Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh: kiến thức giúp phòng và điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm bệnh tay chân miệng dễ khởi phát thành dịch. Năm nay cũng không phải ngoại lệ khi các ca mắc đang tăng nhanh trong 1 – 2 tuần qua. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 400 trẻ mắc tay – chân – miệng. Để không phải là nạn nhân của dịch bệnh này thì việc trang bị các kiến thức cần thiết là điều vô cùng quan trọng.

Bệnh tay chân miệng là gì?

benh-tay-chan-mieng-1
Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 400 trẻ mắc tay – chân – miệng.

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Bệnh tay – chân – miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, có thể dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.

Triệu chứng của bệnh tay – chân – miệng

benh-tay-chan-mieng-2
Người bệnh tay – chân – miệng phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông

Bệnh tay – chân – miêng thường có những đặc điểm sau:
–  Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
–  Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
–  Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ.
+ Nôn.
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
–  Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra biến chứng.

benh-tay-chan-mieng-4
Tổn thương ban đầu thường dưới dạng ban đỏ và tiến triển nhanh thành một nốt phỏng nước màu xám, thành dày trên nền ban đỏ.

Tổn thương ở miệng

–  Trẻ nhỏ thường đau miệng, quấy khóc
– Bỏ bú, không chịu ăn
– Khám miệng có các vết loét màu vàng nhạt, có quầng viêm đỏ bao quanh tay đường kính 2 -3mm.
– Tổn thương ban đầu ở vùng niêm mạc môi, má. Có thể gặp ở lưỡi, ở vòm khẩu cái, lưỡi gà, cột trước amidan hoặc niêm mạc lợi.

Tổn thương ngoài ban da

  • Thường ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng kẽ ngón tay, ngón chân.
  • Tổn thương có thể không có triệu chứng hoặc gây ngứa ngáy.
  • Tổn thương ban đầu thường dưới dạng ban đỏ và tiến triển nhanh thành một nốt phỏng nước màu xám, thành dày trên nền ban đỏ.
  • Trẻ nhũ nhi thường gặp tổn thương ở nhiều vùng khác của cơ thể như thân mình, vai, mông,…
  • Ban thường không loang rộng, tồn tại trong 3-6 ngày.

Điều trị bệnh tay – chân – miệng

benh-tay-chan-mieng-3
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ

– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không, có thể điều trị tại nhà: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau (khi trẻ sốt trên 38,5 độ). Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc cho các vết loét theo chỉ định của bác sĩ.
– Đối với trường hợp nặng cần được đưa đến bệnh viện để xử trí theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu (ABC…)
– Bên cạnh đó người bệnh cần được bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Phòng bệnh tay – chân – miệng

– Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu bệnh tay – chân – miệng. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
– Rửa sạch đồ chơi của trẻ, các vật dụng, sàn nhà.
– Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital