Số liệu năm 2018 của tổ chức nghiên cứu ung thư toàn cầu cho thấy số người mắc ung thư phổi tại Việt Nam khá cao ở cả nam và nữ. Tỷ lệ tử vong gần 20%, tương đương cứ 5 bệnh nhân ung thư phổi sẽ có 1 người tử vong. Đây là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất nhưng chưa có phương pháp điều trị triệt để. Phác đồ điều trị ung thư phổi hiện nay chủ yếu ngăn bệnh tiến triển nặng hơn, áp dụng tùy giai đoạn bệnh và cơ địa bệnh nhân.
Menu xem nhanh:
1. Phác đồ điều trị bệnh ung thư phổi theo từng giai đoạn
1.1. Phác đồ điều trị bệnh ung thư phổi ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư phổi – giai đoạn 1 và 2
Lúc này vị trí ung thư còn khu trú tại chỗ, chưa lan rộng. Do đó, phác đồ điều trị thường được áp dụng có thể là xạ trị và phẫu thuật nhằm điều trị triệt căn. Mục đích là ngăn tình trạng di căn. Tùy trường hợp, trong đó có những bệnh nhân được chỉ định thực hiện hóa trị trước.
1.2. Phác đồ điều trị bệnh ung thư phổi ở các giai đoạn sau và cuối – giai đoạn 3, giai đoạn 4
Lúc này đã xảy ra tình trạng di căn và vị trí ung thư đã lan ra xa. Vì vậy giai đoạn này phác đồ phù hợp là chủ yếu nhằm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống.
Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định liệu pháp điều trị toàn thân như hóa trị, với tác dụng nhắm trúng đích và tạo miễn dịch. Bên cạnh đó, căn cứ vào tùy từng trường hợp bệnh nhân với hiện trạng bệnh và thể trạng khác nhau, các bác sĩ cũng có thể tư vấn kết hợp dử dụng bổ sung các biện pháp điều trị tại chỗ như xạ trị hay phẫu thuật.
2. Phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi bằng xạ trị
Khi áp dụng phương pháp xạ trị để ngăn chặn ung thư phổi, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ sử dụng bức xạ ion hoá hoặc tia X với cường độ cao để loại bỏ tế bào ung thư, đồng thời ngăn chặn các tế bào này phát triển.
Đây là một công nghệ tiên tiến trong khoa học giúp phá hủy hoàn toàn vùng nhiễm bệnh. Xạ trị có ưu điểm là tính an toàn cao hơn so với nhiều phương pháp khác. Phương pháp này cũng chỉ tác động can thiệp vào vùng cần điều trị mà không ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh. Bên cạnh đó xạ trị cũng không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Hạn chế của phương pháp xạ trị là chỉ áp dụng hiệu quả trong các giai đoạn đầu của bệnh, với những khối u chưa lớn, chưa di căn, đang còn trong quá trình hình thành. Ngoài ra, ở người bệnh áp dụng phương pháp này có ghi nhận một số phản ứng phụ như tiêu chảy, sốt cao, người mệt mỏi…
2.1. Các hình thức xạ trị
Hiện tại, có 2 hình thức chính trong xạ trị gồm có:
– Xạ trị bên ngoài, nghĩa là sử dụng thiết bị tác động từ bên ngoài cơ thể để phóng tia xạ đến xử lý khối u.
– Xạ trị bên trong, nghĩa là chất phóng xạ được đặt trong các dụng cụ chuyên dụng như kim, hạt hoặc dây nhằm đưa trực tiếp vào khối u hoặc vị trí cạnh khối u để tác động loại bỏ nó.
2.2. Vai trò của thiết bị xạ trị hiện đại
Với sự phát triển của y học hiện đại, hiện đã ra đời những hệ thống máy xạ trị thế hệ mới, giúp gia tăng độ chính xác và hiệu quả của phương pháp điều trị. Các thiết bị tiên tiến giúp xác định và đưa tia xạ đến chính xác vị trí của khối u. Từ đó sẽ điều chỉnh liều lượng tia xạ cho phù hợp.
3. Sử dụng hóa trị trong điều trị ung thư phổi
Hóa trị là phương pháp dùng thuốc để ngăn tế bào ung thư phát triển, bằng cách tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phân chia tế bào. Với phương pháp hóa trị toàn thân, thuốc sẽ đi vào máu qua các đường như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hay đường uống đi đến vị trí các tế bào ung thư trong toàn bộ cơ thể và loại bỏ chúng.
Phác đồ điều trị ung thư phổi bằng hóa trị thường được kết hợp với phẫu thuật và xạ trị để tăng hiệu quả. Theo đó, hóa trị sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn những tế bào ung thư sau phẫu thuật và xạ trị. Có 2 loại hóa trị tùy vào loại khối u và từng giai đoạn bệnh. Với ung thư phổi giai đoạn đầu sẽ áp dụng hóa trị tân bổ trợ trước phẫu thuật, để loại bỏ các tế bào di căn vi thể, giảm kích thước khối u. Còn với ung thư phổi giai đoạn sau sẽ áp dụng hóa trị bổ trợ dùng sau phẫu thuật.
4. Phác đồ điều trị bệnh ung thư phổi bằng phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được tư vấn áp dụng với người mắc ung thư phổi giai đoạn đầu, khi khối u còn khu trú, chưa di căn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u nhằm loại bỏ nguy cơ ung thư lan rộng. Một số bệnh nhân có thể được hóa trị bổ trợ trước và sau điều trị triệt để. Hiện có 4 loại phẫu thuật trị ung thư phổi được chọn áp dụng tùy vào kích thước khối u, bao gồm:
– Phẫu thuật loại bỏ khối u và một ít mô bình thường xung quanh khối u, hay còn gọi là phẫu thuật hình chêm. Trường hợp cần loại bỏ nhiều mô hơn sẽ chuyển thành phẫu thuật cắt một phần thùy phổi
– Phẫu thuật cắt một thùy phổi: phẫu thuật lấy đi toàn bộ một thùy phổi
– Phẫu thuật cắt phổi: Phẫu thuật lấy đi toàn bộ một lá phổi bị ung thư
– Phẫu thuật cắt một phần phế quản: phẫu thuật lấy đi một phần của phế quản. Loại phẫu thuật này được chỉ định khi khối u phổi nằm ở một số vị trí đặc biệt. Chẳng hạn vị trí phân chia phế quản thành 2 bên phế quản chính trái và phế quản chính phải.
5. Điều trị ung thư phổi bằng các phương pháp khác
5.1. Áp dụng liệu pháp nhắm trúng đích
Đây là phương pháp sử dụng thuốc nhằm vào các tế bào ung thư cụ thể. Liệu pháp này gồm 2 hình thức chủ yếu là kháng thể đơn dòng và thuốc kháng tyrosine kinase, thường dùng để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ trong giai đoạn di căn hoặc tái phát bệnh.
5.2. Miễn dịch hay còn gọi là liệu pháp sinh học
Với biện pháp này, các bác sĩ sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để loại bỏ khối u. Các chất từ cơ thể người bệnh hoặc tổng hợp trong phòng thí nghiệm sẽ giúp kích hoạt, hoặc khôi phục cơ chế bảo vệ của cơ thể chống khối u.
Bên cạnh đó còn có một số biện pháp khác được nghiên cứu và áp dụng với mục đích hạn chế, góp phần loại bỏ khối u như đốt điện, sử dụng laser, hoá trị ngăn ngừa, cảm thụ bức xạ, phẫu thuật lạnh,…