Sau tán sỏi niệu quản cần lưu ý những gì, chăm sóc ra sao?

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Nội trú Cộng hòa Pháp

Nguyễn Thị Thu Hương

Bác sĩ Nội Khoa

Chăm sóc người bệnh sau tán sỏi niệu quản là rất quan trọng nhưng không phải ai cũng biết để thực hiện đúng. Khi chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau tán sỏi hoặc khiến sỏi tái phát trở lại. 

1. Vì sao người bệnh sau tán sỏi niệu quản cần được chăm sóc tốt?

Tán sỏi niệu quản chính là các phương pháp tán sỏi hiện đại, sử dụng nguồn năng lượng từ laser để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và dễ dàng hút sạch ra ngoài. 

Quá trình tán sỏi sẽ được thực hiện nhanh chóng và hầu như không gây nhiều đau đớn cho người bệnh nhưng vẫn cần lưu ý và thực hiện chăm sóc cẩn thận.

1.1. Những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra sau tán sỏi niệu quản

Dù đã loại sạch sỏi một cách an toàn và thực hiện theo dõi 1-3 ngày tại bệnh viện thì sau khi trở về nhà người bệnh vẫn cần lưu ý tới sức khỏe. Trong trường hợp phát hiện một số bất thường dưới đây sẽ cần tới ngay cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và can thiệp kịp thời.

– Xuất hiện các cơn đau quặn thận: Đau thắt lưng tại bên tán sỏi rồi cơn đau lan xuống bẹn và cơ quan sinh dục, mức độ đau tăng dần và xuyên ra sau lưng.

– Tiểu ra máu: Dấu hiệu này cảnh báo nguy cơ tổn thương bàng quang, niêm mạc niệu quản hoặc vùng niệu đạo.

Tiểu buốt, tiểu khó, tiểu rắt lẫn máu: Hiện tượng này xảy ra sau khi rút ống thông niệu quản khiến quá trình lưu thông nước tiểu gặp khó khăn.

– Bị sốt rét: Dấu hiệu của biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

– Các trường hợp bị chướng bụng, đau bụng nhiều có thể do thủng bàng quang hay thủng niệu quản.

1.2. Lợi ích của việc chăm sóc sau tán sỏi niệu quản

Giai đoạn đầu tán sỏi là giai đoạn khá nhạy cảm vì tỷ lệ biến chứng cao và sẽ quyết định tới khả năng hồi phục. Chính vì thế, khi người bệnh được chăm sóc tốt sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề giúp nâng cao hiệu quả điều trị. 

– Loại bỏ các mảnh sỏi còn sót lại ra ngoài.

– Ngăn ngừa quá trình hình thành sỏi hay liên kết các mảnh sỏi còn lại.

– Thuyên giảm các triệu chứng khó chịu như: Tiểu ra máu, tiểu rắt, các cơn đau sau tán sỏi,..

– Ngăn ngừa biến chứng viêm nhiễm đường niệu sau tán sỏi

– Khắc phục những tác nhân hình thành sỏi, giảm tỷ lệ tái sỏi trở lại.

Lưu ý chăm sóc sau tán sỏi niệu quản

Theo dõi các dấu hiệu bất thường nếu có để đưa ra phương án xử lý kịp thời.

2. Sau tán sỏi nên ăn gì?

Để đảm bảo sỏi sẽ không tái phát trở lại và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, ổn định sức khỏe thì cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng cụ thể như sau:

– Sau tán sỏi thể trạng của người sẽ yếu đi nên ban đầu sẽ ăn các loại đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp.

– Sau khoảng 2-3 ngày, tình trạng đã ổn định hơn, khi đó người bệnh nên ăn các thực phẩm để tăng cường sức đề kháng như  thịt nạc, cá, rau xanh, sữa, các loại hoa quả,.. 

– Bổ sung thực phẩm giàu canxi: Một sai lầm của người bệnh sỏi là loại bỏ canxi khỏi chế độ ăn. Trên thực tế, bổ sung lượng canxi phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa hình thành sỏi và rất tốt cho cơ thể. 

– Uống đủ nước từ 2-4l/ngày và các loại thức uống lợi tiểu như: nước ép rau cần tây, nước hoa quả (cam, chanh, bưởi,..),  nước ngô non luộc, nước đậu đen,…

– Bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin và dễ tiêu hóa như: rau lang, rau mồng tơi, rau diếp cá, chuối, đậu phụ, rau đay, súp lơ,…

– Bổ sung thêm các thực phẩm có khả năng kháng khuẩn tốt như: hành, hẹ, mật ong, nghệ, gừng, bắp cải,… Sau khi uống hết thuốc kháng sinh giảm đau thì các thực phẩm này sẽ có ích rất nhiều trong việc chống nhiễm khuẩn ngược dòng.

Sau tán sỏi niệu quản nên ăn gì

Xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm cần thiết sau quá trình tán sỏi

3. Sau tán sỏi cần kiêng ăn gì?

Ngoài các thực phẩm cần bổ sung thì người bệnh cũng cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm, đồ uống dưới đây:

– Hạn chế ăn chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ

– Hạn chế ăn mặn, giảm muối trong bữa ăn

– Tránh các đồ ăn khó tiêu, cứng để giảm việc co bóp dạ dày

– Kiêng các loại đồ uống chứa chất kích thích như: cà phê, bia, rượu, trà đặc.

– Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng, thuốc bổ mà chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.

Sau tán sỏi niệu quản cần kiêng ăn gì

Sau tán sỏi cần hạn chế các loại thực phẩm không lành mạnh, đồ uống chứa chất kích thích

4. Chế độ vận động và thăm khám sau tán sỏi

Vận động được coi là một trong những cách phòng ngừa sỏi hiệu quả. Tuy nhiên, đối với người bệnh sau tán sỏi cần lưu ý như sau để có chế độ vận động đúng cách. Cụ thể:

– Người bệnh nên nằm nghỉ tại giường hoặc đi lại nhẹ nhàng trong giai đoạn sau tán sỏi ít nhất 1-2 ngày theo chỉ dẫn từ bác sĩ.

– Sau khoảng từ 5-7 ngày thì có thể bắt đầu tập thể dục cường độ thấp rồi tăng dần mức độ nhưng lưu ý không vận động quá sức cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Về chế độ thăm khám, người bệnh nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiết niệu 6 tháng/lần trong 5 năm đầu để theo dõi bệnh thường xuyên và kiểm soát khả năng tái sỏi, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Như vậy, đối với việc chăm sóc người bệnh sau tán sỏi niệu quản, người bệnh cần quan tâm tới chế độ ăn uống, vận động và thăm khám để có được hiệu quả điều trị là tốt nhất. Hiện nay, các phương pháp tán sỏi hiện đại đã và đang được áp dụng rộng rãi với lợi thế không mổ, không đau, sạch sỏi an toàn và người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm dứt điểm nỗi lo về sỏi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital