Sức hủy diệt của dịch bạch hầu và sự ra đời, giá trị của vacxin

Tham vấn bác sĩ

Dịch bạch hầu từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong lịch sử suốt hàng nghìn năm. Đây được xem là một trong những căn bệnh có sức lây lan và hủy diệt khủng khiếp. Rất may mắn, vào giai đoạn dịch bệnh bùng phát cực mạnh ở châu Âu, châu Mỹ, vacxin bạch hầu đã được sản xuất thành công, đem lại giá trị lớn cho nhân loại.

1. Điểm danh 4+ đợt dịch bạch hầu lớn trên thế giới

Theo Daily Mail, “Cha đẻ của nền y học” Hippocrates là người đầu tiên mô tả về bệnh bạch hầu từ thế kỷ V TCN. Một số tài liệu y học cũng nhắc đến nỗi kinh hoàng mà bệnh gây ra ở Ai Cập cổ đại và Syria. Điều này cho thấy bệnh bạch hầu đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước. Cho đến thế kỷ 18, sức hủy diệt của bạch hầu đã được minh chứng cụ thể bằng số liệu.

1.1. Đại dịch bạch hầu ở châu Âu, châu Mỹ thế kỷ 17, 18, 19

Từ thế kỷ 17, một đợt dịch bạch hầu ở châu Âu đã bùng phát dữ dội, kéo dài đến thế kỷ 18, cướp đi sinh mạng vô số người.

– Năm 1613, dịch bạch hầu đầu tiên ở Tây Ban Nha được ghi nhận với tên gọi “El Año de los Garotillos”. Với tốc độ lây lan chóng mặt, nó nhanh chóng tạo thành đại dịch ở châu Mỹ.

– Năm 1659, dịch bùng phát ở Boston, Mỹ, lấy đi tính mạng của nhiều trẻ em.

– Trong năm 1735, tại New England, có những gia đình hoàn toàn bị “xóa sổ” chỉ sau vài tuần nhiễm bạch hầu. Thống kê tại thị trấn New Hampshire cho hay, có đến 32% trẻ em dưới 10 tuổi mất do bạch hầu, tổng số ca tử vong chiếm gần 40%.

Ở châu Âu, dịch bệnh kéo dài đến cuối thế kỷ 19, tại Đức ghi nhận hơn 60 nghìn trẻ em thiệt mạng mỗi năm vì căn bệnh này.

Ảnh minh họa đại dịch ở châu Âu thế kỷ 17, 18

bức tranh minh họa đại dịch ở châu Âu thế kỷ 17, 18

1.2. Đại dịch bạch hầu thế kỷ 20

Đây được xem lại đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, xảy ra từ năm 1921 đến 1925. Nó cũng là đại dịch thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển vacxin phòng bệnh bạch hầu.

Thống kê trong đại dịch cho thấy mỗi năm có đến hơn 200 nghìn ca bạch hầu được ghi nhận. Riêng năm 1921 nước này có tới 15.520 người tử vong do bệnh, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi.

Những thành phố lớn như New York, Chicago, Boston trở thành tâm dịch. Không ít các trường học, khu dịch vụ công cộng phải ngừng hoạt động để hạn chế lây lan.

1.3. Dịch bạch hầu ở Liên xô thập niên cuối thế kỷ 20

Hệ thống y tế cộng đồng sụp đổ sau sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 được cho là nguyên nhân sâu xa gây bùng phát dịch. Nó khiến việc tiêm chủng vacxin bạch hầu bị gián đoạn, hàng loạt người bị khuẩn bạch hầu tấn công.

Từ năm 1990 đến năm 1998, tại 15 nước thuộc Liên Xô cũ ghi nhận khoảng 157 nghìn ca bạch hầu, trong đó số ca tử vong lên tới 5 nghìn người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là Nga, với trên 50 nghìn ca bệnh.

1.4. Đợt dịch năm 2016 – 2017

Giai đoạn này có hai vùng dịch lớn là ở Yemen và Venezuela. Theo đó, tại Venezuela lúc này xảy ra tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, dân di cư tăng cao và thiếu vacxin, thuốc điều trị. Sau 24 năm loại bỏ bệnh bạch hầu khỏi cộng đồng, từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2017, nước này đã ghi nhận 786 ca nghi mắc bạch hầu, trong đó có 324 ca dương tính và 17 ca tử vong được công bố.

Tại Yemen, xung đột và chiến tranh đã tàn phá hệ thống y tế. Do đó, một đợt dịch bạch hầu nghiêm trọng đã bùng phát từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018 với hơn 300 ca nghi mắc được thống kê, 35 ca tử vong.

Chiến tranh là nguyên nhân sâu xa khiến dịch bạch hầu bùng phát ở Yemen năm 2017

Chiến tranh (nội chiến) là nguyên nhân sâu xa khiến dịch bạch hầu bùng phát ở Yemen năm 2017

Ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới những năm gần đây vẫn ghi nhận sự xuất hiện của bệnh bạch hầu. Theo số liệu của WHO, năm 2019 có khoảng 23 nghìn ca bạch hầu được báo cáo, chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Á (Myanmar, Indonesia, Philippines), Nam Á (Nepal, Ấn Độ) và Châu Phi (Niger, Nigeria…). Nguyên nhân chính được cho là do tỉ lệ tiêm chủng thấp và sự thiếu hiểu biết về phòng bệnh cũng như điều kiện vệ sinh.

2. Sự ra đời và giá trị của vacxin bạch hầu

2.1. Thử nghiệm trên động vật

Bên cạnh dịch bạch hầu, bệnh uốn ván cũng hoành hành mạnh mẽ và có sức hủy diệt kinh hoàng trong nhiều thế kỷ. Đây chính là động lực lớn thôi thúc các nhà khoa học tìm ra vacxin phòng bệnh.

Emil Adolf von Behring cùng với Koch là những người đầu tiên phát triển lý thuyết về thuốc kháng độc tố của vi khuẩn. Trong quá trình xác định chất mang lại kháng thể uốn ván ở thỏ, họ phát hiện ra rằng kháng thể được sản xuất ra từ động vật có thể sử dụng để tiêm ngừa cho động vật khác. Trên cơ sở đó, họ đề xuất liệu pháp huyết thanh gây miễn dịch bạch hầu, uốn ván vào năm 1890.

Thời gian tiếp theo, Behring cùng với bác sĩ Erich Wernicke tiến hành nhiều thí nghiệm trên chuột lang. Đây là loài động vật rất nhạy cảm với độc tố của bạch hầu. 1mg chất độc từ khuẩn bạch hầu có thể giết chết 1000 con chuột lang khối lượng 250g sau 6 giờ.

Họ đã thành công trong việc phòng bệnh bạch hầu cho chuột lang, sau đó tiếp tục thử nghiệm trên các động vật lớn hơn như cừu, ngựa.

2.2. Sản xuất thành công vacxin bạch hầu cho người, đem lại giá trị lớn

Năm 1897, Paul Ehrlich (nhà sinh lý học) nhận ra tiềm năng của kháng thể sẽ đạt mức tối đa sau một khoảng thời gian chích ngừa. Đây là tiền đề để các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm trên trẻ em tại bệnh viện Berlin, giúp giảm tỷ lệ tử vong đến một nửa.

Đến năm 1901, Behring đã thử nghiệm tiêm chủng bằng một loại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có độc lực yếu hơn. Cách làm này đã kích thích các tế bào tự sản xuất kháng thể. cũng trong năm này, với những cống hiến về y học, sinh lý học của mình, ông đã được nhận giải thưởng Nobel cho công trình trị liệu huyết thanh chống bạch hầu, uốn ván.

Năm 1913, ông công bố sản phẩm phòng bệnh bạch hầu đầu tiên chứa độc tố bạch hầu và kháng huyết thanh trị liệu.

Behring có công lớn trong việc nghiên cứu ra vacxin phòng bạch hầu

Behring có công lớn trong việc nghiên cứu ra vacxin phòng bạch hầu

Sau nhiều năm tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sự phát triển mạnh mẽ của vacxin bạch hầu và hiệu quả của nó được đánh dấu vào năm 1920. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, miễn dịch cộng đồng đã được hình thành và khống chế đáng kể sức lan tỏa của bệnh. Minh chứng là những đợt đại dịch lớn đã được dập tắt. Sau này chỉ có một số vùng bùng phát thành dịch, mà nguyên nhân chủ yếu là do không được tiêm chủng đầy đủ.

3. Nguyên nhân dịch bạch hầu vẫn còn ở Việt Nam

Tiêm chủng thấp chính là nguyên nhân khiến Việt Nam chưa loại bỏ được bệnh này. Năm 1981, khi đưa vacxin bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh cơ bản đã được khống chế. Nếu như năm 1983, cả nước có gần 3.500 ca mắc thì từ năm 2004 đến 2019, mỗi năm chỉ ghi nhận khoảng 10 – 50 ca bệnh.

Tuy nhiên, từ 2020, số ca mắc có xu hướng tăng lại. Theo thống kê năm 2020 có 226 trường hợp, năm 2021 là 6 ca, năm 2022 có 2 ca. Riêng năm 2023 cả nước ghi nhận 57 ca bệnh, trong đó có 7 ca tử vong. Tháng 7/2024, nữ sinh ở Nghệ An là trường hợp đầu tiên nhiễm và thiệt mạng do bệnh này trong năm nay.

Thực tế cho thấy, số ca bạch hầu tăng trở lại trong và sau covid. Các ổ dịch xuất phát chủ yếu ở vùng sâu, xa, tỷ lệ chích ngừa thấp.

CDC khuyến cáo mọi người dân đều cần tiêm ngừa bạch hầu theo lịch tiêm chủng. Phòng tiêm chủng TCI là một trong những đơn vị tiêm chủng lớn, có đầy đủ vacxin nhập khẩu chính hãng, được bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn. Bạn có thể đặt lịch tiêm phòng bạch hầu tất cả các ngày trong tuần.

Dịch bạch hầu có tốc độ lây lan và sức hủy diệt cực mạnh, từng lấy đi sinh mạng hàng nghìn người mỗi năm hồi trước thế kỷ 20. Tuy nhiên, Behring cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công vacxin phòng bệnh này, từ đó làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong. Hãy tiêm vacxin phòng bệnh để góp phần gia tăng miễn dịch cộng đồng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital