Nuốt xương cá – Hệ lụy không ngờ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Phạm Thanh Thúy

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Nuốt xương cá thông thường không gây ảnh hưởng quá lớn nếu được lấy ra kịp thời. Tuy nhiên, trong trường hợp hóc mà không được xử lý, nhất là các xương cá lớn, tình trạng này có thể gây ra các hệ lụy nguy hiểm. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có cho mình những kiến thức cần thiết và xử trí đúng cách với những tình huống do nuốt xương cá gây ra.

1. Nuốt xương cá – Tưởng đơn giản nhưng hóa nguy hiểm

Trong các bữa cơm hằng ngày, cá là thức ăn phổ biến được hầu hết mọi gia đình lựa chọn. Đây là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, bổ sung chất béo lành mạnh và được khuyên sử dụng với cả các trường hợp bệnh lý. Tuy nhiên, xương cá luôn là vấn đề mà nhiều người lo sợ, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Đây cũng là hai đối tượng có tỷ lệ hóc xương cá lớn nhất hiện nay.

Nuốt xương cá nhiều nguy hiểm

Nuốt xương cá là vấn đề cần lo lắng

1.1. Những tình huống nuốt xương cá trong đời sống

Việc nuốt xương cá do nhiều nguyên nhân. Nhiều người chủ động nuốt, vì nghĩ rằng, bản thân mình sẽ nhai kỹ, xương cá đủ mềm và an toàn. Nhiều trẻ nhỏ không ý thức về tầm nguy hiểm của xương cá cũng trong tình trạng này. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp hóc xương là do nạn nhân vô tình nuốt phải xương cá khi:
– Đang ăn nhưng cười đùa hoặc không tập trung trong ăn uống.
– Ăn và bị sặc, phải nuốt vội và vô tình nuốt phải mảnh xương cá.
– Bé ăn dặm nhưng bột/cháo/súp vô tình còn xương cá.
– Tai nạn trẻ nhặt được xương cá cho vào miệng.
– Trẻ em hoặc người già không đủ răng, chức năng nhai kém và trong đồ ăn còn mảnh xương cá.
– Người bệnh mới phẫu thuật, mới gây mê ăn uống với đồ ăn có xương cá.

Có thể nói, rất nhiều trường hợp không chủ động nuốt phải xương cá trong đời sống. Những tình huống này có thể trở thành khởi đầu của tai nạn hóc ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

1.2. Những nguy hiểm sau tai nạn hóc xương

Ngoài cảm giác đau, khó chịu, nuốt vướng, ăn không ngon thì việc nuốt xương cá và bị hóc có thể gây ra nhiều hệ lụy và nguy hiểm mà chúng ta không lường trước:

– Xương cá đâm vào niêm mạc cổ họng gây chảy máu, viêm nhiễm, áp xe cục bộ. Khối áp xe này phát triển có thể làm tắc khí quản, ngạt thở và tử vong.
– Xương cá làm thủng thực quản, đâm vào động mạch chủ gây nguy hiểm
– Xương cá bị nuốt xuống và trở thành dị vật đường tiêu hóa, gây thủng ruột/dạ dày, nguy cơ viêm phúc mạc đe dọa tính mạng.
– Nhiễm trùng huyết.

Trong các tình huống xương cá trở thành dị vật đường ăn uống và gây ảnh hưởng, người bị hóc có thể có biểu hiện đau bụng kéo dài. Tình trạng nhiễm trùng cũng có thể khiến người bệnh sốt cao. Nhiều trường hợp có thể dần mất ý thức.

Trên thực tế, rất nhiều ca cấp cứu nghiêm trọng vì việc hóc xương cá xảy ra. Điều đáng lo nhất là, tình trạng biến chứng từ hóc xương cá có thể dẫn đến tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì thế, khi có hiện tượng nuốt và hóc xương cá, cần chủ động xử lý ngay để tránh những hệ lụy lâu dài.

Nuốt xương cá cần đi khám

Cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận khi vô tình nuốt hóc xương cá

2. Xử trí đúng cách với tình huống nuốt phải xương cá.

2.1. Nuốt xương cá không triệu chứng

Nếu tình trạng xương cá không gây triệu chứng gì thì có thể, xương cá không đủ lớn hoặc đã được nghiền nát phù hợp khi đi vào đường ăn uống cũng như cơ quan tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng nên quan sát các phản ứng của cơ thể để đề phòng tình huống nguy hiểm. Nếu bản thân bạn thấy xương cá to, dài nhưng không gây triệu chứng thì để an tâm, hãy thử nhờ các bác sĩ tai mũi họng kiểm tra. Việc này không mất nhiều thời gian hay chi phí nên bạn hoàn toàn có thể an tâm.

2.2. Hóc xương cá không nguy kịch

Trong trường hợp người nuốt mẩu xương cá bị hóc nhưng không nguy kịch, tức là có các triệu chứng hóc thông thường như: đau, khó nuốt, chảy dãi, nghẹn, ho, buồn nôn,… và chức năng hô hấp vẫn bình thường, những người xung quanh có thể hỗ trợ kiểm tra soi họng cho người bị hóc. Nếu xương cá nhìn thấy dễ dàng và có thể gắp đơn giản bằng kẹp, hãy cẩn thận và gắp xương cá cho người hóc. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý để không làm rơi xương cá hay khiến xương cá đâm vào các bộ phận xung quanh.

Với trường hợp không có thiết bị dụng cụ gắp xương cá, không có người hỗ trợ có khả năng gắp xương, hoặc không nhìn thấy xương cá, và nhất là với trẻ em, người bị hóc cần đến các cơ sở y khoa tai mũi họng đế được bác sĩ kiểm tra, xử lý nhanh chóng.

2.3. Hóc xương cá kèm triệu chứng nguy kịch

Tình trạng nguy kịch khi hóc xương cá thường được biểu hiện với triệu chứng hô hấp không đều, người bị hóc nói hụt hơi, ho không rõ tiếng, thở không đều và có thể ngưng thở. Trong tình huống này, cần gọi cấp cứu gấp, đồng thời, tiến hành sơ cứu cho người bị hóc đúng cách:

2.3.1. Với trẻ dưới 2 tuổi

Thực hiện phương pháp vỗ lưng – ấn ngực trong tư thế chân cao hơn đầu. Thực hiện bế trẻ nằm sấp dọc cánh tay khi vỗ vùng lưng giữa hai xương bả vai và bé ngửa trẻ khi ấn vào vùng ngực giữa xương sườn. Người sơ cứu có thể đặt trẻ lên đùi để cố định trẻ tốt hơn khi thực hiện sơ cứu.

Cách chữa Nuốt xương cá

Cách sơ cứu khẩn cấp cho trẻ bị hóc xương cá

2.3.2. Với trẻ trên 2 tuổi và người lớn bị hóc

– Trong trường hợp người bị hóc còn tỉnh, người sơ cứu đứng sau và ôm lấy thắt lưng của người bệnh. Khi này, hãy nắm chặt hai bàn tay thành nắm đấm và đặt ở vùng thượng vị, phía trên rốn và dưới xương ức người bệnh. Thực hiện giật 5 lần dứt khoát theo hướng từ dưới lên và sâu vào trong, hoặc thực hiện cho đến khi người bệnh hồng hào, thở đều trở lại.

– Với người bị hóc trong tình trạng hôn mê, cần được đặt xuống một mặt phẳng cố định. Người cơ cứu quỳ xuống dạng hai chân cạnh 2 đùi của người bệnh. Sau đó xác định vùng thượng vị, đặt gót tay lên khu vực này và chồng tay thứ 2 lên trên. Ấn dứt khoát, mạnh và nhanh theo hướng từ dưới lên trên hoặc cho tới khi người bệnh tỉnh táo trở lại.

Chú ý rằng, nếu người bị hóc trong trạng thái ngưng thở thì cần hà hơi thổi ngạt và xen kẽ kết hợp việc này cùng các thao tác sơ cứu hóc.

2.4. Hóc xương cá lâu ngày gây triệu chứng

Hóc xương cá lâu ngày với các triệu chứng dai dẳng có thể là dị vật đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Nếu là dị vật đường hô hấp, người hóc xương cá thường có tình trạng đau họng, đau ngực, ho,… Với dị vật đường tiêu hóa, người bệnh có thể đau bụng, ốm sốt tùy trường hợp. Với tình trạng hóc này, cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra, tránh để quá lâu, bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Như vậy, việc nuốt xương cá có thể để lại nhiều hệ lụy mà chúng ta không ngờ tới. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên nuốt các loại xương cá hay các dị vật lạ. Nếu xảy ra tình trạng hóc, cần sớm đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ kiểm tra, lấy dị vật và phòng ngừa biến chứng phù hợp. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức phòng chống hóc bằng cách cẩn trọng trong ăn uống và giáo dục con cái về sự nguy hiểm của tai nạn này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital