Niềng răng silicon thường được áp dụng cho trẻ em khi gặp phải tình trạng sai lệch về răng. Trong một số trường hợp, phương pháp này còn có thể áp dụng cho người lớn trong giai đoạn đầu niềng răng. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Niềng răng Silicon là gì?
Niềng răng silicon còn được gọi là niềng trainer, là hoạt động tiền chỉnh nha sử dụng khí cụ niềng được làm bằng chất liệu silicon không nhiệt. Máng niềng có đặc tính dẻo, đàn hồi và khả năng chịu lực vượt trội. Khí cụ niềng có hình dáng ôm sát cung răng, có tác dụng gần giống như máng niềng trong việc hạn chế và điều chỉnh tình trạng răng mọc lộn xộn trong thời gian răng đang phát triển.
Những trường hợp gặp phải tình trạng sai lệch khớp cắn có thể sử dụng phương pháp niềng bằng hàm trainer như: Răng thưa, răng mọc lệch hoặc thụt vào trong, khớp cắn sâu…
Phương pháp này được bác sĩ khuyến khích sử dụng trong giai đoạn tiền chỉnh nha cho trẻ em từ 5-10 tuổi giúp ngăn ngừa sai lệch khớp cắn và điều chỉnh phương răng, giúp cho quá trình niềng răng khi trưởng thành đạt hiệu quả cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
2. Các loại niềng răng Silicon
Các chuyên gia phân chia máng niềng thành các loại dựa trên độ tuổi. Việc sử dụng loại hàm niềng nào sẽ do bác sĩ chỉ định sau khi thăm khám và xác định tình trạng răng miệng của bệnh nhân. Về cơ bản, các loại niềng trainer phổ biến hiện nay bao gồm:
2.1. Niềng răng silicon hàm Junior (Hàm J)
Hàm silicon Junior phù hợp với trẻ từ 3-5 tuổi. Hàm có vai trò giúp trẻ loại bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng tới việc mọc răng như mút tay, cắn móng tay, ngậm ti giả, cắn môi… Ngoài ra, hàm còn có khả năng mở rộng cung hàm cho trẻ nhằm ngăn chặn tình trạng răng sữa mọc chen chúc.
Hàm được thiết kế phù hợp với cung răng của trẻ nhỏ và có độ mềm, dẻo cũng như an toàn cao, tránh các trường hợp gây cộm, xước nướu.
2.2. Niềng silicon hàm Kid (Hàm K)
Ở giai đoạn từ 5-10 tuổi, trẻ vừa rụng răng sữa, vừa bắt đầu mọc răng vĩnh viễn. Do vậy, để hạn chế sự sai lệch vị trí của răng, bác sĩ sẽ khuyến khích trẻ sử dụng hàm silicon Kid. Hàm K có tác động tương tự hàm J, tuy nhiên, hàm niềng K có độ cứng lớn hơn để phù hợp với độ cứng của hàm cho trẻ ở giai đoạn này.
2.3. Niềng silicon cho răng vĩnh viễn (Hàm T)
Bước sang giai đoạn từ 10-15 tuổi, toàn bộ răng sữa đã thay và mọc răng vĩnh viễn. Giai đoạn này răng đã phát triển và dần ổn định nên được đánh giá là thời điểm thích hợp để niềng răng.
Việc sử dụng hàm T có tác dụng quan trọng giúp định hướng răng về vị trí chính xác. Việc đeo hàm được coi là cơ hội cuối cùng để điều chỉnh răng trong giai đoạn răng đang phát triển. Nhờ đeo hàm để tiền chỉnh nha, quá trình sửa, nắn và niềng răng sau này sẽ đạt hiệu quả cao hơn và giúp người niềng tiết kiệm thời gian cũng như chi phí.
2.4. Niềng silicon cho người lớn (Hàm A)
Sau tuổi 15 là giai đoạn răng đã ổn định chuyển qua giai đoạn trưởng thành. Người trưởng thành có thể kết hợp đeo hàm A và niềng răng cố định bằng mắc cài hoặc niềng trong suốt.
Tuy nhiên do ở giai đoạn này, hàm có độ cứng và chắc chắn cao hơn nên hiệu quả chỉnh nha bằng hàm A không cao như ở các độ tuổi khác. Niềng silicon không có quá nhiều tác dụng rõ rệt với những người có khiếm khuyết răng miệng. Chúng chỉ có thể hỗ trợ cho quá trình chỉnh nha bằng khí cụ niềng chuyên dụng.
Một số trường hợp sai lệch nhỏ có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng niềng răng bằng silicon.
3. Niềng răng silicon có ưu và nhược điểm gì?
3.1. Ưu điểm của phương pháp niềng răng silicon
– Niềng răng giúp điều hướng răng mọc sai lệch khớp cắn phù hợp, giúp trẻ có hàm răng đều, thẩm mỹ ngay từ khi còn đang trong giai đoạn trưởng thành.
– Hàm silicon khắc phục hiệu quả các thói quen xấu của trẻ như mút tay, cắn móng, đẩy lưỡi… gây ra các tình trạng sai lệch cho răng.
– Hàm có trọng lượng rất nhẹ, được thiết kế ôm sát cung răng nên sử dụng rất dễ dàng.
– Chất liệu silicon an toàn, không gây hại cho sức khỏe người niềng răng.
– Hàm có thể tháo lắp linh hoạt nên vệ sinh răng miệng dễ dàng.
3.2. Nhược điểm của phương pháp niềng bằng silicon
– Phương pháp được khuyến khích nên sử dụng cho trẻ em, người lớn sử dụng thường không đạt hiệu quả như ý muốn.
– Hàm không thể khắc phục triệt để các khuyết điểm của răng.
– Hàm kém chất lượng không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cho người niềng.
Lưu ý: Niềng răng bằng silicon chỉ đem lại hiệu quả thực sự khi bạn sử dụng loại hàm được bác sĩ có chuyên môn chỉ định. Không nên tự ý mua hàm niềng mà nên tới các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn sử dụng đúng cách.
4. Cách sử dụng hàm Silicon
Đặc trưng của hàm silicon là có tính linh hoạt, dễ dàng tháo lắp nên mọi người đều có thể tự thực hiện bằng cách há miệng lớn, đặt hàm silicon vào miệng sau đó giữ môi trên và môi dưới chạm nhau, cắn nhẹ vào niềng để điều chỉnh về vị trí thích hợp trên cung hàm.
Ngoài ra, người niềng cần tuân thủ các nguyên tắc sau trong quá trình sử dụng hàm trainer:
– Thăm khám với bác sĩ để biết được tình trạng cụ thể và được tư vấn loại niềng phù hợp.
– Tránh ăn thức ăn quá dai, cứng để không gây nên tình trạng lệch lạc cho răng.
– Nếu có biểu hiện sưng lợi, đau răng thì nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
– Đeo niềng ít nhất 2 tiếng vào ban ngày và khoảng 8 tiếng vào ban đêm để đạt được hiệu quả.
– Vệ sinh hàm bằng nước muối pha loãng đều đặn sau khi ăn để loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám.
– Vệ sinh và chăm sóc răng miệng đúng cách để ngăn ngừa bệnh lý về răng miệng.
Niềng răng silicon nên được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ nhằm giúp người niềng có thể đạt được hiệu quả vượt trội trong việc điều chỉnh vị trí răng. Do đó, bạn cần lựa chọn các cơ sở nha khoa uy tín, chuyên nghiệp đẻ được thăm khám và tư vấn phương pháp phù hợp với tình trạng răng miệng của mình.