Rối loạn tiền đình phải kiêng gì để không tái phát?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Rối loạn tiền đình kéo dài có thể gây ra biến chứng khó lường và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy người bị rối loạn tiền đình phải kiêng gì để không bị tái phát nhiều lần? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa thắc mắc trên.

1. Người bị rối loạn tiền đình phải kiêng gì?

Rối loạn tiền đình là trạng thái mất cân bằng về tư thế và ngày càng trở nên phổ biến ở bất kỳ độ tuổi nào. Dấu hiệu phổ biến nhất ở người bị rối loạn tiền đình là hoa mắt chóng mặt, choáng váng, khó giữ thăng bằng khi đột ngột thay đổi tư thế vận động như đứng lên – ngồi xuống, cúi, xoay người. Có rất nhiều lưu ý đối với người bị rối loạn tiền đình bao gồm chế độ ăn uống, đơn thuốc, thói quen hàng ngày,…

1.1. Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo

Đối với người bị rối loạn tiền đình, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là ưu tiên số một nhằm giảm thiểu tình trạng cholesterol trong máu cao. Cụ thể, bạn cần hạn chế ăn một số thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như:

– Thịt đỏ, mỡ động vật (lợn, bò, bơ,…) và kem sữa bò.

– Hạn chế chế biến và sử dụng dầu cọ, dầu dừa – vốn có mặt trong kem thực vật (dùng để uống với cà phê), bánh kem, kẹo chocolate,…

– Giảm thiểu ăn các loại bánh nướng lò, bơ thực vật dạng thỏi và bánh.

– Hạn chế các loại thực phẩm ăn liền, chế biến sẵn như mì ăn liền hoặc sản phẩm dạng rán như khoai tây chiên,…

Theo đó, người bệnh chỉ nên ăn thịt nạc, cá, bổ sung rau củ, thịt gia cầm bỏ da, các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo thấp,… để giảm cholesterol máu, tránh gây tắc động mạch.

Không chỉ hạn chế dung nạp các loại thực phẩm giàu chất béo, người bị rối loạn tiền đình còn được khuyến cáo xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt không ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm. Điều này không chỉ khiến hệ tiêu hóa làm việc “quá tải” mà còn khiến lượng cholesterol đọng lại trên thành động mạch và là thủ phạm hàng đầu gây xơ vữa động mạch.

Rối loạn tiền đình phải kiêng gì

Thức ăn giàu chất béo là “thủ phạm” khiến tình trạng rối loạn tiền đình trở nặng

1.2. Không uống đồ có cồn và chất kích thích

Các bác sĩ khuyến cáo người bị rối loạn tiền đình nên kiêng những đồ uống có chứa chất kích thích như caffeine. Ngoài ra, các loại đồ uống có cồn như: rượu, bia,… cũng nên hạn chế, vì chúng gây tác động lên hệ thần kinh và là nguyên nhân trực tiếp gây ra các cơn đau đầu. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến quá trình và kết quả điều trị bệnh. Thay vào đó, người bệnh nên nạp đủ nước cho cơ thể và ưu tiên các loại nước lọc, nước ép trái cây tốt cho cơ thể.

1.3. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc

Nếu bạn là người có cơ địa dễ chóng mặt thì cần cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc sau:

– Thuốc kháng axit vì trong thành phần có chứa một lượng lớn natri.

– Một số loại thuốc kháng viêm có thể gây ứ nước, mất cân bằng điện giải hoặc ù tai.

– Nicotine làm giảm lưu lượng máu cung cấp đến tai, gây ra hiện tượng ù tai. Chính vì thế, người bị rối loạn tiền đình được bác sĩ khuyến cáo không nên hút thuốc lá.

Đừng quên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý và đơn thuốc đang sử dụng để có hướng xử trí kịp thời. Ngoài ra, người bị rối loạn tiền đình cần chú ý ăn nhạt, giảm đường và muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, người bệnh nên xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày giàu sắt, vitamin B6, C, D và khoáng chất như: Cá, các loại đậu, rau lá xanh, các loại ngũ cốc, uống nhiều nước lọc thay vì nước có gas hoặc đường,…

rối loạn tiền đình kiêng gì?

Thuốc lá gây ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh, người bị rối loạn tiền đình nên kiêng.

2. Thời gian kiêng trong bao lâu?

Trên thực tế, khẩu phần dinh dưỡng và một số thói quen hàng ngày của người bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình điều trị rối loạn tiền đình. Do vậy, việc kiêng khem tốt nhất kéo dài ít nhất là tới khi bệnh đã được kiểm soát và có tiến triển tốt. Rối loạn tiền đình có thể được chữa khỏi và hạn chế tái phát nếu như bạn biết kiểm soát, chăm sóc và có các biện pháp phòng ngừa tốt.

Để biết chính xác rối loạn tiền đình phải kiêng gì và kiêng trong bao lâu, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và tư vấn kế hoạch xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp bởi các bác sĩ chuyên khoa.

3. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bị rối loạn tiền đình

3.1. Không nên kiêng khem quá đà

Nên nhớ rằng, việc cắt giảm đột ngột các loại thực phẩm giàu chất béo ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày dễ khiến cơ thể bị mệt mỏi, thiếu năng lượng. Trường hợp kiêng khem quá đà có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, do vậy bạn nên điều chỉnh thực đơn hàng ngày để cơ thể làm quen dần với sự thay đổi này.

Tốt nhất, bạn nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để biết chính xác thực phẩm nên kiêng ăn, định lượng và thời gian kiêng trong bao lâu để đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

3.2. Khám sức khỏe định kỳ

Không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, rối loạn tiền đình nếu không điều trị kịp thời còn dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như: Chấn thương, thậm chí đột quỵ do thiếu máu lưu thông lên não,… Bởi vậy, song song với việc điều trị dứt điểm thì dự phòng nguy cơ tái phát là vô cùng quan trọng.

Khám sức khỏe định kỳ, nhất là thăm khám sức khỏe hệ thần kinh não bộ là cách tốt nhất giúp bạn chủ động phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của tiền đình có thể xảy ra và một số bệnh lý nền nguy hiểm khác như: mỡ máu cao, tăng huyết áp, huyết áp thấp,… Tùy tình trạng thực tế của bệnh nhân, có bác sĩ sẽ chỉ định chu kỳ thăm khám dành cho bạn. Nếu không bạn cũng nên duy trì thăm khám từ 3 – 6 tháng/lần. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ theo dõi được tiến triển của bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

rối loạn tiền đình nên làm gì?

Khám sức khỏe hệ thần kinh – não bộ thường xuyên là điều kiện tiên quyết giúp phòng ngừa nguy cơ mắc hoặc tái phát bệnh rối loạn tiền đình.

Hi vọng qua bài viết bạn đã biết rối loạn tiền đình phải kiêng gì, trong thời gian bao lâu và các biện pháp phòng ngừa. Lưu ý, những kiến thức trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh bị rối loạn tiền đình nên đi khám sớm và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để tránh những nguy hiểm khôn lường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital