Sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em sao cho đúng?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tình trạng lạm dụng kháng sinh đang là 1 trong 10 mối nguy hại đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Biết rằng mỗi khi con ốm mệt bố mẹ vô cùng lo lắng và muốn con khỏi thật nhanh và dứt điểm. Nhưng trước khi quyết định sử dụng kháng sinh cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần tư vấn bởi bác sĩ, tránh các rủi ro không đáng có.

1. Hiểu về kháng sinh

Từ khi chất kháng sinh được phát hiện và ứng dụng, nó đã trở thành loại thuốc đóng vai trò rất quan trọng trong y tế và chăm sóc sức khỏe. Vậy nên trước hết, chúng ta cần nắm rõ cơ chế hoạt động của kháng sinh để hiểu vì sao kháng sinh lại quan trọng đến như vậy đối với sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi.

sử dụng kháng sinh cho trẻ em

Thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong chống nhiễm khuẩn

Kháng sinh là loại thuốc được điều chế từ quá trình tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học hoặc từ chính vi sinh vật. Nó có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự sinh sôi của vi khuẩn, từ đó giúp kháng lại tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bằng cách:

– Tân công vào cấu trúc bảo vệ của vi khuẩn

– Ức chế sự sinh sôi và phát triển vi khuẩn

– Cản trở quá trình sản xuất protein của vi khuẩn

Vì kháng sinh có hiệu quả đối với vi khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh cho các bé khi mắc các bệnh như sốt, ho, viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản, tiêu chảy… là không có tác dụng bởi các bệnh này gây ra do virus.

Có nhiều loại kháng sinh khác nhau, mỗi loại sẽ có tác dụng lên những bệnh do loại vi khuẩn cụ thể gây ra. Để điều trị các loại bệnh đa dạng, kháng sinh cũng được điều chế thành nhiều dạng như: viên uống, chất lỏng, siro, kem bôi, thuốc mỡ,… Riêng kháng sinh cho trẻ nhỏ thường có hàm lượng và nồng độ khác với người lớn, vì vậy cần chú ý mua đúng loại theo kê đơn của bác sĩ.

2. Hậu quả khi sử dụng kháng sinh cho trẻ sai cách

Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ em hiện nay rất phổ biến, tuy nhiên các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kĩ, cho con đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho bé uống bất cứ loại thuốc nào. Điều này sẽ giúp con không phải đối mặt với nguy cơ kháng kháng sinh do lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách.

Theo thống kê, mỗi năm có gần 1 triệu trẻ em trên toàn thế giới tử vong vì các bệnh do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây nên. Đáng buồn Việt Nam đang là 1 trong các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới do tình trạng lạm dụng kháng sinh.

Kháng kháng sinh là vấn đề rất nghiêm trọng đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đây là tình trạng những tế bào vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn hồi phục trở lại, tiếp tục sinh sôi và có khả năng kháng lại tác động của kháng sinh. Điều này cực kì nguy hiểm bởi nó làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc, khiến bệnh nặng hơn, tái lại nhiều lần và tốn kém do thời gian điều trị kéo dài. Và hậu quả tất yếu con người phải chịu là đến một ngày sẽ không còn loại kháng sinh nào có tác dụng trị bệnh vì vi khuẩn đã biến đổi tinh vi hơn.

Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh cũng gây nên những hậu quả khác như:

– Loạn khuẩn đường ruột: Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, bất kể tốt xấu, chính vì vậy khi sử dụng kháng sinh thường xuyên hoặc dài ngày các vi khuẩn có lợi ở đường ruột cũng bị tiêu diệt gây tiêu chảy, buồn nôn, phát ban,…

– Hại gan, thận: Một số loại kháng sinh có thể kết tủa gây tắc thận nhiễm độc ống thận, sỏi thận nếu không uống nhiều nước.

3.Sử dụng kháng sinh cho trẻ em hợp lý

3.1 Khi nào nên dùng kháng sinh cho trẻ em

Nắm rõ về bệnh của con trước khi cho con uống bất cứ loại thuốc nào là điều bố mẹ cần lưu tâm khi trẻ không khỏe. Kháng sinh đem lại hiệu quả nhất khi được sử dụng đúng và phù hợp.

Vì sức khỏe trong tương lai của trẻ, phụ huynh cần cho con đi khám khi thấy trẻ có triệu chứng cảm cúm, ho, đau họng, sốt,… để biết chính xác nguyên nhân do virus hay vi khuẩn. Nếu trong trường hợp là virus gây bệnh nhưng cha mẹ tự ý cho trẻ dùng kháng sinh, bệnh sẽ không cải thiện, thậm chí còn khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ kháng kháng sinh.

sử dụng kháng sinh cho trẻ em

Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ

3.2 Các loại kháng sinh dùng cho trẻ

Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để trị bệnh cho trẻ em gồm:

– Kháng sinh với cơ chế tiêu diệt vi khuẩn gồm Cephalosporin và Penicillin: Tấn công và làm tổn thương thành tế bào của vi khuẩn, khiến vi khuẩn không còn khả năng gây bệnh.

– Kháng sinh có tác dụng ức chế quá trình sinh sản hoặc tăng trưởng của vi khuẩn gồm Erythromycin, Tetracycline,…: Ức chế khả năng sinh sản và phát triển của vi khuẩn, khi số lượng cá thể vi khuẩn ít, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt được chúng.

– Kháng sinh phổ rộng: là loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt đa dạng vi khuẩn hơn các loại khác.

3.3 Những loại thuốc kháng sinh không nên dùng cho trẻ em

Các loại kháng sinh khi sử dụng cho trẻ em có thể gây ra tác hại không tốt, cần lưu ý khi sử dụng gồm có:

– Nhóm Aminoglycosid: có thể gây độc thận, gây độc thính giác khiến trẻ sơ sinh bị điếc.

– Nhóm Phenicol: có thể gây viêm thần kinh thị giác, ức chế tủy xương và “Hội chứng xanh xám”.

– Nhóm Lincosamid: có thể gây viêm đại tràng giả mạc khi dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

– Nhóm Tetracycline: có thể gây biến màu răng vĩnh viễn, loạn sản men răng, ức chế phát triển xương đối với trẻ dưới 8 tuổi.

– Nhóm Quinolon: gây ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn tiếp hợp ở trẻ dưới 16 tuổi.

– Nhóm Sulfamid: có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, dị ứng, nguy cơ gây sỏi, tiểu máu đối với trẻ sơ sinh

4. Lời khuyên khi dùng kháng sinh cho trẻ em

Sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ không xấu, nhưng sử dụng bừa bãi, quá liều, không đúng cách thì không tốt cho trẻ chút nào, hãy hạn chế sử dụng kháng sinh cho con nếu không quá cần thiết. Nếu bệnh của con được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau để sử dụng cho bé một cách an toàn và hiệu quả:

– Không nên ngừng uống kháng sinh khi chưa hết liều được kê đơn: Khi cha mẹ thấy con sau vài ngày uống thuốc đã khỏe hơn, không còn nhiều triệu chứng bệnh thì cũng không nên cho con ngừng uống thuốc khi chưa hết liều được bác sĩ kê đơn.Việc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đem đến nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ vì vi khuẩn có thể còn sót lại và tiếp tục sinh sôi với sự biến đổi tinh vi hơn.

sử dụng kháng sinh cho trẻ em

Nên cho trẻ uống thuốc kháng sinh với nhiều nước lọc

– Không tự ý dùng kháng sinh cho lần ốm sau của trẻ: phụ huynh không nên mua kháng sinh cho con giống với những lần ốm trước đó vì con có biểu hiện tương tự. Tuy có cùng biểu hiện nhưng không có nghĩa đều là bệnh do vi khuẩn gây nên, bệnh do virus cũng có biểu hiện tương tự.

– Cho con uống thuốc với nhiều nước lọc và sau khi đã ăn no (hoặc vào thời gian chỉ định của bác sĩ).

– Bổ sung lợi khuẩn hoặc sữa chua cho bé vì kháng sinh có thể đã tiêu diệt cả những vi khuẩn tốt trong đường ruột, ảnh hưởng tiêu hóa, gây ra tiêu chảy, buồn nôn,…

– Hạn chế cho bé ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, nên bổ sung thêm sắt và các loại vitamin.

5. Kết

Trên đây là tất cả những kiến thức cơ bản về kháng sinh phụ huynh nên nắm rõ để chăm sóc sức khỏe cho con. Điều quan trọng nhất là trước khi quyết định cho con uống bất cứ loại thuốc đặc trị nào, đặc biệt là kháng sinh, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện, phòng khám uy tín để được thăm khám và có tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Khoa Nhi tại Thu Cúc TCI hiện là địa chỉ được nhiều mẹ tin tưởng đưa con đi thăm khám và chữa bệnh. Với tiêu chí: “Khám tận tình – Hạn chế kháng sinh”, đội ngũ bác sĩ giỏi, có tâm, giàu kinh nghiệm đến từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện E, Xanh-Pôn, Nhi Trung ương,… chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết, giảm nguy cơ kháng kháng sinh nên cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi tới Thu Cúc TCI.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital