Siêu âm thai 3 tháng đầu là cột mốc quan trọng trong quá trình mang thai, bởi đây là lúc thai nhi trong bụng mẹ đang có sự phát triển mạnh mẽ về hình thái lẫn cơ quan nội tạng bên trong và có thể phát hiện các dị tật sớm quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao mẹ bầu cần siêu âm thai 3 tháng đầu?
Siêu âm là một trong những kiểm tra quan trọng trong thai kỳ chứ không riêng trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đối với siêu âm 3 tháng mang thai đầu tiên thì sẽ giúp mẹ bầu biết được những thông tin dưới đây:
– Đảm bảo chắc chắn mình đã mang thai, thai đang làm tổ đúng vị trí hay thai ngoài tử cung, số lượng thai là đơn thai hay đa thai.
– Biết được tuổi thai để dự kiến ngày sinh nở.
– Chẩn đoán nguy cơ dị tật bẩm sinh sớm có thể xuất hiện ở thai nhi như hội chứng Down, Trisomy 18, Patau… Việc phát hiện sớm những dị tật này sẽ giúp mẹ và bác sĩ lường trước được nguy cơ, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất.
Tuy nhiên, ở tam cá nguyệt thứ nhất thì kết quả siêu âm chưa thể dự đoán được một số dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khác như nứt đốt sống. Một số dị tật phải chờ đến siêu âm ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 mới có thể phát hiện được.
Nhìn chung siêu âm thai 3 tháng đầu rất quan trọng, đặc biệt là đối với những đối tượng sau:
– Kinh nguyệt hàng tháng không đều dẫn đến việc khó xác định ngày dự sinh. Căn cứ vào sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu đặc biệt vào tuần thai thứ 12, bác sĩ có thể đưa ra ngày dự sinh chính xác nhất cho mẹ bầu.
– Đã từng sảy thai, thai kỳ nguy cơ cao.
– Trường hợp nghi ngờ mình bị thai ngoài tử cung.
2. Mẹ cần chuẩn bị gì khi đi siêu âm thai lần đầu tiên?
Siêu âm thai ở tam cá nguyệt thứ nhất sẽ khiến nhiều mẹ lo lắng không biết mình nên chuẩn bị gì, đặc biệt với những phụ nữ đang mang thai lần đầu tiên. Khi đi thăm khám hoặc siêu âm phụ nữ mang thai nên lựa chọn cho mình những bộ quần áo rộng rãi, thoáng, không quá bó sát, khó kéo, khó cởi, đặc biệt là những loại áo và quần dính liền nhau sẽ ảnh hưởng đến việc siêu âm, bởi thai phụ sẽ được yêu cầu vén áo và lộ vùng bụng để thực hiện siêu âm dễ dàng hơn.
Trong quá trình siêu âm thai mẹ bầu có thể thấy khó chịu, hơi tức bụng một chút khi đầu dò siêu âm rà trên thành bụng tuy nhiên việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé nên mẹ bầu yên tâm nhé. Thời gian siêu âm của mẹ thường khoảng 5-10 phút tùy vào vị trí nằm của thai nhi có thuận lợi cho việc quan sát hay không. Với một số trường hợp mang đa thai hoặc thai kỳ phát hiện dấu hiệu bất thường thì có thể thời gian siêu âm sẽ sẽ lâu hơn.
3. Siêu âm thai nhi 3 tháng đầu thường được diễn ra như thế nào?
Siêu âm thai là một dạng chẩn đoán y khoa không xâm lấn, nguyên lý hoạt động dựa trên việc sử dụng sóng âm để nắm bắt được hình ảnh của con yêu trong bụng cũng như tình trạng hiện tại của nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác. Siêu âm là một phương pháp kiểm tra hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ biết được những thay đổi hay dấu hiệu bất thường của thai kỳ.
Hiện nay phương pháp siêu âm 2D được sử dụng phổ biến nhất. Bên cạnh đó với sự phát triển của y học hiện đại, công nghệ siêu âm 5D ra đời đã cho phép mẹ và bác sĩ ghi lại được những hình ảnh sắc nét hơn về thế giới quan của con yêu trong túi ối, từ những cái nhếch mép, chu môi, cau mày… điều mà các công nghệ siêu âm khác không làm được.
4. Mẹ bầu cần làm gì nếu kết quả siêu âm có vấn đề?
Thai nhi khỏe mạnh, phát triển bình thường là điều mà tất cả các bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn. Tuy nhiên nếu kết quả siêu âm cho thấy thai nhi có sự bất thường thì mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng. Bác sĩ có thể chỉ định cho mẹ thực hiện vài xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu để khẳng định lại nguy cơ và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Ví dụ như nếu phát hiện thai ngoài tử cung bác sĩ sẽ đề nghị chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp nội khoa hoặc phẫu thuật nội soi, mổ hở nhằm tránh nguy hiểm tới tính mạng người mẹ. Hoặc nếu kết quả cho thấy bé có nguy cơ mắc bệnh Down bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm gai nhau, chọc ối… để xem xét.
3 tháng đầu là thời kỳ nhạy cảm nhất trong thai kỳ, vì thế để hai mẹ con được khỏe mạnh, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
– Tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Tránh việc đi khám quá sớm hay quá muộn theo mốc tuần thai bởi sẽ khó cho việc phát hiện tình trạng bất thường ở cả hai mẹ con.
– Khám thai trong 3 tháng đầu mẹ sẽ được kiểm tra và sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12. Việc này sẽ giúp thai phụ phát hiện sớm những dị tật thai nhi, những bất thường này có thể rất nguy hiểm và cần can thiệp sớm.
– Khi mới mang thai, việc phân biệt tình trạng máu ra ở âm đạo do bất thường thai kỳ với dấu hiệu kinh nguyệt là vô cùng quan trọng. Đôi khi 2 tình trạng này thường nhầm lẫn với nhau do chị em không biết mình mang thai. Ra máu âm đạo ở giai đoạn đầu thai kỳ thường là do vỡ thai ngoài tử cung, sảy thai,…
– Siêu âm cũng sẽ giúp phát hiện một số bệnh lý tuyến giáp trong tam cá nguyệt đầu tiên. Giúp mẹ tránh những rủi ro nguy hiểm trước, trong và sau khi sinh.
Như vậy siêu âm thai 3 tháng đầu khá quan trọng trong việc theo dõi sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên mẹ bầu không nên lạm dụng thực hiện siêu âm quá nhiều mà chỉ cần theo đúng chỉ định của bác sĩ là đủ.