Sỏi nội thành bàng quang là một khái niệm có thể là mới và lạ ở nhiều người. Thông thường người bệnh sẽ nghe đến các loại sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo. Vậy sỏi nội thành bàng quang là sỏi gì, nằm ở vị trí nào và cách điều trị ra sao, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi nội thành hay sát thành bàng quang nằm ở đâu?
Sỏi nội thành hay sát thành bàng quang là sỏi nằm ở một vị trí đặc biệt trong hệ tiết niệu của người bệnh. Vị trí này là nơi tiếp giáp giữa đoạn cuối cùng của niệu quản và thành bàng quang. Hệ tiết niệu bao gồm 2 ống niệu quản dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang nên từ đó cũng có 2 đoạn niệu quản nội thành bàng quang. Đường kính trong của đoạn nội thành bàng quang rất hẹp chỉ khoảng 2-3mm, nên đây cũng là vị trí sỏi dễ bị mắc kẹt lại, và gây ra những triệu chứng điển hình người bệnh có thể nhận biết được:
– Cơn đau thắt lưng đột ngột diễn ra, có thể là đau âm ỉ hoặc đau dữ dội trong vài giờ. Cơn đau có thể lan xuống thấp hơn là vùng háng, bẹn, bộ phận sinh dục của người bệnh.
– Xuất hiện các vấn đề tiểu rắt, tiểu nhiều lần, đau buốt khó chịu khi đi tiểu. Nước tiểu có màu hồng nhạt của máu…
– Kết hợp với hai triệu chứng trên người bệnh có thể cảm thấy cơ thể sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh…
Bên cạnh đó sỏi đoạn nội thành bàng quang cũng có thể rơi xuống bàng quang của người bệnh và kẹt lại tại đó.
2. Lý do nên điều trị sớm sỏi đoạn nội thành bàng quang
Do sỏi nằm ở vị trí hẹp nên quá trình di chuyển xuống bên dưới thấp hơn để ra ngoài sẽ khó khăn hơn, sỏi dễ bị mắc kẹt lại gây ra các vấn đề tắc nghẽn và tổn thương. Cụ thể là:
– Sỏi kẹt tại niệu quản nội thành bàng quang khiến nước tiểu đi xuống bàng quang bị gián đoạn, từ đó khiến nước tiểu ứ đọng ở niệu quản và gây ra tình trạng giãn niệu quản. Nghiêm trọng hơn nước tiểu sẽ đẩy ngược lại thận, khiến đài bể thận người bệnh bị giãn, suy giảm chức năng hoạt động.
– Sỏi kẹt tại vị trí hẹp dẫn đến sự ma sát, va đập của sỏi vào bề mặt của đoạn niệu quản dưới, từ đó dẫn đến các vết thương hở. Những vết thương này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Sỏi kẹt lâu ngày còn dễ gây nên tình trạng viêm dính, nghĩa là viên sỏi sẽ dính chặt vào niêm mạc niệu quản mà không di chuyển. Từ đó việc sử dụng thuốc uống để đưa sỏi di chuyển ra bên ngoài thường sẽ không thể đáp ứng được. Viên sỏi viêm dính sẽ tiếp tục phát triển nếu người bệnh không điều trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như suy thận mạn tính.
Chính vì vậy người bệnh cần nhanh chóng điều trị khi phát hiện mắc sỏi, với trường hợp sỏi này người bệnh không nên chần chừ bởi sỏi rất dễ gây ra các triệu chứng và biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe chung.
3. Điều trị sỏi nằm ở vị trí nội thành bàng quang
3.1 Phương pháp điều trị sỏi nội thành bàng quang
Với vị trí sỏi nằm tại phần bên dưới thấp của đường tiết niệu là niệu quản ⅓ dưới và bàng quang, người bệnh chủ yếu sẽ được điều trị bằng hai phương pháp sau đây tùy thuộc vào tình trạng sỏi cụ thể:
– Điều trị nội khoa sỏi nội thành bàng quang
– Tán sỏi sát thành bàng quang nội soi ngược dòng bằng laser.
Điều trị nội khoa đối với sỏi niệu quản nội thành bàng quang
Là phương pháp người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc đường uống theo chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Thông qua đó người bệnh đáp ứng được chỉ định và chống chỉ định của điều trị nội khoa dẫn sỏi ra ngoài theo đường nước tiểu.
– Sỏi kích thước chủ yếu nhỏ hơn 5mm, bề mặt nhẵn, phẳng.
– Niệu đạo không hẹp hoặc có đoạn gấp khúc.
– Thận đảm bảo chức năng hoạt động tốt, bài tiết, đẩy nước tiểu xuống bàng quang bình thường.
Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng, thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt tuân thủ thời gian tái khám để bác sĩ điều trị đánh giá được khả năng đào thải của sỏi sau dùng thuốc.
Bên cạnh đó người bệnh nên uống nhiều nước để tăng cường quá trình bài tiết của cơ thể, giúp sỏi trôi ra ngoài một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó người bệnh cũng nên vận động thể dục thể thao hàng ngày để thúc đẩy quá trình di chuyển của sỏi ra khỏi bàng quang, niệu đạo.
Điều trị ngoại khoa ít xâm lấn – Tán sỏi sát thành bàng quang nội soi ngược dòng
Với phương pháp này người bệnh được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân và nằm theo tư thế sản khoa. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi đưa ngược từ niệu đạo vào bàng quang lên đến đoạn nội thành bàng quang trái hoặc phải để tiếp cận sỏi. Một dây dẫn năng lượng laser công suất lớn cũng được đưa vào để bắn phá sỏi thành vụn nhỏ dưới hướng dẫn của hình ảnh thu được từ máy nội soi. Công đoạn này yêu cầu bác sĩ có chuyên môn cao điều chỉnh năng lượng laser khéo léo để bắn phá sỏi dần dần và vỡ ra được thành các mảnh nhỏ có kích thước phù hợp nhất. Cuối cùng bệnh nhân sẽ được hút gắp trực tiếp vụn sỏi, cặn sỏi ra bên ngoài cơ thể.
Là một phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn nên có thể nói tán sỏi nội soi ngược dòng hiện đang được sử dụng phổ biến và thay thế mổ mở truyền thống đối với sỏi đoạn nội thành bàng quang. Tuy nhiên kỹ thuật tán sỏi ngược dòng này cũng yêu cầu bệnh nhân đáp ứng đủ các điều kiện như:
– Niệu đạo đưa được máy nội soi vào do đó niệu đạo không hẹp, không có gấp khúc.
– Bệnh nhân không có chống chỉ định về gây mê hồi sức.
– Chống chỉ định tạm thời đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh nhân cần điều trị triệt để trước khi thực hiện tán sỏi để đạt được hiệu quả và an toàn sau tán sỏi.
Là một phương pháp hoàn toàn không mổ, ít sang chấn nên bệnh nhân đảm bảo không mất sức, nhanh phục hồi, xuất viện nhanh chỉ sau khoảng 24h. Đặc biệt tính thẩm mỹ cao, hiệu quả sạch sỏi vượt trội.
3.2 Những lưu ý trong điều trị sỏi tại đoạn nội thành bàng quang
– Điều trị sỏi đoạn nội thành bàng quang là điều cần thiết, và nên thực hiện càng sớm càng tốt để loại bỏ triệt để triệu chứng bệnh nếu có, và phòng ngừa biến chứng xa.
– Bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tăng tốc độ và hiệu quả sạch sỏi.
– Bệnh nhân cũng nên chủ động trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, cụ thể như là luôn nhớ uống nhiều nước, nên đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, tránh sử dụng rượu bia chất kích thích trong quá trình điều trị…
– Theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ sau tán sỏi ngược dòng, nếu phát hiện những bất thường nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến viện kiểm tra lại ngay.
– Luôn nhớ và thực hiện thăm khám định kỳ đầy đủ để tầm soát sức khỏe hệ tiết niệu để phát hiện sớm và phòng tránh nguy cơ tái phát.
Trên đây là các thông tin về bệnh lý sỏi nằm tại vị trí nội thành bàng quang, một tên gọi khá đặc biệt và mới với người bệnh, vậy nên sau khi nắm được những thông tin hữu ích, hy vọng người bệnh sẽ có nhiều kiến thức hơn trong việc phòng, phát hiện và điều trị bệnh đạt hiệu quả.