Thực hư: Sốt cao gây co giật ở trẻ và biến chứng thần kinh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi trẻ bị sốt, bởi mẹ cho rằng trẻ sốt cao sẽ dẫn đến co giật, khi co giật sẽ gây ra biến chứng thần kinh. Vậy thực hư việc sốt cao gây co giật ở trẻ và biến chứng thần kinh do sốt cao co giật là như thế nào? Mời mẹ cùng tham khảo bài viết sau.

Sốt cao gây co giật là như thế nào?

sốt cao gây co giật ở trẻ em

Sốt ở trẻ em được chia làm 3 mức độ: sốt nhẹ là khi nhiệt độ < 38 độ C, sốt vừa là từ 38 độ C đến < 39 độ C, còn sốt cao là khi nhiệt độ ≥ 39 độ C.

Sốt cao gây co giật ở trẻ em là hiện tượng thân nhiệt của trẻ cao đột ngột. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng, chiếm khoảng 2 đến 5% trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 60 tháng.

Trẻ sốt cao co giật thường có biểu hiện: nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột từ 38 độ C lên 39 độ C thậm chí 40 độ C, mất ý thức, lắc hoặc giật tay/chân cả hai bên, mắt trợn ngược nhìn lên phía trên, trường hợp nặng trẻ co giật toàn thân, rối loạn nhịp thở.

Cần lưu ý là mức độ co giật không phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của sốt, nghĩa là không phải trẻ cứ sốt càng cao thì co giật càng mạnh. Và cũng không phải trẻ cứ sốt là sẽ bị co giật. Với những trẻ đã có tiền sử co giật, thì ngay cả sốt vừa 38-39 độ C trẻ cũng đã có thể co giật.

Thực hư sốt cao gây co giật biến chứng thần kinh

sốt cao gây co giật biến chứng thần kinh ở trẻ

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng trẻ sốt cao sẽ gây co giật và để lại di chứng về thần kinh. Đa số các trường hợp sốt cao co giật ở trẻ em thường là lành tính và ít để lại di chứng. Thông thường cơn co giật ở bé chỉ kéo dài vài giây cho đến khoảng vài phút, sau đó sẽ hết.

Trong lúc trẻ đang lên cơn co giật, việc làm an toàn cho trẻ là phụ huynh KHÔNG nên cho bất kỳ vật gì vào miệng của bé như đưa ngón tay, đũa,… vì khả năng bé co giật cắn phải lưỡi là rất hiếm. Mà chính việc đưa các dụng cụ này vào miệng trẻ dễ làm bé bị sặc, hỏng răng,.. dễ dẫn đến suy hô hấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Cũng không cố giữ hoặc chèn tay, chân của trẻ khi trẻ đang lên cơn co giật vì như thế dễ làm gãy xương của bé.

Khi nào cần cho bé gặp bác sĩ?

khám và xử trí sốt cao co giật ở trẻ em hiệu quả

Khi thấy trẻ co giật phụ huynh nên thực hiện những điều sau:

  • Đặt bé nằm ở tư thế an toàn (nằm nơi bằng phẳng, rộng rãi, để đầu nghiêng sang 1 bên để tránh sặc, có thể kê một chiêc gối mỏng hoặc chiếc áo vào bên dưới đầu của bé để tránh bé đập đầu dưới nền nhà).
  • Không đưa bất kỳ vật gì vào miệng trẻ, nới rộng quần áo và không giữ chặt trẻ khi bị giật.
  • Hết cơn co giật, tạm thời không cho trẻ ăn hay uống bất cứ thứ gì, nên nhanh chóng cho trẻ đi thăm khám với bác sĩ Nhi khoa càng sớm càng tốt.
  • Nếu co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc kèm theo nôn, gáy cứng, có rối loạn về hô hấp hoặc ngủ nhiều, nên gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhi đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Khi trao đổi với bác sĩ mẹ nên cung cấp các thông tin sau:

  • Trẻ sốt bao nhiêu độ? Co giật kéo dài trong khoảng bao lâu? Giật như thế nào? Giật toàn thân hay vùng nào đó của cơ thể? Trẻ có mất ý thức không? Nếu có video lúc bé bị co giật nên cho bác sĩ xem.
  • Lập danh sách thuốc mà bé uống.

Sốt không phải là bệnh, sốt được coi là một phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Vấn đề quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân gây sốt (mầm bệnh) từ đó điều trị dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital