Sốt phát ban ở trẻ em: những điều ba mẹ nên lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Sốt phát ban ở trẻ em là tình trạng hay gặp với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 36 tháng. Các bậc phụ huynh thường quan niệm đây là bệnh dễ điều trị và con có thể khỏi khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chuyển biến trầm trọng, gây nguy hại đến sức khỏe của con nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết hữu ích cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc con yêu.

1. Thế nào là sốt phát ban?

Sốt phát ban là hiện tượng con bị nóng sốt và nổi các đốm nhỏ ở toàn thân do virus herpes 6 hoặc 7 gây ra. Đây được coi là thể bệnh nhiễm trùng nhẹ, đa số trẻ em sẽ bị sốt phát ban ít nhất một lần. Sốt phát ban thường có hai loại phổ biến là phát ban đỏ và phát ban đào.

Sốt phát ban là do virus herpes 6 hoặc 7 gây ra.

Sốt phát ban là do virus herpes 6 hoặc 7 gây ra.

2. Bệnh sốt phát ban thường lây nhiễm qua đâu?

Bệnh sốt phát ban có khả năng lây nhiễm từ bé này sang bé khác thông qua việc tiếp xúc cơ thể với người nhiễm virus gây bệnh chứ không bị lây qua giao tiếp. Cụ thể, khi tiếp xúc với dịch nhầy trong mũi hoặc cổ họng của người lây bệnh hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân của họ, virus từ đây có tốc độ lan truyền nhanh chóng. 

Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng chính thường mắc bệnh do hệ miễn dịch của con không đủ mạnh, vì thế siêu vi đã lợi dụng dễ dàng tấn công vào cơ thể. Môi trường lớp học, khu vui chơi công cộng là nơi dễ lây nhiễm nhất. Các bé bị nhiễm virus lẫn nhau thông qua việc một đứa trẻ bị bệnh có thể hắt hơi, ho phát tán nước bọt có chứa virus gây bệnh sang cho những đứa trẻ khác. Đây cũng được xem là con đường chủ yếu gây nên sốt phát ban xảy ra ở trẻ nhỏ. Ngoài ra với những bé có sức đề kháng yếu, thấp còi có thể bị tái phát bệnh nhiều lần do cơ thể không chống lại được virus.

3. Biểu hiện khi con bị sốt phát ban

3.1 Biểu hiện thường gặp của sốt phát ban ở trẻ em

Ở một số trẻ có thể chỉ bị ban đỏ rất nhẹ và không có dấu hiệu bệnh rõ ràng nhưng ngược lại, có những sẽ gặp đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của sốt phát ban.

– Giai đoạn ủ bệnh: trẻ bắt đầu với dấu hiệu quấy khóc, sốt. Ba mẹ cần lưu ý, tùy thuộc vào virus gây bệnh mà trẻ có triệu chứng sốt khác nhau. Nếu sốt phát ban do sởi thì trẻ sốt kèm với ho, chảy nước mũi, còn sốt phát ban do rubella thì trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ. 

– Giai đoạn khởi phát: diễn ra từ 5-7 ngày, bắt đầu nổi nốt ban đỏ khắp người. Các nốt ban sẽ xuất hiện từ mặt lan xuống cổ, vùng ngực và bụng, cuối cùng là tay chân. Từ 2-3 ngày đầu, ban nổi dày đặc, kín toàn thân của trẻ. Trong giai đoạn này trẻ kèm thêm các triệu chứng khác, chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi,… 

– Giai đoạn sau phát ban: các nốt ban hết dần và không để lại thâm trên da trẻ. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng do quá trình chăm sóc không tốt thì vết ban bị lở loét và để lại sẹo. 

Dấu hiệu điển hình của sốt phát ban ở trẻ em là các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ mặt lan xuống cổ, vùng ngực và bụng, cuối cùng là tay chân.

Dấu hiệu điển hình của sốt phát ban ở trẻ em là các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện từ mặt lan xuống cổ, vùng ngực và bụng, cuối cùng là tay chân.

3.2 Dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ em cần đưa đi bệnh viện

Ngoài những dấu hiệu thông thường trên, các bậc phụ huynh cần theo dõi tình trạng của con, đề phòng bệnh có chuyển biến trầm trọng mà con không được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Những triệu chứng bất thường của sốt phát ban như sau: 

– Trẻ bị sốt cao lên 39-40 độ C liên tục không giảm. 

–  Những nốt phát ban không ngưng giảm và có chuyển biến tốt sau 3 ngày từ lúc bắt đầu khởi phát. 

– Trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ sinh non, nhẹ cân, bỏ bú, quấy khóc. 

– Da con nhợt nhạt, tái xanh, có thể do mất nước khi bị tiêu chảy trong những ngày mắc bệnh. 

Đây đều là những triệu chứng bất thường cha mẹ cần phải đưa con đi khám gấp để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và thực hiện ngăn chặn kịp thời.

4. Điều trị sốt phát ban ở trẻ em

Tần suất trẻ em bị sốt phát ban thường là 1 lần/năm, tùy vào hệ miễn dịch, sức đề kháng của con mà số lần có thể thay đổi. Thông thường bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày nếu con được chăm sóc đúng cách. Ngược lại bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho con như viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí là viêm não, tác động sức khỏe sau này của con nếu phụ huynh không điều trị ngay và đúng cách. 

Những lời khuyên từ bác sĩ trong việc chăm sóc và điều trị khi con bị sốt phát ban: 

– Khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, ba mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và được tư vấn điều trị đúng cách.

– Khi trẻ bị sốt, phụ huynh có thể hạ sốt tự nhiên cho con bằng việc mặc quần áo mỏng, thoáng khí để có thể dễ tỏa nhiệt. Bên cạnh đó, có thể dùng khăn đặt lên trán, lau vùng cổ, nách, bẹn giúp con hạ sốt an toàn. 

Cha mẹ nên cho con mặc quần áo thoáng mát để giúp hạ sốt nhanh chóng.

Cha mẹ nên cho con mặc quần áo thoáng mát để giúp hạ sốt nhanh chóng.

– Nếu trẻ bị ho, hãy giúp con giảm ho bằng việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ đã kê; hoặc có thể tham khảo các bài thuốc thảo dược từ nguyên liệu thiên nhiên như quất mật ong, gừng hấp đường phèn,… Tuy nhiên trước khi cho con uống nên hỏi ý kiến bác sĩ vì những bài thuốc này chỉ phù hợp với trẻ có độ tuổi nhất định. 

– Trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ sử dụng nước muối sinh lý loãng để thông mũi, rửa mũi cho con, giúp con dễ thở, thoải mái hơn. 

– Cha mẹ tuyệt đối không cho con sờ, gãi vào các nốt phát ban để tránh nhiễm trùng, lở loét; nên sử dụng bao tay mỏng cho con để tránh cọ xát nhất có thể. 

– Về chế độ ăn của con, ba mẹ cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, chế biến cho con món ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa và bổ sung nước, vitamin A trong thời kỳ con bị sốt phát ban.

– Khi tắm cho con, bố mẹ nên sử dụng nước ấm, tắm nhẹ nhàng không chà xát mạnh và lau khô sau khi tắm xong.

– Không nên cho trẻ tiếp xúc với lông động vật hoặc các sản phẩm tẩy rửa gây kích ứng cao, làm các nốt phát ban trở nên nghiêm trọng.

Trẻ thường bị sốt phát ban là do lượng kháng thể tự nhiên trong cơ thể con ít cùng với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Có những bé bị sốt phát ban nhiều lần, tái phát gây nên tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý trong vấn đề phòng bệnh sốt phát ban cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital