Phụ huynh có biết thuốc cảm cúm trẻ em gồm những loại nào?

Tham vấn bác sĩ

Nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa họng và ho mà những dấu hiệu điển hình bé đã nhiễm cảm cúm. Nếu nhẹ, bệnh cảm cúm có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc. Tuy nhiên, đa phần cha mẹ vẫn cần dùng đến thuốc cảm cúm trẻ em để hỗ trợ trẻ giảm nhanh các triệu chứng và bớt mệt mỏi. Các bậc phụ huynh liệu đã nắm rõ những thông tin về các loại thuốc có thể sử dụng mỗi khi trẻ bị cảm cúm?

1. Phân biệt cảm lạnh thông thường với cúm mùa

Với những triệu chứng khá tương đồng với nhau, cảm lạnh và cúm mùa thường bị nhầm lẫn, đôi khi còn bị đánh đồng là một bệnh vì đây đều là những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, đây lại là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau nếu xét về nguyên nhân gây bệnh. Cúm mùa là bệnh hô hấp truyền nhiễm cấp tính bị gây ra bởi virus cúm A, B. Trong khi đó, nguyên nhân cảm lạnh có thể do rất nhiều nhóm virus như Coronavirus, Rhinovirus, Enterovirus,… Trẻ em, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi thường có nguy cơ cao bị cảm lạnh, thậm chí cảm lạnh nhiều lần trong 1 năm nhưng cảm cúm có thể xuất hiện với tần suất ít hơn. Tùy vào trường hợp cụ thể nhưng đa phần những biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện sau từ 1 đến 3 ngày trẻ bị nhiễm bệnh.

thuốc cảm cúm trẻ em

Cảm lạnh và cảm cúm thường khó phân biệt với nhau

Những triệu chứng để phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm đó là:

– Cảm lạnh:
+ Đau họng.
+ Chảy nước mũi.
+ Chảy nước mắt.
+ Hắt xì.
+ Mệt mỏi.
+ Ho.
+ Sốt nhẹ
+ Đau đầu (hiếm gặp).

– Cảm cúm
+ Sốt cao
+ Đau đầu
+ Đau cơ bắp, mình mẩy. Nếu trẻ chưa biết nói thì sẽ quấy khóc hơn bình thường
+ Chảy nước mũi
+ Đau họng
+ Ho
+ Chán ăn
+ Buồn nôn và nôn

2. Những loại thuốc cảm cho trẻ em thường dùng

Thuốc cảm cúm cho trẻ về cơ bản dùng để điều trị những triệu chứng lâm sàng, hỗ trợ trẻ nhanh chấm dứt những biểu hiện bệnh và nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ngăn chặn bệnh tăng nặng hơn.

2.1. Thuốc cảm cúm trẻ em giúp giảm ho

Cơ chế của đa phần những loại thuốc giảm ho hiện nay là tác động vào hệ thần kinh trung ương, giúp giảm các phản xạ ho của trẻ. Những loại thuốc giảm ho có thể kể đến là codein, pholcodin, dextromethorphan. Trong đó codein thường gây ra cảm giác buồn ngủ, táo bón và có thể phụ thuộc thuốc nên không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, cũng không khuyến khích dùng cho đối tượng thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi.

Hai loại thuốc còn lại là pholcodin, dextromethorphan sẽ ít tác dụng phụ hơn nhưng vẫn ít nhiều mang đến cảm giác buồn ngủ, nếu trẻ đang cần tỉnh táo để học tập thì cũng nên hạn chế uống những loại này.

Thuốc giảm ho chỉ dùng hiệu quả đối với trường hợp trẻ bị ho khan, nếu là ho có đờm thì sẽ không có nhiều tác dụng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc dextromethorphan trong trường hợp trẻ bị hen suyễn hoặc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

2.2. Thuốc cảm cúm trẻ em giúp thông mũi

Thuốc thông mũi có tác dụng giúp co mạch, làm giảm sưng nề vùng niêm mạc ở bên trong mũi, từ đó giúp cho các triệu chứng như nghẹt mũi, khó thở giảm xuống.

Những thuốc có tác dụng giúp thông thoáng mũi là pseudoephedrine, ephedrine và phenylephrine. Các loại thuốc trên có tác dụng chính là thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ là tăng nhịp tim, huyết áp và có thể khiến trẻ bị khó ngủ. Do vậy, nếu trẻ bị huyết áp cao không nên dùng những loại thuốc này. Không nên uống thuốc quá sát giờ đi ngủ. Những bệnh nhi bị tăng nhãn áp cần sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa nếu muốn sử dụng các loại thuốc này.

thuốc cảm cúm trẻ em

Thuốc cảm cúm làm giảm các triệu chứng, giúp trẻ dễ chịu hơn

Đa phần các trường hợp đều không nên sử dụng thuốc nhỏ, xịt mũi dài ngày vì có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.

2.3. Thuốc long đờm

Thuốc long đờm có tác dụng chính là làm cho đờm loãng ra và được đẩy ra bên ngoài đường hô hấp. Sau khi đờm được làm loãng, trẻ sẽ có cảm giác muốn ho và ho để tống hết đờm ra khỏi cơ thể.

2.4. Thuốc hạ sốt giảm đau

Triệu chứng thường thấy nhất của trẻ bị bị cảm cúm đó là đau nhức người và sốt. Những loại thuốc hạ sốt có thể dùng để giảm đau hạ sốt có thể kể đến là: aspirin, ibuprofen hay paracetamol. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều có thể dùng bất kỳ 1 trong 3 loại trên.

Ibuprofen và aspirin đều có những tác dụng phụ không tốt lên niêm mạc của dạ dày. Những trẻ dưới 16 tuổi không dùng aspirin vì nguy cơ cao mắc phải hội chứng Reye, trừ những trường hợp đặc biệt có chỉ định của bác sĩ. Riêng ibuprofen, không dùng để hạ sốt trong trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết.

Tất cả những loại thuốc hạ sốt trên cần được sử dụng đúng liều lượng đối với mỗi độ tuổi khác nhau. Những trẻ có vấn đề về gan thận cần được sự tư vấn của bác sĩ vì thuốc có thể ảnh hưởng đến gan thận, thậm chí là nguy hiểm cho tính mạng nếu như sử dụng thuốc vượt quá liều dùng cho phép.

2.5. Thuốc kháng histamin

Một trong những loại thuốc mà bác sĩ có thể kê cho trẻ khi bị cảm lạnh đó là thuốc kháng histamin. Thuốc có tác dụng điều trị những cơn ho, nhất là những cơn ho ban đêm, ho do viêm mũi dị ứng và do chảy dịch mũi. Đồng thời thuốc cũng làm nhẹ các triệu chứng như hắt xì hơi và chảy nước mũi.

Đa phần thuốc kháng histamin sẽ là brompheniramine hoặc chlorpheniramine. Như vậy, thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ, dù không nhiều nhưng cũng không nên cho trẻ uống nếu như đang cần tỉnh táo và tập trung.

Với những trẻ bị mắc các bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc tăng nhãn áp, phì đại tiền liệt tuyến thì cần trao đổi kỹ trước với bác sĩ về quyết định dùng thuốc.

3. Sử dụng thuốc trị cảm ho trẻ cần phải lưu ý những gì?

Trước khi cho trẻ uống thuốc cảm, cha mẹ cần đọc kỹ những hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm, đồng thời tuân thủ đúng liều lượng mà nhà sản xuất và bác sĩ khuyến cáo.

Cần nắm rõ những tác dụng phụ có thể có của thuốc trong quá trình cho trẻ dùng để có thể có những xử trí thích hợp và kịp thời.

thuốc cảm cúm trẻ em

Cần tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi dùng thuốc cảm cúm

Không cho trẻ dùng các chất kích thích khi đang dùng thuốc vì có thể xuất hiện độc tố tương tác với thuốc khiến cho hiệu quả điều trị bị giảm xuống.

Như đã nói ở trên, nhiều loại thuốc cảm cúm có tác dụng phụ khiến cho người bệnh bị buồn ngủ. Vì vậy, nên cho trẻ uống thuốc trước khi đi ngủ và tránh những thời điểm cần phải tỉnh táo tập trung như khi đi thi, học hành,…

Cũng có những loại thuốc gây ra khó ngủ thì cha mẹ không cho trẻ uống sát giờ đi ngủ quá.

Nên cho trẻ uống thuốc tại một thời điểm cố định trong ngày để đạt được hiệu quả thuốc tối ưu. Trong trường hợp bị quên liều thì dùng lại sớm nhất. Nếu thời điểm nhớ ra gần với giờ uống thuốc kế tiếp thì có thể bỏ qua liều cũ, tuyệt đối không cộng dồn liều với nhau.

Như vậy, những loại thuốc cảm cúm cho trẻ em sẽ có tác dụng kiểm soát, làm giảm các triệu chứng khó chịu của trẻ mỗi khi bị cảm cúm. Để đem lại những hiệu quả tốt nhất khi dùng thuốc, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn và khuyến cáo. Nếu sau từ 10 đến 14 ngày uống thuốc mà các triệu chứng không thuyên giảm đi thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám nhằm tìm hiểu nguyên nhân cũng như tìm ra phương án điều trị khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital