Siêu âm sỏi bàng quang – Cách sử dụng để chẩn đoán sỏi

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang được hình thành do nhiều nguyên nhân như: Do sự ứ đọng nước tiểu lâu ngày tại bàng quang, do sỏi đường tiết niệu trên rơi xuống bàng quang… Sỏi có thể khiến người bệnh gặp những triệu chứng đau bụng, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần… Nghiêm trọng hơn sẽ chuyển biến thành viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, ung thư bàng quang… Do đó thăm khám để chẩn đoán chính xác tình trạng sỏi bàng quang sẽ giúp bác sĩ có phương hướng xử lý sỏi kịp thời, hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Siêu âm sỏi bàng quang là một trong những biện pháp được sử dụng để chẩn đoán sỏi.

1. Tìm hiểu về phương pháp siêu âm chẩn đoán sỏi bàng quang

1.1 Siêu âm sỏi bàng quang là gì, thực hiện như thế nào?

Siêu âm bàng quang là một phương pháp được sử dụng để đánh giá thể tích của bàng quang, phát hiện túi thừa bàng quang, tình trạng bàng quang dày thành, polyp, u và sỏi bàng quang. Siêu âm để chẩn đoán sỏi bàng quang là kỹ thuật sử dụng sóng âm thanh cung cấp hình ảnh của bàng quang giúp xác định được sỏi, số lượng, kích thước và vị trí của sỏi trong bàng quang.

Để có thể quan sát tốt hình ảnh bàng quang đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất, thì bàng quang căng đầy nước tiểu sẽ giúp việc siêu âm trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi. Quy trình siêu âm thông thường diễn ra rất nhanh chóng, hoàn toàn không đau, không xâm lấn. Người bệnh đơn giản chỉ cần nằm trên giường hoặc bàn siêu âm, vén phần áo để hở phần bàng quang, sau đó được bôi một lớp gel chuyên dụng lên vùng cần siêu âm. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa đầu dò máy siêu âm lên vùng da đã thoa gel và di chuyển khắp khu vực cần kiểm tra. Hình ảnh bàng quang thu được trên máy tính sẽ được bác sĩ phân tích, đánh giá, xác định sỏi  và lưu trữ lại toàn bộ sau đó chuyển lên các khoa phòng ban.

1.2 Ưu điểm của siêu âm trong chẩn đoán sỏi bàng quang

Kỹ thuật siêu âm trong chẩn đoán sỏi bàng quang không gây đau đớn, người bệnh không cần lưu viện, có thể nhanh chóng ra về. Bên cạnh đó kỹ thuật này cũng có thao tác thực hiện đơn giản, cho kết quả nhanh, và hữu ích đối với một số trường hợp đặc biệt như trẻ em hoặc phụ nữ có thai…

Hạn chế của nó là phụ thuộc vào kỹ năng của người thực hiện siêu âm, bệnh nhân quá béo, thành bụng dày đôi khi mất nhiều thời gian để tìm sỏi. Kết quả siêu âm có thể nhầm lẫn giữa sỏi với cặn nước tiểu, và không thể giúp phân biệt được các loại sỏi khác nhau. Vậy nên siêu âm không phải là một phương pháp giúp chẩn đoán chính xác, siêu âm chỉ sử dụng để hỗ trợ cho những chẩn đoán khác và giúp theo dõi được tiến triển hoặc tái phát của sỏi.

Siêu âm sỏi bàng quang - Phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán sỏi

Sỏi bàng quang được chẩn đoán thông qua nhiều xét nghiệm trong đó có siêu âm sỏi bàng quang

2. Các biện pháp khác được sử dụng để chẩn đoán sỏi bàng quang

Để có kết quả đánh giá chính xác tình trạng diễn biến của sỏi bàng quang, người bệnh có thể được kết hợp thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác.

2.1 Xét nghiệm nước tiểu

Mẫu nước tiểu thu được sẽ được phân tích xem có máu, vi khuẩn và các khoáng chất kết tinh trong nước tiểu. Dựa vào đó xác định thành phần của sỏi, tổn thương của bàng quang khi có tế bào hồng cầu trong nước tiểu…

2.2 Chụp X-Quang không chuẩn bị

Phương pháp này hiện nay thường được sử dụng nhiều trong chẩn đoán sỏi tiết niệu, giúp phát hiện sỏi cản quang ở hệ tiết niệu về hình dạng, kích thước, vị trí, số lượng… Bệnh nhân lưu ý sẽ được thụt tháo sạch trước khi chụp X-Quang và cần cởi bỏ những vật dụng kim loại trên vùng hệ tiết niệu để không ảnh hưởng đến quá trình chụp và kết quả. Tuy nhiên một số loại sỏi không cản quang sẽ không thể nhìn thấy được trên kết quả phim chụp X-Quang thông thường.

2.3 Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner)

Chụp CT hay chụp cắt lớp vi tính là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cho ra kết quả chính xác nhất sỏi và các vấn đề của hệ tiết niệu. Chụp CT giúp xác định chính xác số lượng, vị trí, kích thước của sỏi. Đặc biệt cung cấp chi tiết hình ảnh các mặt cắt của hệ tiết niệu không chỉ xác định được sỏi mà còn đánh giá được tình trạng gây ứ tiểu của sỏi, quan sát được hình ảnh chi tiết của hệ tiết niệu như nhu mô đài bể thận, các đường bài xuất, niệu quản hẹp, gấp khúc… Một số trường hợp bác sĩ có thể đề nghị chụp với thuốc cản quang để quan sát được rõ đường bài xuất.

Siêu âm sỏi bàng quang - Phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán sỏi

Bệnh nhân chụp cắt lớp và chụp X-Quang chẩn đoán sỏi tại Bệnh viện Thu Cúc

3. Các biện pháp điều trị bệnh lý sỏi bàng quang

Siêu âm cho phép xác định mắc sỏi và vị trí sỏi ở bàng quang, đồng thời kết hợp với các xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như: Chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, máu… sẽ được chỉ định thực hiện tùy theo yêu cầu của bác sĩ dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng của bệnh nhân. Từ đó bác sĩ sẽ có kết quả đầy đủ chi tiết nhất nhằm mục đích đưa ra phương hướng điều trị sỏi phù hợp. Các phương pháp điều trị sỏi bàng quang phổ biến hiện nay là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa ít sang chấn.

3.1 Điều trị nội khoa

Dựa vào kết quả chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc để hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài theo đường tiểu. Các loại thuốc bệnh nhân có thể sẽ được sử dụng là thuốc giãn cơ trơn, thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau… Kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình bài xuất sỏi ra ngoài cơ thể. Chẳng hạn như người bệnh nên uống nhiều nước để cơ thể có đủ nước thực hiện các quá trình lọc, bài tiết nước tiểu, hạn chế cặn lắng, ứ đọng lâu ngày.

3.2 Điều trị ngoại khoa ít sang chấn

Hiện nay đối với sỏi bàng quang >1cm hoặc <1cm mà không tự bài xuất ra ngoài theo dòng nước tiểu, phương hướng điều trị ưu tiên được lựa chọn đó là tán sỏi nội soi ngược dòng. Với phương pháp này người bệnh hoàn toàn không có vết mổ, ít sang chấn bởi toàn bộ quá trình loại bỏ sỏi diễn ra qua đường tự nhiên của cơ thể là đường ống dẫn nước tiểu. Người bệnh cần đáp ứng không có hẹp niệu đạo, không có chống chỉ định gây mê hồi sức… Thông qua lỗ tiểu, một ống nội soi chuyên dụng sẽ được đưa vào niệu đạo tới bàng quang để tìm sỏi. Sau khi đã xác định được sỏi, năng lượng laser từ dây dẫn đưa vào bàng quang sẽ được phát để bắn phá sỏi thành vụn nhỏ. Vụn sỏi sau đó sẽ được gắp bỏ hoàn toàn giúp bàng quang sạch sỏi.

Người bệnh sau khi thực hiện điều trị bằng kỹ thuật này thường nhanh phục hồi sức khỏe, chỉ sau khoảng 1-2 ngày nằm viện là có trở về nhà sinh hoạt và làm việc. Ngay sau vài giờ tán sỏi bệnh nhân cũng có thể tự chủ động chăm sóc, vệ sinh cá nhân, đi lại nhẹ nhàng bởi cơ thể không có vết mổ, ít đau, ít chảy máu, hạn chế nhiễm trùng…

Khi người bệnh không đáp ứng được cả điều trị nội khoa và tán sỏi bàng quang qua nội soi ngược dòng sử dụng laser bắn phá thì phẫu thuật mổ mở lấy sỏi sẽ là biện pháp cuối cùng để đưa sỏi ra khỏi cơ thể.  

Siêu âm sỏi bàng quang - Phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán sỏi

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp có ưu điểm vượt trội trong xử lý sỏi bàng quang

4. Kết luận

Sỏi bàng quang có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có siêu âm sỏi bàng quang. Đây là kỹ thuật đơn giản, có chi phí thấp, tuy nhiên để xác định chính xác nhất tình trạng sỏi bàng quang để có thể kết luận và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân thường sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số kỹ thuật khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital