Suy giảm nhận thức là tình trạng giảm một hoặc nhiều khả năng nhận thức bao gồm trí nhớ, suy nghĩ, tính toán, lĩnh hội,… Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về chứng bệnh này và có biện pháp khắc phục kịp thời qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Suy giảm nhận thức là gì?
Nhận thức bị suy giảm là giai đoạn trung gian giữa quá trình lão hóa của tuổi tác và bệnh sa sút trí tuệ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ảnh hưởng của tuổi tác hoặc các bệnh lý gây tác động lên não bộ khiến các hoạt động của não bộ bị suy giảm.
2. Triệu chứng của bệnh
Càng lớn tuổi, trí nhớ sẽ ngày càng kém đi, biểu hiện là chúng ta sẽ mất thời gian nhớ lại hoặc suy nghĩ về một sự vật hay sự việc nào đó.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy nhận thức bị suy giảm:
– Quên mất các cuộc hẹn hoặc sự kiện đã được lên lịch trước
– Không thể tập trung vào một cuộc trò chuyện, lơ đãng khi đọc sách hoặc xem phim
– Gặp khó khăn trong việc trình bày vấn đề, đưa ra quyết định hay phán đoán một sự việc
– Viết và nói khó khăn hơn, lặp đi lặp lại một câu hỏi, kể một câu chuyện nhiều lần,…
– Tình trạng hay quên ngày một nặng
– Quên đường xá và địa chỉ, thậm chí là những nơi rất quen thuộc
– Mất phương hướng và trở nên bốc đồng hơn
– Trầm cảm, lo âu , thờ ơ với thế giới xung quanh
– Thái độ hung hăng, cáu kỉnh, hay giận dỗi, khó chịu
3. Nguyên nhân gây bệnh và yếu tố nguy cơ
Tình trạng suy giảm nhận thức duy trì ổn định trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh Alzheimer, một số loại bệnh mất trí khác hoặc có thể cải thiện được tình trạng theo thời gian. Tình trạng này thường phát sinh từ một vài thay đổi trong não bộ bao gồm: đột quỵ nhỏ, lưu lượng máu qua mạch máu não bị giảm, vùng hippocampus (vùng não quan trọng đối với bộ nhớ) teo lại,…
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhận thức bị suy giảm gồm: tuổi tác, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, lượng cholesterol cao, hút thuốc lá, trầm cảm, lười vận động hoặc ít tham gia các hoạt động xã hội.
4. Lời khuyên của chuyên gia
Điều trị phòng ngừa và điều trị gia tăng nhận thức có vai trò quan trọng nhất đối với chứng suy giảm nhận thức.
4.1 Quan tâm đến sức khỏe và tinh thần
Các chuyên gia khẳng định chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và lối sống lành mạnh có thể ngăn chặn các yếu tố nguy cơ. Một số lưu ý về chế độ ăn uống hàng ngày mà bạn nên ghi nhớ gồm:
– Xây dựng một chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau củ, ít chất béo để tăng sức khỏe cho não bộ. Các thực phẩm có thể kể đến như: cải xoăn, bông cải xanh, súp lơ, cần tây, cam, quýt, ổi, kiwi,…
– Ăn nhiều các thực phẩm chứa omega-3 vì omega-3 giúp tăng cường sự truyền tải dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh, có vai trò quan trọng trong điều khiển các hoạt động như nhận thức, trí nhớ, tâm trạng, giấc ngủ,… của não bộ và cơ thể. Các thực phẩm giàu omega-3 là cá thu, cá hồi, cá trích, dầu cá, hàu,…
– Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ. Vì vậy, hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để vận động cơ thể. Các môn thể thao được khuyến khích là: đi bộ, thể dục nhịp điệu, đạp xe,…
– Tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp người bệnh tiếp thu và học hỏi được nhiều điều mới, giúp cải thiện trí nhớ.
– Thiền hoặc yoga có thể cải thiện được tình trạng đầu óc căng thẳng. Một vài vận động nhẹ nhàng trong lúc nghỉ giải lao cũng giúp lưu thông tuần hoàn máu và giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.
4.2 Cải thiện tâm lý
Khi nhận thức bị suy giảm, người bệnh sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc. Vì vậy, bạn nên tránh làm nhiều công việc một lúc hoặc làm nhiều hoạt động nối tiếp nhau. Tốt nhất bạn nên có thời gian nghỉ ngơi khi hoàn thành một công việc. Đặc biệt, hãy dành thời gian cho những chuyến đi giao lưu, hẹn hò với bạn bè để giải tỏa căng thẳng và có nhiều năng lượng hơn.
Người mắc chứng bệnh này thường tin vào những thứ không chính xác hoặc nghĩ phức tạp hơn. Họ cũng sao nhãng hoặc hay quên trong công việc. Vì vậy, hãy luôn hòa đồng với những người xung quanh, đồng nghiệp để tránh những mâu thuẫn xảy ra.
Một vài triệu chứng như hay quên, hành động lặp đi lặp lại, mất ngủ,… sẽ khiến cho người bệnh mất kiên nhẫn. Một vài hoạt động như uống trà, xem ảnh gia đình, ra ngoài đi dạo,… có thể giúp người bệnh bình tĩnh lại.
4.3 Rèn luyện trí não có thể cải thiện chứng suy giảm nhận thức
Người bệnh hãy lên kế hoạch và lịch trình cho các công việc và hoạt động hàng ngày. Ghi lại các thông tin cần thiết cũng là một cách để củng cố và rèn luyện trí não.
Bên cạnh đó, học một ngôn ngữ mới, học vẽ tranh, học nấu ăn, chơi nhạc cụ, cờ vua, cờ tướng, giải câu đố,…. sẽ giúp tăng cường trí nhớ và cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ.
Ngoài ra, nghe nhạc cũng là cách để thúc đẩy sự dẻo dai của thần kinh. Nghe nhạc có thể giảm bớt cảm xúc tiêu cực và cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó, ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh.
4.4 Ngủ đủ giấc có thể phòng ngừa suy giảm nhận thức
Ngủ đủ giấc và ngủ ngon sẽ cải thiện được sức khỏe của não bộ. Người trưởng thành cần ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày và có giờ giấc sinh hoạt khoa học. Thức đêm hoặc ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến tình trạng đầu óc không tỉnh táo, không thể tập trung vào công việc, làm giảm khả năng ghi nhớ, dần dần dẫn đến trí nhớ bị giảm sút.
Bên cạnh đó, bạn hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời.