Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ nổi mẩn đỏ khiến nhiều phụ huynh lo lắng liệu trẻ có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe không? Vậy nguyên nhân tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ? Mời quý phụ huynh tham khảo một số thông tin dưới đây?

1. Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ ?

Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ là vấn đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm

Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ là vấn đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm

Trẻ nổi mẩn đỏ có nhiều nguyên nhân: do virus, vi khuẩn, bụi, chất độc, dị ứng,…. dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất về tình trạng mẩn đỏ

1.1. Mẩn đỏ do virus và vi khuẩn

Virus và vi khuẩn là những tác nhân nguy hiểm gây nên nhiều bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ kèm theo triệu chứng nổi mẩn đỏ:
Mẩn đỏ do bị bệnh ban đào: Đây là bệnh đường hô hấp gây ra do virus và chủ yếu gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi nhiễm bệnh, trẻ thường bị sốt cao trong khoảng một tuần và chuyển sang giai đoạn ban đỏ khắp người.

Mẩn đỏ do bệnh tinh hồng nhiệt: Đây là bệnh gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus nhóm A khiến trẻ nổi mẩn và sốt toàn thân. Ngoài ra, trẻ còn có triệu chứng nhức đầu, mỏi cơ, nôn ói,..

Mẩn đỏ do bệnh tay chân miệng: Bệnh lý này phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường kèm theo triệu chứng đau họng, sốt, bỏ ăn,…Tay chân miệng diễn biến theo 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu dấu hiệu chính là sốt cao. Bước sang giai đoạn tiếp theo, trẻ ngừng sốt và chuyển sang mẩn đỏ, phát ban toàn thân và cuối cùng các mẩn đỏ hình thành nên mụn nước khiến trẻ khó chịu.

Trẻ mẩn đỏ do nhiễm khuẩn thường gặp nhất khi trẻ bước vào tuổi tập đi, gây ra bởi virus Parvovirus B19. Mẩn đỏ ban đầu xuất hiện ở má và lan xuống thân, mông và cuối cùng là chân tay.

Trẻ mẩn đỏ do thủy đậu. Thủy đậu do virus Varice gây nên với triệu chứng ban đầu là các mụn nước trên da, sốt cao và cơ thể mệt mỏi.

Khi gặp phải tình trạng mẩn đỏ kèm theo các biểu hiện bất thường như sốt, phát ban có mủ, mụn, trẻ khó chịu, quấy khóc và nôn trớ,… cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời. Các nguyên nhân mẩn đỏ do virus, vi khuẩn đều là tín hiệu xấu đối với sức khỏe và có thể đe dọa tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào, cha mẹ cần đặc biệt thận trọng quan sát triệu chứng khi chăm sóc trẻ.

1.2. Các sản phẩm chăm sóc da

Không phủ nhận những sản phẩm chăm sóc da trẻ em hiện nay vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên không phải lúc nào thành phần trong những sản phẩm này cũng hoàn toàn phù hợp với trẻ em.

Kem chống nắng cho trẻ giúp ngăn ngừa các tia cực tím, tia UV có hại cho da nhưng một số công thức kem có thể khiến trẻ bị mẩn đỏ. Theo lời khuyên từ nhiều chuyên gia, trẻ em dưới 6 tháng tuổi chỉ nên tiếp xúc với ánh sáng buổi sớm trước 8h để được cung cấp vitamin D.

Một số loại xà phòng tắm, kem đánh răng hay sữa tắm có thể chứa triclosan. Chất này sẽ khiến trẻ bị phát ban khi tiếp xúc và gây mẩn khắp cơ thể. Chính vì thế, với trẻ nhỏ, hãy ưu tiên các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và không có phụ gia, nguyên liệu hóa chất để sử dụng cho trẻ.

Ngoài ra, kem dưỡng da không phù hợp, các sản phẩm khăn ướt hay thậm chí nước giặt, nước xả vải cũng là nguyên nhân khiến trẻ gặp phải các kích ứng và mẩn đỏ.

Các sản phẩm chăm sóc da có thể gây kích ứng khiến trẻ nổi mẩn đỏ

Các sản phẩm chăm sóc da có thể gây kích ứng khiến trẻ nổi mẩn đỏ

1.3. Không gian sống chứa các dị nguyên gây kích ứng da

Không phải ngẫu nhiên phòng của trẻ luôn cần phải sạch sẽ, lau bụi và không nên có quá nhiều đồ. Bụi bẩn có thể bám lại trên bề mặt nếu không được lau dọn thường xuyên. Quá nhiều đồ đạc có thể tạo môi trường thuận lợi để bụi bám và ẩm mốc phát triển. Các tác nhân này có thể khiến da trẻ bị kích ứng và nổi mẩn.

2. Cách xử lý đúng khi trẻ bị nổi mẩn đỏ

Nổi mẩn đỏ ở trẻ do rất nhiều nguyên nhân bao gồm cả những nguyên nhân thông thường và những nguyên nhân bệnh lý. Tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ quá lo lắng và kiêng khem kỹ cho trẻ. Thực tế, theo khuyến cáo từ các chuyên gia chăm sóc trẻ em, việc kiêng khem quá kỹ này phần lớn sẽ khiến tình trạng của trẻ thêm trầm trọng hơn. Vậy để chăm sóc đúng cách khi trẻ bị mẩn đỏ, cha mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:

2.1. Không nên thực hiện những điều sau

– Không tắm quá kỹ cho trẻ. Bởi làn da của trẻ vốn rất nhạy cảm nên chỉ cần lau rửa nhẹ nhàng hoặc sử dụng khăn ẩm lau da cho bé để tránh đọng mồ hôi bụi bẩn và hạn chế tối đa sự kích ứng da.

– Trong trường hợp nổi mẩn kèm mụn, cha mẹ khi vệ sinh phải hết sức nhẹ nhàng và tuyệt đối không nặn mụn hoặc làm vỡ. Lý do bởi các vùng này da bị tổn thương và rất dễ nhiễm trùng.

– Không tự ý thoa kem, bôi thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trên thị trường, mỗi loại thuốc bôi da đều có công dụng và có độc tố riêng. Khi tự tiện sử dụng cho trẻ, có thể bạn sẽ vô tình khiến trẻ nhiễm độc và rơi vào nguy kịch.

– Khi da bé bị mẩn đỏ, không nên tiếp tục sử dụng các hóa mỹ phẩm tắm rửa cho trẻ vì có thể khiến tình trạng mẩn đỏ trở nên nặng hơn.

2.2. Ghi nhớ những điều nên làm khi chăm sóc trẻ bị nổi mẩn

Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát là cách giúp trẻ tránh bị mẩn đỏ và nhiễm bệnh

Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát là cách giúp trẻ tránh bị mẩn đỏ và nhiễm bệnh

Ngoại trừ những điều không nên nêu trên thì những điều nên làm dưới đây cha mẹ cần ghi nhớ:

– Vệ sinh bằng cách tắm nhanh hoặc dùng khăn ẩm lau cho bé. Với trẻ sơ sinh, sau ăn hoặc bú mẹ cần vệ sinh miệng sạch sẽ.

– Tạo không gian thoáng và có nhiệt độ phù hợp cho trẻ. Phòng của trẻ không quá nóng, không quá lạnh và không quá ẩm.

– Quan sát để tránh bé tự ý cào, gãi lên vùng mẩn đỏ khiến da trầy xước.

– Lựa chọn trang phục có chất liệu thoáng mát cho trẻ để tránh cảm giác khó chịu khi vải chạm vào vùng mẩn đỏ.

– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó ưu tiên các loại nước trái cây, sữa và đồ uống có tính mát, vitamin C giúp trẻ tăng cường đề kháng tự nhiên.

– Trong trường hợp trẻ bị mẩn đỏ toàn thân kèm các biểu hiện bất thường, ngoài những hướng dẫn chăm sóc trên, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là nhanh chóng đưa trẻ tới chuyên khoa nhi để thăm khám và điều trị kịp thời nhất.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây, cha mẹ sẽ có thêm kiến thức về vấn đề tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ và có những cách xử lý đúng nhất, đảm bảo an toàn nhất cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital