Hiện nay, niềng răng đã trở thành một phương pháp phổ biến giúp chỉnh hình và xử lí các vấn đề về răng ở trẻ em như răng hô, răng mọc lệch, không đều… Vậy, cha mẹ cần lưu ý những gì khi niềng răng cho trẻ?
Menu xem nhanh:
1. Những lý do khiến cha mẹ nên cho trẻ niềng răng
Không phải tự nhiên mà rất nhiều phụ huynh đã chọn niềng răng là phương pháp chỉnh hình răng miệng cho trẻ. Dưới đây là 3 lý do phổ biến khiến cha mẹ cho trẻ niềng răng.
1.1. Hiểu được những ảnh hưởng của hàm răng xấu đến cuộc sống của trẻ
Khi trẻ có một hàm răng hô hay mọc lệch lạc, không đều… sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti, nhất là khi trẻ trưởng thành. Bởi lẽ, hàm răng xấu không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ nụ cười mà còn gây ảnh hưởng tới toàn bộ cấu trúc gương mặt. Lâu dài, trẻ sẽ trở nên mặc cảm, ngại giao tiếp.
Ngoài ra, khi răng mọc sai lệch còn khiến quá trình ăn, nhai, phát âm và việc vệ sinh răng miệng của trẻ cũng gặp khó khăn. Quá trình ăn, nhai gặp khó khăn sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh dạ dày và bệnh về đường tiêu hoá do thức ăn không được nhai kỹ. Vệ sinh răng miệng gặp khó khăn sẽ khiến trẻ có nguy cơ gặp phải các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nha chu…
1.2. Niềng răng cho trẻ sớm đem lại hiệu quả nhanh hơn và ít đau hơn
Khi trẻ chưa trưởng thành, xương hàm còn mềm nên việc “di chuyển” lại các răng trên khung hàm sẽ dễ dàng hơn. Điều này giúp các răng mọc lệch sẽ được “sắp xếp” lại trong thời gian ngắn hơn, tỷ lệ thành công cao hơn và ít đau hơn.
Do đó, nếu cha mẹ chần chừ thì quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều cả thời gian và chi phí. Bởi khi đó, thời gian càng lâu, răng ngày càng lệch lạc và xương hàm của trẻ càng cứng hơn.
1.3. Niềng răng sớm giúp trẻ hạn chế các bệnh lý răng miệng
Như đã chia sẻ, tình trạng răng mọc lệch, mọc khấp khểnh khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng. Do đó, niềng răng sớm không chỉ giúp trẻ khắc phục tình trạng răng mọc sai lệch mà còn ngăn ngừa các bệnh răng miệng. Bởi lẽ, khi được niềng răng, xương hàm sẽ không còn phát triển quá mức, vừa tránh được nguy cơ phẫu thuật sau này, vừa giúp trẻ vệ sinh răng miệng dễ dàng.
2. Cha mẹ nên cho trẻ niềng răng khi nào?
2.1. Những trường hợp nào cần được niềng răng?
Các phụ huynh hãy đưa con đến gặp nha sĩ nếu thấy con có những đặc điểm sau:
– Khớp cắn ngược;
– Cung răng hẹp, răng mọc xô lệch, chen chúc, khấp khểnh;
– Răng thưa, giữa các răng có khe hở hoặc khoảng trống;
– Các trường hợp sai khớp cắn: Răng cắn hở, răng cắn sâu, răng cắn đối đầu, răng cắn ngược (móm), răng chìa (hô vẩu)…
2.2. “Thời điểm vàng” để niềng răng cho trẻ
Giai đoạn được cho là “thời điểm vàng” để thực hiện niềng răng cho trẻ là khoảng từ 12 đến 16 tuổi. Đây là giai đoạn tốt nhất để thực hiện chỉnh nha cố định, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu dậy thì. Vì khi đó cơ thể trẻ vẫn đang phát triển, xương hàm còn chưa cố định.
Những ưu điểm khi cha mẹ cho trẻ niềng răng trong “thời điểm vàng”:
– Tiết kiệm thời gian vì xương hàm còn mềm, dễ nắn chỉnh;
– Hiệu quả cao vì răng sẽ phát triển theo đúng điều chỉnh;
– Ít đau đớn, hạn chế nguy cơ phẫu thuật hàm;
2.3. Có nên cho trẻ niềng răng sớm?
Nhiều cha mẹ thường suy nghĩ rằng cho trẻ niềng răng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong chỉnh nha cho trẻ là đúng thời điểm.
Những ảnh hưởng nếu cha mẹ cho trẻ niềng răng quá sớm:
– Không đủ chỗ để “sắp xếp” lại các răng, do khung xương hàm của trẻ còn quá nhỏ, chưa phát triển hoàn thiện;
– Thời gian niềng răng sẽ lâu hơn do phải đợi trẻ thay răng;
Do đó, giai đoạn phù hợp nhất để thực hiện niềng răng cho trẻ chính là khi trẻ đã mọc hết răng vĩnh viễn và xương hàm đã dần hoàn thiện. Khi đó các nha sĩ mới có thể đưa ra lộ trình niềng răng phù hợp, giúp đạt hiệu quả tối đa và tiết kiệm chi phí.
Đối với trẻ từ 6 – 7 tuổi, cha mẹ có thể đưa trẻ đến gặp nha sĩ để tiến hành tầm soát tiến trình mọc răng. Sau đó nha sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều chỉnh phù hợp.
3. Gợi ý cha mẹ cách chăm sóc răng sau cho trẻ sau khi niềng
3.1. Một số vấn đề trẻ có thể gặp phải sau niềng răng
Sau khi niềng răng, có thể trẻ sẽ cảm thấy đau nhức, khó chịu do:
– Một số trẻ cần phải nhổ răng;
– Mắc cài cọ vào nướu và má trong;
– Tác động của quá trình di chuyển các răng;
Do đó, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống. Bên cạnh đó, thực đơn của trẻ cũng bị hạn chế. Để tránh thức ăn bị kẹt lại ở các mắc cài, gây viêm nhiễm nên trẻ thường chỉ được ăn các món mềm, loãng.
3.2. Những lưu ý trong chăm sóc răng miệng cho trẻ sau khi niềng
Vì vậy, sau khi cho trẻ niềng răng, cha mẹ cần lưu ý:
– Nhắc trẻ thường xuyên vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của nha sĩ, đặc biệt là sau mỗi lần ăn uống;
– Ưu tiên chế biến các món ăn mềm, loãng để trẻ dễ nhai, dễ ăn mà không bị kẹt lại ở các mắc cài;
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và các dưỡng chất để trẻ mau chóng phục hồi, đặc biệt là các thực phẩm có lợi cho răng như sữa, trứng, phomai…
– Không nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn quá cứng, quá lạnh hoặc quá nóng;
– Động viên trẻ ăn đủ bữa, tuyệt đối không để trẻ nhịn ăn hay ăn thiếu chất. Bởi khi cơ thể thiếu năng lượng sẽ khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu. Không những thế, khi cơ thể thiếu chất, răng sẽ bị yếu đi khiến cho quá trình niềng răng kéo dài.
– Tuân thủ lịch khám răng định kỳ do nha sĩ đưa ra. Việc này giúp nha sĩ có thể kiểm tra quá trình đáp ứng của răng và xương hàm đối với mức lực đang áp dụng. Từ đó, nha sĩ có thể điều chỉnh mức lực phù hợp. Đồng thời, nha sĩ sẽ phát hiện và khắc phục kịp thời những vấn đề có thể gặp phải để đảm bảo hiệu quả.
4. Kết luận
Có thể nói, niềng răng cho trẻ là một phương pháp giúp lấy lại sự tự tin cho trẻ với một hàm răng đều, đẹp. Không những thế, niềng răng còn giúp hỗ trợ việc ăn uống và vệ sinh răng miệng đạt hiệu quả tốt hơn.
Niềng răng là một kỹ thuật chỉnh hình cần được thực hiện ở cơ sở nha khoa uy tín, có nha sĩ vững chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa con đi niềng răng để đạt hiệu quả cao và tránh những rủi ro không đáng có