Sa trực tràng ở trẻ em khi nào cần phải phẫu thuật?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Sa trực tràng ở trẻ em là tình trạng một phần hoặc toàn bộ trực tràng chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh sa trực tràng thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi (chủ yếu là sa niêm mạc trực tràng). 

sa trực tràng ở trẻ em là gì

Sa trực tràng là tình trạng phần dưới trực tràng lòi ra ngoài hậu môn.

1. Nguyên nhân gây sa trực tràng ở trẻ em

Nguyên nhân được chia làm 2 nhóm:

1.1 Do cấu tạo ở hậu môn trực tràng

Bất thường do cấu trúc giải phẫu ở chỗ gập góc giữa bóng trực tràng và ống hậu môn. 

Cơ thắt hậu môn mất chức năng hoặc suy giảm chức năng 

Đối với sa trực tràng toàn bộ có thể do các bất thường trong cấu trúc giải phẫu như: hậu môn bị doãng, trùng nhão cơ nâng và hệ thống cơ thắt, túi cùng Douglas quá sâu và rộng, mất độ cong sinh lý của trực tràng, mất góc hậu môn – trực tràng, không có đầy đủ phương tiện cố định ở phía sau trực tràng,…

1.2 Do bệnh lý khác gây nên

Một số bệnh lý có thể làm tăng áp lực ổ bụng đột ngột, kéo dài, khiến trẻ phải dặn nhiều dễ gây sa trực tràng như: 

  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Kiết lỵ
  •  Ho gà
  • Hẹp bao quy đầu,…

2. Các dạng, mức độ sa trực tràng

các mức độ sa trực tràng

Trẻ em chủ yếu là sa niêm mạc trực tràng, sa trực tràng một phần, hiếm khi sa toàn bộ.

2.1 Sa trực tràng gồm 2 dạng chính là: sa toàn bộ và sa niêm mạc

  • Sa trực tràng toàn bộ là tình trạng cả 3 lớp của thành trực tràng bị lộn ra ngoài lỗ hậu môn
  • Sa niêm mạc trực tràng là phần cuối của niêm mạc trực tràng, hậu môn sa ra ngoài lỗ hậu môn, lớp cơ vẫn ở trị trí bình thường. 

Ở trẻ em chủ yếu là sa niêm mạc trực tràng

2.2 Sa niêm mạc trực tràng ở trẻ em có 4 mức độ:

  • Sa niêm mạc sau rặn đại tiện sau đó tự co lên được
  • Sa sau dặn đại tiện sau đó không tự co được phải lấy tay đẩy lên
  • Sa xuống dễ dàng khi trẻ ho, hắt hơi, đi bộ, ngồi xổm hay gắng sức nhẹ
  • Sa thường xuyên, không gắng sức vẫn bị sa ra ngoài hậu môn khó đẩy lên được.

2.3 Xét theo chu vi của vòng hậu môn gồm có 2 loại:

  • Sa cả vòng chu vi
  • Sa một phần chu vi (⅓, ½, ⅔ vòng)

3. Sa trực tràng ở trẻ em có nguy hiểm không? 

Ở trẻ chủ yếu là sa niêm mạc đơn thuần do sự liên kết giữa lớp niêm mạc và cơ chưa được phát triển hoàn chỉnh. Do đó, phần lớn sa trực tràng ở trẻ là lành tính, ít gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên chúng lại gây ra nhiều phiền toái trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh hàng ngày của trẻ. Gây tâm lý lo lắng, sợ hãi cho các bậc phụ huynh bởi nhìn thấy khối ruột sa ra ngoài. 

Nguy hiểm nhất là khi sa trực tràng kèm theo biến chứng. Nghĩa là, không những khối ruột bị sa ra ngoài hậu môn mà còn kèm theo một số biến chứng như chảy máu, viêm loét trực tràng, thắt nghẹt, tắc ruột, vỡ trực tràng, sa trực tràng kèm theo sa bộ phận sinh dục ở nữ, sa trực trực kèm theo thoát vị đáy chậu,… cần can thiệp ngay để tránh biến chứng nguy hiểm. 

4. Trẻ bị sa trực tràng khi nào cần phẫu thuật? 

sa trực tràng ở trẻ em chủ yếu là điều trị nội khoa

Sa trực tràng ở trẻ nhỏ chủ yếu là điều trị nội khoa để bảo tồn

Đại đa số sa niêm mạc trực tràng ở trẻ em có thể điều trị nội khoa để bảo tồn và điều trị tích cực các yếu tố gây áp lực lên hậu môn trực tràng ở trẻ như táo bón lâu ngày, tiêu chảy kéo dài, …. Đợi đến khi bé lớn hơn, cơ thể con dần ổn định hơn, có thể tự thay đổi, điều chỉnh cấu trúc giải phẫu vùng đáy chậu khi đó khối sa trực tràng có thể tự co lên mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Chỉ thực hiện phẫu thuật trong trường hợp sa trực tràng vẫn còn bị sau 3 tuổi, khối sa có chiều dài trên 3 cm. Và các trường hợp sa trực tràng có kèm theo biến chứng nguy hiểm đã nêu trên. 

5. Phẫu thuật sa trực tràng ở trẻ như thế nào? 

Ưu tiên điều trị nội khoa để bảo tồn, trong trường hợp cần thiết phải phẫu thuật bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật khâu vòng hậu môn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây xơ cứng và chít hẹp hậu môn, do đó các bác sĩ sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật và trao đổi cụ thể để phụ huynh nắm được tình hình. 

Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, có nhiều phương pháp tiên tiến được đưa ra để thảo luận xử trí phẫu thuật sa trực tràng ở trẻ. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe của con, tình trạng sa ưu tiên điều trị bảo tồn, trong trường hợp điều trị nội khoa không thể giải quyết được vấn đề, các bác sĩ sẽ hội chẩn để đưa ra phương pháp tốt nhất cho con.

6. Những điều cần lưu ý đối với trẻ bị sa trực tràng 

trẻ bị sa trực tràng không nên ngồi xổm, ngồi bô

Sa trực tràng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đặc biệt là đại tiện hàng ngày của trẻ. Trẻ bị sa trực tràng không nên ngồi xổm, ngồi bô.

  • Không cho trẻ ngồi bô hoặc ngồi xổm khi đi đại tiện vì điều này có thể gây tăng áp lực lên hậu môn trực tràng khiến sa dễ dàng hơn. 
  • Khi trẻ đi vệ sinh sau khi vệ sinh sạch sẽ cho trẻ mẹ có thể dùng hai đầu ngón tay trỏ và tay giữ đẩy nhẹ khối sa lên (cần đảm bảo tay của mẹ cũng phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập vào khối ruột bị sa ra ngoài và mẹ cũng không nên để móng tay dài vì có thể gây xước, tổn thương khối ruột gây nhiễm trùng).
  • Khi khối sa bị mắc kẹt bên ngoài không đẩy lên được, mẹ có thể dùng gạc thấm nước ấm (đảm bảo là gạc phải sạch và nước sạch) sau đó đắp lên khối sa và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa nhi để bác sĩ kiểm tra và có hướng tư vấn hoặc xử trí kịp thời tốt nhất cho con. 
  • Với những trẻ đã bị sa trực tràng, cần tuân thủ khám lại định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để đánh giá tình trạng và có chỉ định can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tốt nhất khi trẻ có dấu hiệu táo bón, tiêu chảy, ho nhiều, thoát vị bẹn,… mẹ nên cho bé đi thăm khám sớm để bác sĩ nhi khoa xử trí cho con, tránh để bệnh kéo dài dễ gây biến chứng sa trực tràng. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital