Sơ cứu tai biến: Những điều cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Việc sơ cứu tai biến mạch máu não kịp thời và đúng cách rất quan trọng trong việc cứu sống và hạn chế di chứng cho người bệnh. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được cách sơ cứu đúng khi gặp các trường hợp tai biến. 

1. Tai biến mạch máu não và cách nhận diện

1.1 Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não là tình trạng rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong cho người bệnh. Bên cạnh đó là những biến chứng như liệt vận động, rối loạn nhận thức, ngôn ngữ, tiểu tiện không tự chủ,…

Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tổn thương não do nguồn máu cung cấp cho não hạn chế, khiến việc đưa máu lên nuôi não bị ngưng trệ hoặc gián đoạn.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não xảy ra khi các động mạch cung cấp máu bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ.

1.2 Các triệu chứng tai biến

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân tai biến gồm:

– Đột nhiên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt

– Cảm thấy khó chịu, mệt mỏi bất thường

– Méo một bên miệng, mặt hoặc chân tay, thậm chí liệt nửa người

– Gặp khó khăn khi nói chuyện, phát âm, không biết mình nói gì, khó diễn đạt ý nghĩ bằng lời nói, nói ngọng, nói lắp, không nhắc lại được những câu từ ngắn, đơn giản

– Khó cử động tay chân, không thể nhấc tay cao qua khỏi đầu hoặc không giữ được tư thế này lâu

– Mất thăng bằng khi di chuyển

– Gặp vấn đề về thính lực, thị lực giảm sút, mắt mờ không nhìn thấy rõ, ù tai…

Nếu xuất hiện 2-3 triệu chứng trên đây thì khả năng đột quỵ là rất cao. Cần thực hiện các biện pháp cấp cứu và sơ cứu, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm và hạn chế biến chứng. 

2. Những lưu ý khi sơ cứu tai biến 

Trong mọi trường hợp, việc đầu tiên khi thấy các dấu hiệu tai biến là cần gọi ngay xe cấp cứu hoặc tìm cách đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Thời gian trong cấp cứu đột quỵ vô cùng quan trọng, được gọi là thời gian vàng. Để lỡ thời gian vàng, bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm và nguy cơ biến chứng rất cao.

Trong thời gian chờ cấp cứu đến, có thể thực hiện các bước sơ cứu cho người bệnh.

2.1 Những điều nên làm khi sơ cứu tai biến

Theo dõi và ghi lại tình trạng của người bệnh 

Việc nắm được thời gian bắt đầu xảy ra đột quỵ và các triệu chứng sẽ là cơ sở quan trọng để bộ phận cấp cứu có phương án điều trị phù hợp. Vì vậy, hãy ghi lại càng chi tiết càng tốt những thông tin về bệnh nhân và đưa cho nhân viên cấp cứu khi họ đến.

Điều chỉnh tư thế nằm phù hợp cho bệnh nhân

Nếu bệnh nhân ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo ngay. 

Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hãy để bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Mặc cho bệnh nhân quần áo rộng, thoáng, có thể mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường, có thể đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa. Tuy nhiên cần theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những thay đổi của người bệnh. 

Nếu người bệnh có dấu hiệu suy giảm ý thức, nôn mửa, hãy đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở. Đây còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu. 

Ở người bệnh hôn mê, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng nếu nằm ngửa, gây cản trở, bít tắc đường thở. Tư thế nằm ngửa cũng không an toàn nếu bệnh nhân nôn vì lúc này họ sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi. Điều này có thể gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Trong khi đó nếu nằm nghiêng về một bên, bệnh nhân có thể dễ dàng tống các chất nôn ra ngoài.

Ngoài ra để tránh người bệnh cắn vào lưỡi trong trạng thái không tỉnh táo, cần đặt vào miệng bệnh nhân một chiếc que hoặc đũa có quấn vải xung quanh.

Những lưu ý khi sơ cứu tai biến

Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà sẽ có những cách sơ cứu phù hợp.

2.2 Những điều không nên làm khi sơ cứu tai biến

Khi thực hiện sơ cứu tai biến tại chỗ, cần lưu ý những điều KHÔNG nên làm, cụ thể:

– Tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì vì rất dễ gây sặc, bít tắc đường thở

– Không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh

– Không cạo gió

– Không để bệnh nhân nằm quá lâu 1 chỗ

3. Tác hại của việc sơ cứu đột quỵ sai cách

Không sơ cứu kịp thời hoặc sơ cứu sai cách có thể khiến người bệnh gặp những nguy hiểm sau:

– Ngừng thở và tử vong trước khi cấp cứu đến

– Bít tắc đường thở do nuốt phải chất nôn hoặc dị vật

– Cắn vào lưỡi trong tình trạng không tỉnh táo dẫn đến tử vong

– Các phương pháp dân gian có thể không có tác dụng mà còn khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn. 

4. Ý nghĩa của cấp cứu kịp thời đối với việc cứu sống người bệnh

4.1 Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân tai biến

Các chuyên gia Nội thần kinh cho biết cứ mỗi phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, vùng não xảy ra tai biến và các mô não xung quanh sẽ bị hư hại rất khó phục hồi. 

Thời gian “vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 3 – 4,5 giờ đầu sau khi bệnh nhân có các dấu hiệu đầu tiên. Trong thời gian này, bệnh nhân thường được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch. Từ 4,5 -24 giờ, huyết khối thường sẽ được lấy ra bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương). Cấp cứu càng sớm thì khả năng người bệnh được cứu sống hay hạn chế di chứng rất cao.

Hậu quả của việc bệnh nhân tai biến không được sơ cứu kịp thời

Không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, người bệnh sẽ dễ gặp nguy hiểm do tắc nghẽn đường thở, cắn vào lưỡi,…

4.2 Hậu quả nếu không sơ cứu và cấp cứu kịp thời

Nếu bỏ qua thời gian vàng, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng hoặc có nguy cơ cao gặp phải các di chứng sau tai biến như:

– Liệt vận động: Gặp khó khăn trong việc đi lại, phối hợp các chi, cứng cơ, teo chân tay,…

– Rối loạn ngôn ngữ: Nói ngọng, nói lắp, nói khó hiểu, khó diễn đạt bằng ngôn ngữ,…

– Suy giảm nhận thức: Phản xạ, phán đoán, xử lý tình huống kém, khó làm những công việc phức tạp,…

– Trầm cảm: Do sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào người khác, lo lắng về bệnh tật,…

– Rối loạn tiểu tiện: Tiểu tiện không tự chủ thường do nằm lâu, rối loạn cơ vòng,…

Qua bài viết trên đây, hi vọng các bạn đã có thêm những kiến thức về việc cấp cứu và sơ cứu tai biến để có cách xử trí kịp thời, tránh những nguy hiểm đáng tiếc cho người bệnh. Bên cạnh đó, cần thay đổi lối sống và thăm khám thường xuyên để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital