi mật ác tính.

– Các xét nghiệm sinh hóa: xét nghiệm đánh giá chức gan mật, chức năng thận, test virus viêm gan,..

5.2. Điều trị thành túi mật có polyp

Kích thước, số lượng và hình thái polyp túi mật là căn cứ để chỉ định điều trị bảo tồn (siêu âm theo dõi, thay đổi chế độ ăn uống, lối sống,..) hoặc phẫu thuật cắt túi mật.

Điều trị bảo tồn:

Do không có thuốc điều trị polyp túi mật nên với những polyp có kích thước nhỏ hơn 10mm và không có triệu chứng sẽ được chỉ định siêu âm theo dõi định kỳ. Đồng thời kết hợp với các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Châu Âu, người bệnh cần theo dõi định kỹ trong các trường hợp:

– Polyp kích thước <5mm và không kèm các yếu tố nguy cơ các tính: siêu âm định kỳ 12 tháng/lần.

– Polyp kích thước <5mm nhưng kèm theo các yếu tố nguy cơ: siêu âm định kỳ từ 6-12 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm không xuất hiện các yếu tố nguy cơ: siêu âm định kỳ từ 6-12 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm, chưa xuất hiện triệu chứng nhưng có kèm theo các yếu tố nguy cơ: siêu âm theo dõi chặt chẽ định kỳ 3 tháng/lần.

Thành túi mật có polyp nguyên nhân do đâu, cách điều trị như thế nào

Siêu âm theo dõi định kỳ với những trường hợp polyp túi mật kích thước nhỏ hơn 10mm

Điều trị phẫu thuật:

Thành túi mật có polyp được chỉ định phẫu thuật khi:

– Polyp túi mật xuất hiện triệu chứng gây đau, sốt, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn,… thường xuyên.

– Người bệnh có polyp túi mật kích thước từ 10mm trở lên.

– Người bệnh có polyp túi mật xuất hiện cùng sỏi mật.

– Người bệnh có đa polyp túi mật.

– Người bệnh có polyp túi mật xuất hiện các yếu tố nguy cơ ác tính: Polyp phát triển nhanh về kích thước, số lượng; polyp có chân lan rộng không nhìn thấy cuống; polyp có hình dáng bất thường, bề mặt cắt xẻ, xù xì,…

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi đang là “tiêu chuẩn vàng” để điều trị polyp túi mật. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm hại, ít đau, nhanh hồi phục và hầu như không gây các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa do dịch mật từ gan được đổ thẳng trực tiếp xuống ruột non. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ mất dần đi sau khi cơ thể người bệnh thích ứng được với sự thay đổi này.

6. Chế độ dinh dưỡng có người bị polyp túi mật

Chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý giúp người bệnh kiểm soát được sự phát triển của polyp túi mật hiệu quả.

Người bệnh nên:

– Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả, trái cây (đặc biệt là các loại hoa quả giàu vitamin B, C, D, E),… để cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe gan – mật, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và hạn chế nguy cơ phát triển của polyp túi mật.

– Sử dụng các loại chất béo không no có nguồn gốc từ động và thực vật  như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân, hạt óc chó, cá hồi, cá mòi, cá trích,…

– Bổ sung thực phẩm giàu protein như các loại cá biển, thịt lợn nạc, thịt gà bỏ da, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt,…

Người bệnh không nên:

– Sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hòa như mỡ, nội tạng động vật, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh,…

– Sử dụng thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo, đường và tinh bột tinh chế như nước ngọt, các loại bánh,…

– Sử dụng rượu, bia và các đồ uống có chất kích thích khác.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên duy trì tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, đảm bảo ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái và lạc quan, tránh cắng thẳng hay stress… để tăng cường sức khỏe và hạn chế polyp túi mật phát triển.

Thành túi mật có polyp là một bệnh lý khá phổ biến và có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi. Phần lớn các trường hợp bệnh là vô hại nhưng vẫn tồn tại tỷ lệ nhỏ polyp túi mật tiến triển ác tính. Do đó, hiểu và nắm rõ tình trạng bệnh là điều cần thiết giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital